Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân cho tới trước lúc đi xa, trong trái tim của Người vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm khát vọng cháy bỏng, đó là làm sao để cho dân, cho nước Việt Nam có được một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [2]. Xuất phát từ niềm mong mỏi lo cho nước, cho dân đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Trong suốt hành trình từ khi sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từng bước hiện thực hóa tư tưởng chăm lo cho nhân dân bằng tình cảm nhân văn bao la và sự ấm áp vô ngần.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống nhân dân, chính là làm cho nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, để nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần. Người cũng thường xuyên khẳng định, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân, vì lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngay khi đất nước giành được độc lập, Người cùng Chính phủ đã xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó việc chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện quyền tự do, dân chủ… chính là những việc làm thiết thực nhằm hiện thực hóa tư tưởng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong tư tưởng của Người luôn hướng về nhân dân, làm mọi cách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay bốn điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi theo Người, giá trị của tự do, độc lập chỉ được thể hiện rõ khi người dân được ăn no, mặc ấm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và dùng thử máy cấy lúa tại Trại Thí nghiệm thuộc Sở Nông Lâm Hà Nội năm 1960. Nguồn Ảnh: Tư liệu
Trong quá trình toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới. Người cho rằng: “Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động” [3]. Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa thì quyền lợi cá nhân, quyền lợi Nhà nước và quyền lợi tập thể mới thống nhất. Do vậy, muốn nâng cao đời sống nhân dân, đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc không có con đường nào khác là phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người cũng khẳng định, Chính phủ là công bộc của dân. Công việc của chính phủ phải nhằm một mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” [4]. Chính vì vậy, Chính phủ và chính quyền các cấp phải thường xuyên chăm nom tới đời sống nhân dân, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Đảng và Chính phủ phải có trách nhiệm đảm bảo tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, những người giữ các vị trí ở các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng-công bộc của dân phải luôn gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Nhắc nhở đội ngũ cán bộ về phương châm làm việc, Người nhấn mạnh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” [5]. Chỉ có thể xuất phát từ tấm lòng và trái tim luôn hướng về đồng bào, vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân, Người mới dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên tới nhân dân. Trong mọi suy nghĩ và việc làm của Người, hết thảy đều vì một mục tiêu duy nhất-vì nước, vì dân. Đó cũng chính là động lực to lớn để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta đứng lên làm cuộc cách mạng giành lại nền độc lập, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường.
Bác Hồ về thăm nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng năm 1961.Nguồn ảnh: Tư liệu
Trong bản Di chúc, tư tưởng chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện một cách sâu sắc, chứa đựng tính nhân văn cao cả. Người nhấn mạnh: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[6]. Mặc dù rất bận rộn với công việc cách mạng, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm cụ thể, ân cần và thường xuyên tới mọi đối tượng trong xã hội. Người căn dặn: Phải chăm lo cho các đối tượng “cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong” để họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người; quan tâm đến “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu”, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét… Tư tưởng nhân văn sâu sắc của Người có giá trị to lớn, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, gắn kết mọi lực lượng xã hội vươn lên thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng.
Đảng ta đã quán triệt sâu sắc và tích cực vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng, phát triển đất nước. Theo đó, thực hiện lời dạy của Người: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng ta bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng luôn dành sự quan tâm từng bước tới đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thực tiễn cho thấy, Đảng đã không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ xã hội thiết yếu. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta chú trọng thực hiện tốt chính sách đối với người có công; hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, sinh viên… Trong suốt hơn ba mươi năm đổi mới đất nước, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” [7]. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng… Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sự nhất quán quan điểm trong chăm lo cho nhân dân: “Đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội… trong điều kiện rất khó khăn trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Nhà nước có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, người lao động”; “Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng hưởng thụ với mức trợ cấp được nâng lên hằng năm…” [8].
Trong bối cảnh dịch bệnh Codvid-19 lây lan, gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế-xã hội và đời sống người dân của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, thiết thực nhằm quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự ổn định, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, các đối tượng người nghèo, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, sự chung tay, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, với tình cảm, trách nhiệm đã tích cực tham gia giúp đỡ phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Qua những việc làm trên không những góp phần đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân, giúp họ sớm khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra mà còn tạo niềm tin tích cực về chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, đó là tiếp tục thực hiện phương châm không ngừng chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Lực lượng Công an nhân dân có vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, lành mạnh cho phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. Ra đời trong những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử, được tôi luyện, thử thách qua các cuộc chiến tranh và trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, với những chiến công nối tiếp chiến công, lực lượng Công an nhân dân đã không ngừng bồi đắp nên truyền thống anh hùng, vẻ vang: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, dựa vào nhân dân để công tác và chiến đấu; nêu cao cảnh giác cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, khôn khéo trong đấu tranh với kẻ địch và tội phạm; đoàn kết, thống nhất, dân chủ, kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an nhân dân đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm vững chắc lợi ích, an ninh quốc gia, giữ vững thế chủ động chiến lược, làm giảm tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Với chức trách, nhiệm vụ được giao và những nỗ lực, quyết tâm của lực lượng Công an nhân dân đã góp phần thiết thực cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm tại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý” [8]. Trong xu thế hội nhập, quốc tế hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống của toàn thể các tầng lớp nhân dân. Thực tiễn cũng cho thấy, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, đất nước phát triển ổn định, bền vững, toàn dân đoàn kết phát huy dân chủ, trí tuệ cùng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển lớn mạnh, hùng cường như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời./.
Trung tá, Th.s Hoàng Cao Phúc
Giáo viên Khoa Lý luận chính trị, Khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr.174.
[2] [5] [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.187, 64-65, 50-51.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.5.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.518.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.76.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.42-43.