Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình khung ban hành theo Quyết định 797/QĐ-BCA-X02 của Bộ Công an

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình đào tạo; Trường Cao đẳng CSND I đã xây dựng chương trình đào tạo cho từng chuyên ngành, từng trình độ và loại hình đào tạo đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và hướng dẫn của Bộ Công an, kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo.

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực là cán bộ thực hành, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham gia quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên chú trọng xây dựng, rà soát, chỉnh sửa nội dung chương trình đào tạo theo hướng nhấn mạnh việc đào tạo kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp, đồng thời thường xuyên cập nhật nội dung mới, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Thực hiện Chương trình khung đào tạo trình độ trung cấp trong CAND ban hành kèm theo Quyết định số 797/QĐ-BCA-X02 ngày 17/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an; Công văn số 522/X02-P2 ngày 03/3/2023 của Cục Đào tạo về tổ chức thực hiện chương trình khung, Nhà trường đã ban hành Kế hoạch số 493/KH-T09-P3 ngày 23/3/2023 về việc tổ chức xây dựng chương trình giáo dục theo chương trình khung năm 2023 theo đơn vị tín chỉ.

Để tạo sự thống nhất các nội dung trong chương trình đào tạo của các ngành, chuyên ngành, ngày 06/5/2023, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I và Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II họp bàn thống nhất các nội dung xây dựng chương trình đào tạo như: về thời gian đào tạo; khung chương trình của từng ngành, chuyên ngành đào tạo; cơ bản thống nhất tên và phân bổ thời lượng của các môn học…

Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I và Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II họp bàn thống nhất các nội dung xây dựng chương trình đào tạo.

Căn cứ quy định của Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; Thông tư số 02/2019/TT-BCA ngày 07/01/2019 của Bộ Công an quy định về xây dựng chương trình giáo dục, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học và mở ngành, chuyên ngành đào tạo trong CAND, Nhà trường tổ chức xây dựng chương trình theo quy trình thống nhất: (1) tiến hành khảo sát chức năng, nhiệm vụ của các vị trí, việc làm sau khi học viên tốt nghiệp, căn cứ yêu cầu thực tế công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở để thu thập thông tin minh chứng; (2) xây dựng đề cương khái lược chương trình đào tạo; (3) xây dựng đề cương chi tiết chương trình đào tạo; (4) tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, Công an các đơn vị, địa phương; (5) tổ chức hội thảo, thẩm định cấp trường, báo cáo Bộ (qua Cục Đào tạo) tổ chức thẩm định cấp Bộ; (6) tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa chương trình, báo cáo Bộ phê duyệt; (7) tổ chức ban hành chương trình đào tạo. Thực tế việc tổ chức xây dựng các chương trình đào tạo theo quy trình thống nhất không chỉ đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn mà còn mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn công tác Công an, đáp ứng mục tiêu đào tạo gắn lý luận với thực tiễn của Nhà trường. Kết quả ngày 26/01/2024, đồng chí Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I đã ký Quyết định số 178/QĐ-T09-P3 về việc ban hành 06 chương trình đào tạo trình độ Trung cấp (tín chỉ đào tạo theo niên chế), gồm: (1) chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội; (2) chuyên ngành Quản lý trật tự an toàn giao thông; (3) ngành Trinh sát cảnh sát; (4) ngành Kỹ thuật hình sự; (5) ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; (6) ngành Vũ trang bảo vệ an ninh, trật tự. Các chương trình đào tạo được xây dựng thống nhất với tổng thời lượng 02 năm, 104 tuần, 70 tín chỉ được thiết kế thành 03 khối kiến thức với tổng số 82 môn học.

Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng, chủ trì thẩm định chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành theo chương trình khung năm 2023.

Chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành của Nhà trường được xây dựng và ban hành trên cơ sở chương trình khung đảm bảo tính đồng bộ trong các trường Công an nhân dân, có sự phân định kiến thức và đảm bảo tính liên thông giữa các trình độ đào tạo. Đồng thời, đảm bảo thống nhất về cấu trúc, khối lượng và nội dung kiến thức tối thiểu theo chương trình khung cho từng ngành, chuyên ngành đào tạo, nội dung kiến thức trong chương trình đào tạo được cấu trúc thành các môn học, mỗi môn học được phân bổ thời lượng theo hướng giảm thời gian giảng lý thuyết, tăng thời gian thực hành và các khâu khác.

Trong thời gian tới để triển khai tổ chức đào tạo học viên trình độ trung cấp, hệ chính quy các khóa học, các đơn vị trong Nhà trường cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, khẩn trương rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện quy chế đào tạo và các nội dung mới trong chương trình đào tạo theo chương trình khung năm 2023 đã ban hành.

Hai là, tiếp tục tổ chức biên soạn các giáo trình, tài liệu dạy học đã đăng ký biên soạn trong năm học 2023 - 2024 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để kịp thời phục vụ dạy học cho học viên khóa K60S. Đồng thời, năm học 2024 - 2025 cần tiếp tục rà soát, đăng ký biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học phục vụ giảng dạy theo hướng đảm bảo các môn học đều có giáo trình hoặc tập bài giảng và có ít nhất một tài liệu dạy học. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống bài tập lớn của các môn học phục vụ tổ chức dạy học khâu bài tập lớn.

Ba là, chủ động điều chỉnh, bổ sung những nội dung trong khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cũng như nội dung chương trình đào tạo đảm bảo kịp thời cập nhật các kiến thức mới, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn bảo đảm an ninh, trật tự.

Bốn là, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, trường bắn, phòng học thực hành, thư viện... đảm bảo điều kiện tốt nhất phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên và học viên.

Năm là, các đơn vị chức năng của Nhà trường cần chủ động tham mưu, đề xuất thực hiện tốt quan hệ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ, các cơ sở đào tạo trong CAND, đặc biệt là Công an các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức khảo sát thực tiễn; tham gia xây dựng, thẩm định chương trình giáo dục, giáo trình, tài liệu dạy học và các hoạt động giáo dục đào tạo khác của Nhà trường.

Bài: Văn Phú, phòng QLĐT

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi