Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hại thân vì những lời tung hô, kích động

Đúng kịch bản như với bất kỳ đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước phải ra toà, những thành phần cổ suý chỉ chờ có vậy để tung hô, coi bị cáo trước toà như con diều để giật lên hay đẩy xuống tuỳ thuộc chính động cơ, thủ đoạn của kẻ chống phá.

Phiên toà xét xử bị cáo Lê Trọng Hùng diễn ra ngày cuối cùng của năm 2021 cũng vậy, khi mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo trình tự tố tụng thì số cơ hội bên ngoài chờ sẵn để “ném đá” tạo sóng dư luận, lấy cớ đẩy vụ án sang hướng khác để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trang Việt Tân dẫn lời nói sau cùng của Lê Trọng Hùng trước toà, nội dung lời nói cho thấy bị cáo không ăn năn, hối cải, mà vẫn ngoan cố chối tội, thậm chí còn mang tính kích động để những kẻ chống phá lấy cớ vu cáo.

Bị cáo Lê Trọng Hùng ngô nghê nói rằng, lẽ ra đã “trở thành đại biểu Quốc hội”, việc bị phạt tù là “ngăn cản sứ mệnh của tôi trong 5 đến 10 năm” và “tôi ở trại giam tôi vẫn gào ra, tôi buộc các anh quản giáo cắt tóc thật đẹp để hôm sau tôi đi bầu cử, thể hiện tôi đang bảo vệ tính chính danh của Nhà nước”…

Những lời nói này cho thấy kiểu giả bộ tâm lý có vấn đề để nhạo báng trước công đường. Tuy nhiên, bị cáo hẳn đã quá ảo vọng, đến lời nói sau cùng là cơ hội để trấn tĩnh, cần biết hối lỗi nhìn ra sự thật thì vẫn tìm cách nói ngông để bấu víu sự can thiệp mơ hồ từ bên ngoài. Cần nhớ rằng, luật pháp nghiêm minh nhưng cũng khoan dung, xử lý nghiêm kẻ phạm tội nhưng cũng khoan hồng cho những ai biết hối lỗi, biết nhận rõ sai lầm để tìm lại đường về. Toà cho nói lời sau cùng, không biết hối lỗi, sám hối, mà vẫn còn ảo vọng kiểu đó là đã tự tay mình chuốc thêm ngày rộng tháng dài trong trại cải tạo mà thôi.

Đối tượng cuồng vọng như vậy, còn bên ngoài cũng đã có những chân rết sẵn sàng “đổ dầu đốt lửa”. Một thành phần cổ suý đưa lên trang cá nhân, viết “có những người đi đấu tranh chưa về”; tôn sùng bị cáo Lê Trọng Hùng là “một công dân gương mẫu, người khát khao xây dựng một xã hội dân chủ công bằng văn minh thượng tôn pháp luật”; biến tấu hành động tội lỗi của bị cáo thành “Lê Trọng Hùng vô tội, những việc làm của Hùng chỉ giúp ích cho đất nước và nhân dân”.

Rồi liệt kê những kẻ bất hảo chống phá nhân dân “Hùng, Trang, chị Tâm, chị Thêu, chị Hạnh, Phương, Tư, những người bạn thân thiết của tôi, họ là những người công chính đi đấu tranh cho quyền lợi chung của tất cả chúng ta. Họ chưa về. Tất cả chúng ta đều đang mất tự do”!

Trong khi đó, tổ chức Nhà báo Không biên giới (Reporters Sans Frontière) như thường lệ, lại lên án bản án và “kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho ông Hùng ngay lập tức”. Ông Daniel Bastard, người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF sau khi đánh lận bản chất vụ án thì giả bộ: “Bản án gây sốc 5 năm tù của Lê Trọng Hùng một lần nữa cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn thiếu độc lập”. Cùng việc “lên án” thì RSF cũng tìm cách ngợi ca, vẽ nên một “người hùng” Lê Trọng Hùng khi “thường xuyên đưa tin về các vụ việc tham nhũng và trưng dụng bất hợp pháp và cung cấp thông tin pháp lý để giúp đỡ các nạn nhân. Ông Hùng là nhà đồng sáng lập kênh CHTV thứ hai trở thành nạn nhân bị đàn áp ở Việt Nam”.

