Ví như nhiều giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật - CDC các tỉnh. Sau khi Giám đốc CDC Hải Dương được “dắt đi”, nhiều CDC vội lên tiếng thanh minh, có nơi còn chủ động mời trà họp báo. Ngày 21-12-2021, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An “lên mặt báo”, cho biết ông khá bất ngờ về thông tin CDC Nghệ An được nhắc tên là đơn vị có nhận “hoa hồng” từ Công ty CP Công nghệ Việt Á. “Cá nhân tôi chưa nhận bất kỳ khoản tiền hoa hồng nào từ phía người của Công ty CP Công nghệ Việt Á” - ông khẳng định. Điều này càng được lấy làm tin khi cấp trên của ông Định là ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định, việc CDC Nghệ An mua sắm vật tư, sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á “được tiến hành đúng quy định”.
Đúng 10 ngày sau, Giám đốc CDC Nghệ An lại lên báo nhưng lần này không phải để thanh minh mà là tin khởi tố, bắt tạm giam! Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương và một số cán bộ. Đáng nói, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương từng quả quyết “tuyệt đối không có chuyện chia chác, móc nối, ăn chia phần trăm” trong mua kit test. Trước khi bị bắt tạm giam liên quan đến vụ án kit test Việt Á, Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn cũng từng khẳng định mình trong sạch “không nhận một đồng nào”!
Những dẫn chứng trên mới chỉ là một phần trong quá trình điều tra vụ Việt Á. Vấn đề đặt ra từ việc khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ CDC các tỉnh, đó là hệ quả của một chuỗi cung ứng vật tư y tế từ trên xuống dưới, vì sao một công ty lại dễ dàng chi phối các “chân rết” CDC ở các vùng, miền? Trong vòng xoáy đó, thực tế có bao nhiêu CDC hưởng lợi từ Việt Á? Và, cũng câu hỏi ngược lại, với sự chi phối sâu rộng như vậy, liệu CDC các tỉnh từ chối nhận của Việt Á thì “cuộc chơi” có đảm bảo không, nếu “không nhận quà” có bị xếp vào diện cá biệt?
Lâu nay, chuyện bắt tay trong việc đấu thầu, cung ứng thiết bị, vật tư thiết bị y tế vốn là vấn đề nhức nhối, như vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, một robot Rosa có giá chỉ 7,6 tỉ đồng nhưng lại được Công ty BMS kê khống lên đến 39 tỉ khi đưa vào bệnh viện. Giá bị đội lên nhiều lần nhưng chứng từ quyết toán vẫn lọt cửa các cơ quan thẩm định, chốt giá. Cái gọi là phần trăm “lại quả” thì chính số tiền đó lại được cắt ra từ ngân sách, các khoản tài chính khác và đặc biệt là bệnh nhân phải gánh. Vì lẽ đó, hành vi của những cán bộ CDC nói trên là phạm pháp nhưng gốc rễ của vấn đề nâng giá thiết bị y tế để “dúi” vào các điểm tiêu thụ phải là những cá nhân ở tầm cao hơn, ở đây là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Là cơ quan quản lý nhà nước về y tế toàn quốc, việc mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư y tế là vấn đề lớn, không có lý do gì vụ việc như Việt Á lại “lọt lưới”, chi phối đến hệ thống kiểm soát bệnh tật các tỉnh trên cả nước.
Trách nhiệm này được thể hiện rõ trong kết luận mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ KH&CN đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty CP Công nghệ Việt Á và một số cá nhân. Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Theo đó, các ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ KH&CN và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. “Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ KH&CN và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật” - kết luận nêu rõ. Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, làm rõ.
Đáng chú ý, trước khi có kết luận trên, dư luận đã đề cập trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ KH&CN nhưng nhiều phát biểu của hai bộ này vẫn mang tính biện minh. Trao đổi với báo chí ngày 28-12-2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nói rằng, đầu năm 2020, khi chưa có dịch ở Việt Nam, các nhà khoa học trong nước đã cùng các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về kit test. Sau đấy, Bộ trưởng Bộ KH&CN khi đó là ông Chu Ngọc Anh đã ký quyết định thực hiện 3 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, trong đó có 2 nhiệm vụ liên quan đến kit test và 1 nhiệm vụ liên quan đến dịch tễ.
Trả lời câu hỏi tại sao chọn Việt Á, ông Tạc cho hay, trước khi giao nhiệm vụ cho Học viện Quân y, nhiều người khuyến cáo ở Việt Nam lựa chọn công ty nào có thể sản xuất được kit test lên tới hàng triệu cái. Theo ông, Công ty Việt Á là một trong những đơn vị sản xuất kit test và các nhà khoa học Học viện Quân y đã đề xuất Việt Á tham gia.
Giải thích lý do vì sao kit test của Việt Á được cấp phép “thần tốc”, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết thời điểm tháng 3-2020, Việt Nam vô cùng thiếu kit test, trong kho của Bộ Y tế có lúc còn 50 cái.
“Thiếu như thế nhưng muốn đặt mua không mua được, các nhà khoa học về dịch tễ yêu cầu Bộ KH&CN cho nghiệm thu ngay. Chúng tôi họp nghiệm thu và sau đó hội đồng này đã có biên bản gửi Bộ Y tế đề nghị cấp phép khẩn cấp cho bộ kit test do Học viện Quân y phối hợp với Việt Á sản xuất”, ông Tạc khẳng định và cho biết, thẩm quyền cấp phép sử dụng, sản xuất kit test ở quy mô lớn và Công ty Việt Á sản xuất ra bán các tỉnh thì không thuộc thẩm quyền của Bộ KH&CN.
Với những diễn giải như vậy, chúng ta không thấy Thứ trưởng Bộ KH&CN xác định gì về trách nhiệm của cá nhân cũng như của Bộ. Một bạn đọc bình luận: “Giải trình của ông không thuyết phục. Tôi chỉ có ý kiến nên thử lại chất lượng của kit test do Việt Á sản xuất và cơ sở sản xuất ở đâu, cơ quan nào đồng ý cho Việt Á sản xuất và đi bán?”.
Trong khi đó, nhiều ý kiến chỉ rõ, với tính chất vụ án nghiêm trọng, phạm vi rộng lớn, liên quan nhiều tỉnh, thành như vậy, cần phải làm rõ, xác định để xử lý trách nhiệm của cá nhân tại các bộ liên quan. Ngày 27-12-2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận?Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 11 khóa IX.
Góp ý vào báo cáo kết quả công tác mặt trận, ông Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận?Tổ quốc Việt Nam nêu rõ, nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước làm rõ vi phạm, phải xử lý nghiêm minh với những cơ quan, tổ chức có liên quan tới vụ việc này. “Cụ thể là làm rõ trách nhiệm của Bộ KH&CN, Bộ Y tế liên quan tới việc Công ty Việt Á sản xuất và nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi. Đồng thời, phải làm rõ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã đề xuất để khen thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Công ty Việt Á liên quan tới vụ việc như một sự thừa nhận, có biểu hiện của sự bao che, tạo điều kiện cho Việt Á thực hiện việc làm sai trái này, lừa dối Nhân dân, tham nhũng tiền của Nhà nước; các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế đã cấu kết với Việt Á để tham nhũng” - ông Trình nêu kiến nghị.
Nguồn: Báo CAND