Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Văn hóa ứng xử của Công an nhân dân trong thi hành công vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế thiếu sót trong thi hành công vụ

 

Trường Cao đẳng CSND I đón tiếp đồng chí Đại tướng, GS.TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an theo nghi lễ Công an nhân dân

Trong quá trình công tác các chiến sĩ Công an thường xuyên phải tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khác nhau như: người thành phố, thị xã, người nông thôn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số,… cũng như các nền văn hóa khác nhau như người Đông Nam Á, người Trung Á, người Châu Âu,… Mỗi một đối tượng đều có nét đặc trưng, có nền văn hóa riêng. Vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ của mình cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân ngoài việc phải có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác tốt, tinh thông về nghiệp vụ… thì cần phải có hiểu biết sâu sắc về văn hóa cũng như việc tôn trọng nền văn hóa bản địa của họ, có phương pháp ứng xử hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, tôn trọng các nền văn minh, văn hóa của họ.  

Như vậy, ta có thể hiểu văn hóa ứng xử là hệ thống giá trị được biểu hiện qua thái độ và hành vi của cá nhân và cộng đồng người, được xác định để xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân mình phù hợp với các chuẩn mực pháp luật, đạo đức xã hội.

Từ khái niệm về văn hóa ứng xử và thực tiễn công tác của ngành Công an ta có thể hiểu văn hóa ứng xử của Công an nhân dân là việc cán bộ, chiến sĩ CAND xử lý các tình huống trong hoạt động chuyên môn cũng như trong giao tiếp bằng lời nói, cử chỉ, hành động cụ thể nhằm mục đích vừa đạt được mục tiêu nghiệp vụ vừa đáp ứng các đòi hỏi của chuẩn mực đạo đức, pháp luật và văn hóa.

Đối với Công an nhân dân Việt Nam - lực lượng vũ trang được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, những tư tưởng, lời dạy và phong cách ứng xử của Người là di sản tinh thần vô giá góp phần xây dựng hình ảnh, phong cách ứng xử người chiến sĩ Công an nhân dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, hết lòng vì nhân dân phục vụ, lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình.

Thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có phong cách ứng xử chuẩn mực, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tận tụy, trách nhiệm với công việc, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, lành mạnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, giao tiếp ứng xử có văn hóa, đã góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh nhiều tấm gương sáng về ứng xử, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam vẫn còn những hạn chế về phong cách ứng xử cần phải khắc phục. Nhiều hành vi ứng xử chưa đẹp, lời nói chưa hay còn tồn tại, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công an nhân dân. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, can thiệp lật đổ ở nước ta với quy mô ngày càng mở rộng, cường độ ngày càng quyết liệt, tính chất ngày càng nguy hiểm, thâm độc, tinh vi, xảo quyệt. Những mặt trái của cơ chế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến nhận thức, đạo đức, văn hóa, ứng xử của mỗi người chiến sĩ Công an nhân dân. Từ thực trạng trên, việc học tập, vận dụng phong cách ứng xử Hồ Chí Minh để xây dựng phong cách ứng xử của Công an nhân dân Việt Nam, xứng đáng là lực lượng vũ trang trung thành của Đảng và của nhân dân, đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ là vấn đề quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với những quan điểm trên có thể đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm vì nhân dân phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ Công an; nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ về Sáu điều Bác Hồ dạy CAND gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”… Thông qua đó nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sỹ; xây dựng lối sống văn hóa, nhân văn, phong cách ứng xử giản dị, tinh tế, khéo léo theo tấm gương của Bác Hồ, tinh thần vì nước quên thân, vì dân quên mình, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Hai là, lãnh đạo các cấp trong CAND cần quan tâm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, chiến sỹ. Đưa nội dung văn hóa ứng xử lồng ghép vào các hoạt động của đơn vị, kết hợp với các hoạt động giáo dục truyền thống như: tổ chức các hoạt động giao lưu, tham quan, các hoạt động về nguồn, báo công, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, viết báo cáo chuyên về văn hóa ứng xử, hình tượng người chiến sỹ Công an, đề xuất, hiến kế để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh… từ đó nâng cao văn hóa ứng xử trong cán bộ, chiến sỹ.

Ba là, các đơn vị chức năng trong CAND cần tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy các cấp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho cán bộ, chiến sỹ tại mỗi đơn vị theo các tiêu chí văn hóa, bộ quy tắc ứng xử trong CAND, đơn vị văn hóa kiểu mẫu để mỗi đơn vị thực sự là nơi bồi dưỡng nhân cách, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ. Đồng thời, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh CAND tại mỗi đơn vị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung nhằm xây dựng “Đơn vị văn hóa, kiểu mẫu về điều lệnh CAND”, gắn với xây dựng người chiến sỹ “Văn hóa – kỷ cương – trách nhiệm”; chú trọng đề cao tính nêu gương của Đảng viên.

Bốn là, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và sáu điều Bác dạy CAND, lấy đó làm thước đo, kim chỉ nam cho mọi hành động. Mỗi cá nhân phải luôn có ý thức điều chỉnh hành vi ứng xử chuẩn mực đối với từng mối quan hệ cụ thể, đặc biệt là ứng xử đối với nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, phải nghiêm túc tự kiểm điểm bản thân, đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình, đấu tranh với các hành vi sai trái, các biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh nền văn hóa, đạo đức xã hội Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc về nhiều mặt do sự tác động nhiều chiều của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của thế giới và trong nước.

Việc xây dựng và nâng cao văn hóa ứng xử trong lực lượng CAND là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Cán bộ, chiến sỹ CAND cần tiếp tục học tập, trau dồi, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ CAND “bản lĩnh, kỷ cương, nhân văn, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ”, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng, của Bác Hồ và nhân dân.

Trung tá Nguyễn Duy Minh – Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi