Thứ Hai, 28/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hoàn thiện quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc áp dụng pháp luật

 

Luật Tổ chức cơ quan hình sự đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp tục đi vào ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Thứ nhất, hạn chế trong tổ chức của Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an không bố trí cấp tổng cục và sáp nhập một số đầu mối để bảo đảm tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra hình sự.  

Ngày 18/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, theo đó, đã có sự thay đổi về tổ chức của Bộ Công an, dẫn đến sự thay đổi về tổ chức của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân cũng được tổ chức theo mô hình gồm 02 cấp (Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) và không tổ chức Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

Ngoài ra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng cũng có sự thay đổi do thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Thứ hai, quy định về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn một số hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Điều 9, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như sau: “Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng… Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam”.

Tuy nhiên tại khoản a, điểm 1, Điều 3, Nghị định số 106/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam nêu: “Cơ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng gồm: Bộ Tham mưu; Cục Chính trị; Cục Trinh sát; Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Cục Cửa khẩu; Cục Hậu cần; Cục Kỹ thuật”. Như vậy, việc sử dụng thuật ngữ “Cục trinh sát biên phòng” trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành chưa thống nhất với Luật Biên phòng Việt Nam và văn bản hướng dẫn thi hành

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã giải thể, sáp nhập một số đầu mối là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: (1) giải thể Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an cấp tỉnh; (2) giải thể Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đề án số 19/ĐA-BCA ngày 10/7/2023 của Bộ Công an về tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh quy định, tại Công an cấp tỉnh, sáp nhập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường vào Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và điều chỉnh tên gọi thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường.

Thứ ba, quy định về Hội đồng thi tuyển Điều tra viên vẫn còn tồn tại. Nhiều thành phần Hội đồng thi tuyển Điều tra viên đã không còn do bị giải thể, sáp nhập.  

Thứ tư, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên, Cán bộ điều tra và quy định về chức năng, nhiệm vụ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có sự thay đổi, cần được điều chỉnh phù hợp.

Ngày 10/4/2024 Bộ Công an ban hành Hướng dẫn số 10/HD-BCA-V03 về thực hiện bố trí Điều tra viên, Cán bộ điều tra ở Công an cấp xã, theo đó, Bộ Công an chủ trương bổ nhiệm chức danh Điều tra viên đối với Trưởng Công an cấp xã và Phó Trưởng Công an cấp xã phụ trách phòng, chống tội phạm, bổ nhiệm chức danh Cán bộ điều tra đối với cán bộ Công an cấp xã.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra bố trí ở Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong phạm vi địa bàn cấp xã được bố trí.

Như vậy, cần thiết phải sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên tại Điều 53 và trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an tại Điều 44 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Cùng với đó, qua thực tế thi hành các nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định, một số thẩm quyền trong thực hiện các hoạt động tố tụng còn hạn chế và một số quy định còn chưa phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự gây ra những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trên thực tế.

Với những lý do nêu trên thì việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác điều tra hình sự trong thời gian tới.

BỐ CỤC DỰ THẢO LUẬT

Dự thảo Luật gồm 09 chương, 54 điều (giảm 19 điều so với Luật năm 2015); trong đó: bỏ Chương IV, 15 điều; gộp 07 điều thành 03 điều; giữ nguyên 08 điều; bổ sung 01 điều; chỉnh lý kỹ thuật 11 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều; cụ thể như sau:

1. Chương I. Những quy định chung, có 13 điều. So với Luật năm 2015, Chương này giữ nguyên 03 điều, chỉnh lý kỹ thuật 04 điều; bỏ 01 điều; sửa đổi, bổ sung 05 điều.

2. Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra của công an nhân dân, có 04 điều. So với Luật năm 2015, Chương này bỏ 03 điều; sửa đổi, bổ sung 04 điều.

3. Chương III. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân, có 05 điều. So với Luật năm 2015, Chương này bỏ 02 điều; chỉnh lý kỹ thuật 01 điều; sửa đổi, bổ sung 04 điều.

4. Chương IV. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có 06 điều. So với Luật năm 2015, Chương này chỉnh lý kỹ thuật 01 điều; gộp 04 điều thành 02 điều; sửa đổi, bổ sung 03 điều.

5. Chương V. Quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự, có 05 điều. So với Luật năm 2015, Chương này chỉnh lý kỹ thuật 04 điều (các điều 29, 30, 31 và 32); giữ nguyên 01 điều (Điều 33).

6. Chương VI. Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên và cán bộ điều tra, có 10 điều. So với Luật năm 2015, Chương này giữ nguyên 03 điều, chỉnh lý kỹ thuật 03 điều; bỏ 01 điều; sửa đổi, bổ sung 03 điều.

7. Chương VII. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự, có 04 điều. So với Luật năm 2015, Chương này giữ nguyên 01 điều, chỉnh lý kỹ thuật 01 điều; sửa đổi, bổ sung 02 điều.

8. Chương VIII. Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác điều tra hình sự, có 04 điều. So với Luật năm 2015, Chương này bỏ 03 điều; sửa đổi, bổ sung 04 điều.

9. Chương IX. Điều khoản thi hành có 03 điều. So với Luật năm 2015, Chương này bỏ 01 điều; bổ sung 01 điều; sửa đổi, bổ sung 02 điều.

NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA DỰ THẢO LUẬT

- Đề xuất bỏ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống Cơ quan điều tra. Theo đó, hệ thống cơ quan điều tra sẽ chỉ còn CQĐT của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Trong đó, cơ quan điều tra của CAND sẽ rút gọn từ 3 cấp như quy định hiện hành (gồm Bộ Công an, cấp tỉnh và cấp huyện) xuống còn 2 cấp là Bộ Công an và cấp tỉnh.

- Bãi bỏ các điều khoản quy định cụ thể về tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra CAND. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định căn cứ vào cơ cấu tổ chức. Đồng thời, tổ chức bộ máy các cơ quan điều tra trong QĐND sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra của CAND, trong QĐND. Trong đó, nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (thuộc thẩm quyền xét xử của TAND) sẽ được chuyển giao từ CQĐT Viện KSND tối cao sang cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Nhiệm vụ tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự) sẽ được chuyển giao từ CQĐT Viện kiểm sát quân sự T.Ư sang cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng.

Phòng Hành chính tổng hợp

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi