Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Luật Căn cước công dân đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính

Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã nỗ lực trong triển khai thực hiện sản xuất, cấp chứng minh nhân dân (CMND) mới. Sắp tới, Chính phủ dự thảo Luật Căn cước công dân, trong đó coi CMND mới 12 số sẽ chính là căn cước của công dân trong tương lai, phục vụ công việc quản lý, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân. Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (QLHC về TTATXH) - đơn vị thường trực trong công tác sản xuất, cấp CMND mới.

Thưa đồng chí, được biết, trong chương trình của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ thảo luận dự thảo Luật Căn cước công dân để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, đồng chí cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành Luật này?

- Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Mặc dù Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân (CCCD) phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, nhưng cho đến nay, các quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về CCCD là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là luật. Mặt khác trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là bối cảnh thực hiện hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu mới, cụ thể như: Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Các thông tin về CCCD có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu giao dịch của cơ quan, tổ chức, công dân nhưng lại gắn liền với bí mật thông tin cá nhân. CMND là một giấy tờ tùy thân chứng nhận căn cước của công dân phục vụ giao dịch, đi lại. Tuy nhiên kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý CMND còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai mở rộng Dự án CMND, Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đã thực hiện như thế nào?

- Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đã xây dựng kế hoạch triển khai mở rộng Dự án CMND tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Các quận, huyện còn lại chưa triển khai cấp CMND mới của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh. Cho đến nay đã hoàn thành triển khai cấp CMND mới trên toàn TP Hà Nội, Hải Phòng, đã lắp đặt và chuẩn bị lắp đặt thiết bị để triển khai cấp CMND mới tại Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, dự kiến đến cuối tháng 6/2014 hoàn thành cấp CMND mới tại các địa phương này. Tiếp theo Tổng cục đã chỉ đạo các Cục nghiệp vụ, phối hợp với Công an các địa phương để tiếp tục triển khai dự án cấp CMND tại 10 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh và sẽ triển khai trong các tỉnh, thành phố khác.

Việc sản xuất, cấp CMND triển khai đi vào đời sống có gặp thuận lợi, khó khăn gì? Ưu điểm của CMND mới có gì khác so với CMND cũ?

- Thiếu tướng Trần Văn Vệ: CMND cũ đã tồn tại từ năm 1976 đến nay, vì vậy mọi giao dịch của công dân liên quan đến CMND cũ rất nhiều nên khi triển khai Dự án CMND mới Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đã có 2 văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ngân hàng, kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại, Bảo hiểm, Tổng cục Địa chính… thông báo việc Bộ Công an tổ chức cấp CMND mới (12 số), CMND cũ, mới đều có giá trị sử dụng như nhau và đề nghị tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các giao dịch, xác nhận... do thay đổi CMND từ 9 số sang 12 số. Nhưng quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc trong thực hiện giao dịch, nhất là các giao dịch về đất đai, ngân hàng... gây bức xúc cho công dân. Tiếp thu những phản ảnh của nhân dân, Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về cấp giấy xác nhận số CMND cũ của công dân đã được cấp CMND mới để thực hiện các quan hệ giao dịch trước đó của công dân. Quá trình thực hiện tại Hà Nội, công dân được cấp CMND mới vẫn có nhu cầu được giữ lại CMND cũ để thực hiện các giao dịch và do nhu cầu cấp giấy xác nhận số CMND cũ của công dân nhiều nên để tránh phiền hà cho người dân, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành Thông tư số18/2014/TT-BCA ngày 29/4/2014 hướng dẫn việc thu, nộp và xử lý CMND cũ khi công dân đổi CMND mới.

Theo quy định của Thông tư thì khi công dân đến làm thủ tục cấp đổi CMND cũ sang CMND mới, cán bộ làm thủ tục sẽ tiến hành như sau: Trường hợp CMND còn rõ nét thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, sau đó ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho công dân. Trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì cán bộ làm thủ tục tương tự như trường hợp vừa nêu và trả CMND cho công dân kèm theo giấy xác nhận số CMND. Trong mọi trường hợp nêu trên, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan Công an vẫn có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số CMND cho công dân (Hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2014)

Ưu điểm của CMND mới có độ bền cao, không bị bong tróc, được sản xuất bằng công nghệ mới theo chuẩn chung của quốc tế, có thiết kế đẹp, có tính bảo mật và chống làm giả cao, đảm bảo phù hợp với các yêu cầu đồng bộ quốc tế. Qua triển khai cấp CMND mới tại Hà Nội đều được người dân ủng hộ và đánh giá cao về chất lượng, cũng như dễ sử dụng trong giao dịch, bảo quản.

Công tác cấp, quản lý CMND mới có tác dụng trong công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tội phạm ra sao?

- Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Có thể thấy ngay hiệu quả trong cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, đó là:  Thời gian tiến hành các thủ tục để được cấp CMND của công dân được thực hiện qua các máy móc thiết bị hiện đại, nên việc kê khai, thu nhận thông tin trở nên đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, làm giảm thời gian chờ đợi và giảm phiền hà cho người dân. Đối với các trường hợp đã được cấp CMND mới (12 số) khi thực hiện cấp đổi, cấp lại sẽ đơn giản hơn rất nhiều do việc tra cứu được thực hiện trên hệ thống cho kết quả nhanh chóng, chính xác. Người dân không cần phải đến trực tiếp mà có thể ủy quyền hoặc nhờ người khác đến vẫn có thể cấp lại được CMND mới. Việc đảm bảo mỗi người dân được cấp 1 số CMND duy nhất, không thay đổi trong suốt cuộc đời, kể cả việc người đó có sự thay đổi về thông tin nhân thân hay thay đổi nơi cư trú. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm các giao dịch và các lợi ích hợp pháp của công dân.

Còn hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thì với việc cấp số CMND duy nhất gồm 12 số; thu thập, lưu trữ đầy đủ các thông tin về công dân và sử dụng hệ thống cho phép tra cứu, tìm kiếm và truy nguyên chính xác đến công dân đã được cấp CMND. Sử dụng máy đọc mã vạch hai chiều để kiểm tra, xác thực thông tin; đặc biệt là sử dụng thiết bị xác minh di động để kiểm tra xác thực tại chỗ giữa thông tin trên thẻ CMND với công dân và phát hiện đối tượng qua dữ liệu được lưu trữ trên thiết bị hoặc thu nhận vân tay trực tiếp của đối tượng để gửi yêu cầu và nhận kết quả đối sánh tại Trung tâm CMND quốc gia qua mạng thông tin di động phục vụ có hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Ngoài ra, các dữ liệu không chỉ phục vụ cho công tác Công an mà còn gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ sản xuất, cấp CMND mới luôn chú trọng công tác bảo vệ an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu...

Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè