Ý nghĩa ngày Sách Việt Nam
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Đây là dịp để khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc; khuyến khích, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách, phong trào đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Đặc biệt ngày Sách Việt Nam 21/4 cũng là thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, giúp thế hế sau noi gương, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Phát triển văn hóa đọc trong Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I
Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ và Thư viện luôn quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần, thông tin, nghiên cứu, học tập và nâng cao kiến thức toàn diện cho cán bộ, giáo viên, học viên trong Nhà trường. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 132/KH-BCA-X11 ngày 20/6/2018 về phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 09/CT-BCA-X03, ngày 07/8/2020 về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân, phong trào đọc sách trong CAND nói chung, tại Trường Cao đẳng CSND I nói riêng ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Đồng chí Đại tá, TS Hà Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng chủ trì Toạ đàm khoa học “Đổi mới hoạt động thông tin thư viện tại Trường Cao đẳng CSND I”.
Đến nay, Thư viện Nhà trường đang quản lý tổng số 12.568 đầu tài liệu với 286.051 cuốn. Trong đó, giáo trình, tài liệu dạy học có 589 đầu với 133.246 cuốn; tài liệu tham khảo có 5.585 đầu với 127.667 cuốn; 4.943 đầu sách văn học với tổng số 23.517 cuốn. Thư viện điện tử đã số hóa được 582 đầu với 240.363 trang để phục vụ bạn đọc. Thư viện có 7.294 đầu sách đã được biên mục và 116.775 cuốn sách đã được dán mã vạch; Tư liệu nghiệp vụ có 2.981 đầu sách đã được biên mục và 115.485 cuốn sách được dán mã vạch. Sách được biên mục gồm các giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, các đề tài khoa học, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khoá luận tốt nghiệp và các loại sách, truyện, báo, tạp chí, ấn phẩm khác.
Đồng chí Đại tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng tặng sách cho Trường Tiểu học Bê Tông.
Bên cạnh đó, Nhà trường đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc như: Tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học về phát triển văn hóa đọc và nâng cao chất lượng công tác thư viện; tổ chức hoạt động có hiệu quả Câu lạc bộ Bạn đọc; tăng cường các hoạt động tuyên truyền về sách, vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc như viết bài giới thiệu sách, viết bài đưa tin về các hoạt động liên quan đến phát triển văn hóa đọc trên website, mạng LAN nhà trường; tổ chức chương trình Góc thư viện và nói chuyện chuyên đề “Bác Hồ với CAND”; trưng bày “Con đường sách” chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày Thành lập Trường; giao lưu “Sách với văn hóa ứng xử, Văn hóa ứng xử CAND” chào mừng ngày Sách Việt Nam (21/4), ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4); Kể chuyện Bác Hồ qua hình ảnh với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; tham gia Đại sứ văn hóa đọc hằng năm do Bộ Công an tổ chức và đã đạt nhiều giải cao, trong đó từ năm 2020 đến năm 2023 nhà trường có 01 giải khuyến khích Toàn quốc, 02 giải B cấp Bộ, 02 giải C cấp Bộ, 02 giải khuyến khích cấp Bộ; tham gia và đạt giải A toàn đoàn và giải chuyên đề “Rèn luyện sức khỏe theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” tại Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách do Bộ Công an tổ chức; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật trưng bày, giới thiệu sách cho cán bộ, giáo viên và học viên Nhà trường; Trung tâm có nhiều hình thức khuyến khích bạn đọc ham đọc sách, chăm đọc sách như tuyên dương, động viên, khen thưởng…
Nhận thức được vai trò quan trọng của Thư viện trong việc phát triển văn hóa đọc, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của thư viện theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp giữa thư viện truyền thống, thư viện điện tử nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin hiện có, đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác tài liệu của cán bộ, giáo viên.
Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo, giáo viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị nói chuyện chuyền đề văn hoá đọc Việt Nam với chủ đề “Phát triển văn hoá đọc, đẩy mạnh học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”.
Để phát triển văn hóa đọc tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, góp phần xây dựng văn hóa Công an nhân dân thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Luật, Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch của Nhà nước và Bộ Công an trong công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc như Quyết định số 1520/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”; Kế hoạch số 132/KH-BCA-X11 ngày 20/6/2018 về phát triển văn hóa đọc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong Công an nhân dân; Chỉ thị số 09/CT-BCA-X03 của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch Triển khai Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Công an,… nhằm đẩy mạnh phát triển công tác thư viện, tạo điều kiện cho các hoạt động học tập suốt đời cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển văn hóa đọc tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I trong thời gian tới.
Hai là, nâng cao nhận thức của bạn đọc đối với phát triển văn hóa đọc. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là đoàn viên, thanh niên, học viên Công an phải có tinh thần ham mê học tập, tìm tòi, sáng tạo nâng cao trình độ thông qua sách, báo góp phần xây dựng phát triển văn hóa đọc trong các đơn vị, lớp học trong Nhà trường. Nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách cho học viên, đa dạng hóa hình thức cổ động, quảng bá sách có giá trị văn hóa, bổ ích về tinh thần và tri thức thông qua các hoạt động như tổ chức Hội nghị, hội thảo, các buổi tọa đàm, trưng bày sách...
Đồng chí Thượng tá, TS Trương Thị Phương Hiền, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thư viện phát biểu đề dẫn tại Toạ đàm “Đổi mới hoạt động thông tin thư viện tại Trường Cao đẳng CSND I”
Ba là, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, chương trình, phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố cơ bản, trực tiếp tác động đến quá trình hình thành động cơ, thái độ, sở thích của học viên về đọc sách và nâng cao văn hóa đọc. Theo đó, việc đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy cần hướng vào mục tiêu lấy người học làm trung tâm; xây dựng chương trình, nội dung phù hợp với từng đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, đào tạo chính khóa với tổ chức các hoạt động ngoại khóa; điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng thời gian học thực hành, luyện tập và tự nghiên cứu của học viên; đảm bảo tính liên thông, kế thừa, tích hợp và phát triển. Cùng với đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học để thôi thúc, động viên, khích lệ học viên chủ động tìm tài liệu, sách tham khảo phục vụ cho quá trình thực hiện giải quyết vấn đề. Trong quá trình thực hành giảng dạy, giảng viên cần khơi gợi, tạo hứng thú để học viên say mê tìm đọc các tài liệu liên quan nhằm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, mở rộng kiến thức; từng bước coi việc đọc sách, tài liệu tham khảo như nhu cầu tự thân và thiết yếu của bản thân.
Bốn là, Nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn kinh phí dành riêng cho thư viện, phòng đọc, bổ sung nguồn lực thông tin và các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Tổ chức, quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có của thư viện. Quan tâm đầu tư bổ sung, làm phong phú phát triển nguồn học liệu của thư viện phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
Mô hình sách chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4 do Trung tâm Lưu trữ và thư viện thực hiện.
Năm là, xây dựng và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong Nhà trường, giữa Nhà trường với các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành để tiếp cận được các nguồn tài liệu chuyên ngành, các tài liệu lưu hành nội bộ, tài liệu được bảo quản theo chế độ mật, các tài liệu quý hiếm, có giá trị, tiết kiệm được nguồn kinh phí cho công tác bổ sung mua các đầu sách, tài liệu có giá trị, đặc biệt các đầu sách nghiệp vụ chuyên ngành. Khuyến khích cán bộ, giáo viên biên soạn giáo trình, đặc biệt các đầu sách chuyên khảo.
Sáu là, phát huy vai trò Câu lạc bộ bạn đọc Trường Cao đẳng CSND I. Câu lạc bộ bạn đọc giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt trong công tác phát triển văn hóa đọc của Nhà trường. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động nhằm thu hút được đông đảo cán bộ, giáo viên, học viên hưởng ứng tham gia.
Phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân nói chung và trong Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng có ý nghĩa to lớn trong việc tạo động lực thúc đẩy sự hình thành con người mới, những cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng và phát triển các hệ văn hóa trong Công an nhân dân với những giá trị quý báu về Văn hóa chính trị “tuyệt đối trung thành”, “bản lĩnh”, “đoàn kết”; Văn hóa công vụ “tận tụy”. “tận tâm”, “liêm khiết”; Văn hóa ứng xử “vì nhân dân phục vụ”.
Bài: Trung tâm lưu trữ và thư viện