Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) - Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Với chủ đề "Hãy hành động để ngăn nước biển dâng", Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển. Chủ đề này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, một trong những quốc gia được dự báo có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BÐKH) và nước biển dâng.

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn một triệu km2 lãnh hải, hơn ba nghìn hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Lãnh thổ Việt Nam cũng có nhiều vùng đất trũng, đất thấp ven biển rộng lớn, trong đó có hơn 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và hơn 30% diện tích đồng bằng sông Hồng. Sông Thái Bình chỉ cao hơn 2,5m so với mặt biển. Cùng với khoảng 50% số dân cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của BÐKH, nước biển dâng. Ðiều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp thiết thực và kịp thời.

Theo các kịch bản BÐKH, nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2-3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm; mực nước biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể dâng khoảng từ 85cm đến 105 cm so với thời kỳ 1980 - 1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, đối với đồng bằng sông Cửu Long: khoảng 39% diện tích có nguy cơ bị ngập; 27,8% chiều dài đường quốc lộ có nguy cơ bị ảnh hưởng; 26,8% chiều dài tỉnh lộ có nguy cơ bị ảnh hưởng; 34,6% số dân có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Vấn đề về ô nhiễm môi trường mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn có chiều hướng gia tăng, chất lượng môi trường sống chưa được cải thiện; đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả. Nguy cơ mất cân bằng sinh thái, không bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước có thể xảy ra. Ðặc biệt, các diễn biến phức tạp về an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thời gian qua đang đe dọa ảnh hưởng đến sự ổn định và sự phát triển bền vững của đất nước. Ý thức về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng lãng phí, thiếu thân thiện với môi trường đã và đang đặt ra những sức ép to lớn đối với công tác bảo vệ môi trường ở nước ta. Một bộ phận không nhỏ người dân, thậm chí cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ về tác động và nguy cơ của BÐKH đối với nhân loại.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu với Ðảng và Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH. Ðó là, Nghị quyết số 24/NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa XI) về Chủ động ứng phó với BÐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về BÐKH; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BÐKH; Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường...

Qua đó, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng và công bố các kịch bản BÐKH và nước biển dâng cho Việt Nam trong thế kỷ 21. Các bản đồ nguy cơ ngập tương ứng với các mức nước biển dâng cũng đã được xây dựng và công bố đối với từng khu vực ven biển của Việt Nam.

Trên cơ sở kịch bản đã được công bố, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã và đang xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động ứng phó cụ thể. Các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cũng được quan tâm, chú trọng. Lần đầu tiên trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra đã dành hẳn một chương quy định về vấn đề ứng phó với BÐKH. Việc tích hợp vấn đề BÐKH, bảo vệ môi trường vào nội dung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành và địa phương đã và đang được triển khai một cách tích cực.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, cùng với hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, các địa phương trong cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, cơ quan, đoàn thể đối với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước. Ðây cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau thống nhất hành động, ứng phó hiệu quả với BÐKH và nước biển dâng, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Các bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy cùng nhau có những hành động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH hướng đến xây dựng một tương lai bền vững.

Trước tiên, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và nhận thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH và nước biển dâng; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường; quán triệt quan điểm đầu tư cho bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH là đầu tư cho sự phát triển bền vững của thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Quán triệt và tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với BÐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, cần chú trọng đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH.

Biên tập: Hồng Thắm, Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo Nhân Dân

Gửi cho bạn bè