Cũng bởi trò đánh tráo bản chất, tô vẽ kẻ phạm tội chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân thành người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền nên RSF tập hợp danh sách những thành phần như Lê Trọng Hùng để xếp Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia trong “chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2021”. RSF đưa ra bản danh sách với tổng cộng 44 người “hiện đang bị giam giữ”.

Trước đó, ngày 31/12/2021,TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 5 năm tù đối với bị cáo Lê Trọng Hùng (tức Hùng “gàn”, SN 1979, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 117, khoản 1, điểm a, b, c, Bộ luật Hình sự. Ngoài hình phạt tù, tòa còn tuyên phạt quản chế Lê Trọng Hùng 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Theo cáo trạng của VKSND Hà Nội, ngày 27/1/2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) đã chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra hồ sơ vụ việc để điều tra làm rõ Lê Trọng Hùng, thông qua fanpage Facebook “CHTV Vietnam”, đăng tải các video clip có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Qua xác minh, cơ quan điều tra đã kết luận từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020, Lê Trọng Hùng đã tự làm, đăng tải phát trực tiếp 7 video clip lên mạng xã hội Facebook. Trong số đó, có 4 video clip chứa nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; bao gồm: “Đào tạo dân biểu 4.0”,“Bài 8: Tại sao công dân trưởng thành có bổn phận tranh cử”; “Trưa không ngủ 17/5/2020”: “Khi nền tư pháp đóng vai trò phá hủy pháp luật thì phải ứng xử như thế nào với nó?”; “Thư khẩn gửi Quốc hội yêu cầu khẩn cấp mở Tòa Bảo hiến để xử về vụ Đồng Tâm”; “Tại sao có quá nhiều công dân bị oan sai? Làm gì để giải quyết dứt điểm vấn nạn này?”.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Trọng Hùng thừa nhận bản thân đã thực hiện các hành vi nêu trên nhưng cho rằng đó là những hành vi không phạm tội. Sau khi xem xét vụ án, Hội đồng xét xử kết luận hành vi của Hùng là rất nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm an ninh quốc gia, phỉ báng chính quyền nhân dân và chế độ XHCN, gây mất ổn định trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa và sự thống nhất về nền tảng chính trị tư tưởng của quốc gia, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân vào thể chế chính trị của Nhà nước… Do vậy, cần phải xử phạt nghiêm bị cáo để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

Như vậy, bản chất, hành vi phạm tội của bị cáo là rõ ràng. Tuy nhiên, lấy cớ bị cáo không nhận tội, các thế lực chống phá Việt Nam tô vẽ, tung hô đối tượng, giống như từng tung hô cho “ứng viên giải thưởng nhân quyền”. Bằng việc tung hô các đối tượng với danh hão như “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “công dân yêu nước”..., thực chất là thủ đoạn để các thế lực thù địch hợp thức hóa việc cung cấp tiền bạc cho những kẻ được họ tiếp tay hoạt động chống Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Đồng thời, thông qua đó nhằm tiếp tục cổ súy, lôi kéo các đối tượng khác hoạt động phục vụ âm mưu chống phá Việt Nam. Cùng với việc rêu rao vi phạm nhân quyền, các đối tượng nhằm tạo sóng dư luận, gây sự chú ý từ quốc tế để bôi nhọ, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, qua đó lấy cớ để gây sức ép, can thiệp vào tình hình trong nước.

Với những cá nhân như Lê Trọng Hùng, được các đối tượng rêu rao, cổ suý thì thực chất chỉ như những con rối, quân cờ, ra toà lĩnh án nhưng bị kẻ địch bên ngoài mượn tên để điều khiển, vì động cơ chống phá đất nước. Bởi vậy, những bị cáo như vậy chớ nên nghe xúi bẩy từ đâu mà nghĩ khác, làm khác để tự cho mình là “tù nhân lương tâm”, kiếm tìm ảo vọng ở trời Tây. Chẳng có “thiên đường” nào từ các thế lực chống phá bên ngoài giúp phạm nhân “đến với tự do, dân chủ”. Muốn trở về với tự do, dân chủ như công dân bình thường, điều trước mắt và quan trọng nhất là trót bước lạc đường thì nay chấp hành án trong trại giam, hãy ăn năn hối cải, biết nhận ra lỗi lầm để cải tạo tiến bộ, sớm tìm lại con đường về với gia đình, sống có ý nghĩa trên đất nước, quê hương mình.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi