Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong tình hình mới

Trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, các môn khoa học pháp lý là các môn học bắt buộc thuộc khối kiến thức cơ sở, với tổng số 12 mã môn học được thiết kế phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo. Các môn khoa học pháp lý trực tiếp trang bị cho học viên những kiến thức pháp luật từ cơ bản đến chuyên sâu, hướng đến mục tiêu xây dựng người cán bộ CAND am hiểu sâu sắc về pháp luật, có khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả, nhuần nhuyễn các quy định của pháp luật vào thực tiễn công tác Công an, nhất là pháp luật hành chính, hình sự và tố tụng hình sự, đây cũng chính là điều kiện để đổi mới công tác giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo mục tiêu Đảng ta đã xác định.

Khoa Luật là đơn vị được nhà trường giao nhiệm vụ giảng dạy các môn khoa học pháp lý, với tổng số 30 đồng chí giảng viên, giáo viên (sau đây gọi chung là giáo viên) được đào tạo chính quy, chuyên sâu từ các trường đại học uy tín cả trong và ngoài ngành Công an. Trải qua quá trình công tác, giảng dạy, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự bồi dưỡng hiệu quả của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường và Cấp uỷ, Lãnh đạo Khoa Luật, đội ngũ giáo viên Khoa Luật đã từng bước trưởng thành, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh nhà giáo. Đến nay, Khoa Luật đã có 03 đồng chí có trình độ tiến sĩ (chiếm 10%), 26 đồng chí có trình độ thạc sĩ (chiếm 86,7%); 15 đồng chí đã được bổ nhiệm chức danh giáo viên cao cấp (chiếm 50%), 13 đồng chí đã được bổ nhiệm chức danh giáo viên chính (chiếm 43,4%); 100% giáo viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với các chức danh giảng dạy. Bên cạnh đó, hàng năm đội ngũ giáo viên còn tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về từng lĩnh vực cụ thể; đi nghiên cứu khảo sát thực tế tại Công an các đơn vị. Đến nay, có thể khẳng định đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý là đội ngũ có chất lượng, kinh nghiệm, có khả năng đáp ứng các yêu cầu công tác giảng dạy đặt ra trong tình hình mới... Kết quả công tác của đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý thể hiện cụ thể qua một số nội dung sau: 

Đồng chí Đại tá, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng nhà trường chụp ảnh lưu niệm với tập thể giáo viên Khoa Luật nhân ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2021

Thứ nhất, về hoạt động công tác giảng dạy: Khoa Luật đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy các môn khoa học pháp lý, với 06 môn học được thiết kế 12 mã môn học khác nhau với tổng số 465 tiết, đào tạo trình độ trung cấp Cảnh sát nhân dân cho các chuyên ngành đào tạo tại nhà trường. Để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, Cấp uỷ, Lãnh đạo Khoa Luật luôn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phân công giáo viên giảng dạy đối với từng mã môn học cụ thể, đảm bảo khoa học, phù hợp với chuyên môn của mỗi giáo viên. Đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng luôn tích cực, chủ động trong nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, giáo án và bài giảng điện tử cho mỗi tiết giảng, bài giảng đảm bảo khoa học, đúng quy chế, quy định và đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, để có thể truyền đạt hiệu quả các kiến thức khoa học pháp lý đến với học viên, đội ngũ giáo viên cũng luôn quan tâm đến công tác đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chủ động áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình dạy học, đồng thời gắn lý luận với thực tiễn, quan tâm chú trọng đến hoạt động giải quyết tình huống pháp luật xảy ra trong thực tiễn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học. 

Thứ hai, về hoạt động dạy giỏi: Do có nhận thức đúng đắn, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy và sự cố gắng, chuẩn bị chu đáo của giáo viên, trong những năm qua, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý tham gia dạy giỏi đều đạt giải cao trong các Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Bộ và cấp Trường. Tính từ năm học 2015 – 2016 đến nay, đã có 136 lượt giáo viên được công nhận đạt bài dạy giỏi cấp trường, 48 lượt giáo viên được công nhận danh hiệu dạy giỏi cấp trường và 13 lượt giáo viên được công nhận danh hiệu dạy giỏi cấp Bộ. Chỉ tính riêng trong năm học 2020 – 2021, có 10 đồng chí tham gia dạy giỏi các cấp, trong đó có 05 đồng chí tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, kết quả có 03 đồng chí đạt giải Nhất, 02 đồng chí đạt giải Nhì, tập thể Khoa Luật đạt giải Nhì.

Đồng chí Thượng tá, TS Vũ Thị Nga, Trưởng Khoa Luật chụp ảnh lưu niệm với đội ngũ giáo viên Khoa Luật tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020 - 2021

 

Thứ ba, công tác nghiên cứu khoa học: Tính từ năm 2015 đến nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý đã có hơn 200 bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu Hội thảo khoa học các cấp. Bên cạnh đó, có 01 đồng chí Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ, 03 đồng chí Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở và 06 lượt giáo viên tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ đều hoàn thành đúng tiến độ, nghiệm thu đánh giá loại xuất sắc. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên cũng luôn tích cực trong công tác đăng ký thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc với hàng chục công trình đã được nghiệm thu ban hành. Năm học 2020 – 2021, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý đã triển khai nghiên cứu và báo cáo nghiệm thu thành công 01 chuyên đề lý luận khoa học cấp tiểu ban, 06 sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc; đồng thời tiếp tục triển khai nghiên cứu 01 chuyên đề lý luận khoa học cấp tiểu ban; đề xuất đăng ký 01 đề tài khoa học cấp Bộ, 05 đề tài khoa học cấp cơ sở thuộc kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ năm 2021; 03 đề tài khoa học cấp Bộ, 02 đề tài khoa học cấp cơ sở thuộc kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ năm 2022. Đồng thời Khoa Luật đã chủ động tham mưu cho Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường và phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thành công 01 Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá cho cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường; tổ chức 01 Hội thảo khoa học cấp trường “Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá các môn pháp luật tại Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I”; tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật”cho học viên toàn trường.

Thứ tư, về hoạt động biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học: Khoa Luật đã chủ trì biên soạn Giáo trình Luật Hình sự để dùng chung trong các trường CAND, đã hoàn thành nghiệm thu theo đúng kế hoạch của Cục Đào tạo, Bộ Công an. Cùng với đó, Khoa đã triển khai biên soạn đầy đủ các giáo trình, tập bài giảng phục vụ giảng dạy tất cả các môn khoa học pháp lý, với tổng số 18 giáo trình, tập bài giảng các loại. Triển khai biên soạn và đề xuất nghiệm thu, ban hành 13 tài liệu dạy học, sách tham khảo và sách chuyên các loại phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Riêng trong năm học 2020 – 2021, trong bối cảnh nhà trường mới sáp nhập, đội ngũ giáo viên còn nhiều biến động, tuy nhiên với tinh thần, trách nhiệm cao, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý tại Khoa Luật vẫn tích cực trong công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, với 01 giáo trình, 06 sách chuyên khảo đã được triển khai biên soạn đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra, góp phần bổ sung, làm phong phú thêm hệ thống tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu tại Nhà trường.

Thứ năm, tham gia các hoạt động phong trào: Bên cạnh công tác chuyên môn, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý cũng luôn tích cực trong tham gia các hoạt động phong trào, như: Tham gia các phong trào thể dục, thể thao do nhà trường và Đoàn thanh niên phát động; tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo; tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc thi viết tìm hiểu Luật An ninh mạng; 100% giáo viên tham gia cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân  các cấp năm 2021 do Bộ Tư pháp và Văn phòng Quốc hội tổ chức; tham gia cuộc thi Đại xứ văn hoá đọc do Nhà trường và Bộ Công an tổ chức...

Đồng chí Đại tá, ThS Nguyễn Phấn Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường chụp ảnh lưu niệm với tập thể giáo viên Khoa Luật nhân ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2021

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý thời gian qua vẫn còn có một số khó khăn, bất cập nhất định, như: Việc triển khai Đề án của Bộ Công an về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà trường, dẫn đến một số giáo viên có nguyện vọng chuyển công tác, trong đó có giáo viên có trình độ Tiến sĩ, có giáo viên đã được bổ nhiệm chức danh giáo viên chính, giáo viên cao cấp, gây ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện công tác chuyên môn của đơn vị; trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý còn có những hạn chế nhất định; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học còn lạc hậu, ảnh hưởng đến việc sử dụng phương pháp sư pháp tích cực, nhất là việc ứng dụng các phần mềm giảng dạy trong quá trình dạy học…

Đứng trước bối cảnh tác động của cuộc cách mạng 4.0, để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030, trên cơ sở quan triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng CSND I và Cấp uỷ, Lãnh đạo Khoa Luật cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ giáo viên trên tất cả các mặt công tác, coi đây là chìa khoá, là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số biện pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý theo hướng: Tăng cường quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị và chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm công tác; tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA, ngày 28/10/2014 của Đảng uỷ Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân.

Tập thể giáo viên Khoa Luật đoàn kết, thống nhất góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện

 

Hai là, quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên theo hướng chuyên sâu, từng bước hình thành các chuyên gia trong từng lĩnh vực pháp lý, như: hình sự, dân sự, hành chính, tham nhũng, ma tuý, thi hành án hình sự… Đồng thời, tiếp tục động viên, khuyến khích giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, nhất là các vấn đề liên quan đến khoa học pháp lý, qua đó từng bước bổ sung, hoàn thiện lý luận chuyên ngành và góp phần đổi mới công tác giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

Ba là, thay đổi tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên theo hướng lượng đội ngũ giáo viên không chỉ thể hiện thông qua bằng cấp, chức danh giảng dạy, mà quan trọng hơn cả là được thể hiện thông qua kết quả công tác chuyên môn. Để đánh giá kết quả công tác chuyên môn cần dựa vào hai yếu tố cơ bản là tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao và chất lượng đối với nhiệm vụ được giao, trong đó tiến độ là yếu tố phản ánh thái độ làm việc, đạo đức, trách nhiệm của giáo viên đối với chức trách, nhiệm vụ được giao; và chất lượng là yếu tố phản ánh trình độ, trí tuệ của giáo viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Chỉ khi thay đổi tiêu chí đánh giá mới xác định cụ thể được các mục tiêu trong xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo đặt ra trong tình hình mới.

Bốn là, quan tâm nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và khả năng ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 cho đội ngũ giáo viên. Đảm bảo cho giáo viên làm chủ khoa học công nghệ, có thể sử dụng linh hoạt, hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào thực tiễn công tác giảng dạy các môn khoa học pháp lý tại nhà trường.

Bài và Ảnh: Xuân Trường – Khoa Luật

Biên tập: Phương Thảo – Phòng Hành chính tổng hợp

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi