Trong những năm qua, việc thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, trên cơ sở kết quả thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc phù hợp đã góp phần đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp đào tạo, công tác quản lý, tham mưu và phục vụ, nâng cao hiệu quả các mặt công tác chuyên môn của đơn vị, thực hiện tốt chương trình công tác năm học 2021 - 2022.
Thực hiện Kế hoạch số 1672/KH-T09-P3 ngày 17/8/2021 của nhà trường về tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2021 - 2022, các tác giả, nhóm tác giả đã đăng ký và được giao thực hiện 51 sản phẩm (06 sáng kiến, 02 cải tiến, 03 công trình, 40 phần việc). Các sản phẩm được lựa chọn đáp ứng các tiêu chí theo Quy định về thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc ban hành theo Quyết định số 872/QĐ-T09-P3 ngày 15/6/2020 của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I; phù hợp với thực tế của từng đơn vị và nhà trường, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công tác tổ chức, quản lý, giảng dạy, tham mưu, phục vụ, từng bước cải thiện môi trường công tác, đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất theo hướng chuẩn hóa và tạo những bước đột phá trong các mặt công tác chung của nhà trường.
Đồng chí Đại tá, PGS. TS Lê Hoài Nam – Hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch Hội đồng chủ trì chương trình nghiệm thu sáng kiến, cải tiến, công trình phần việc
Trong quá trình triển khai, các tác giả, nhóm tác giả đã nghiêm túc nghiên cứu thực hiện và tổ chức hoàn thiện sản phẩm theo quy định. Ngày 18, 20, 24/5/2022, Hội đồng nghiệm thu nhà trường đã tổ chức nghiệm thu 48/51 sản phẩm (sáng kiến: 06, cải tiến: 02, công trình: 02, phần việc: 38), tạm dừng 04 sản phẩm (01 sáng kiến: P2, 01 công trình: Đoàn thanh niên T09, 02 phần việc: P1, P3), bổ sung 01 sáng kiến (CB4). Kết quả nghiệm thu đối với sáng kiến: 6/7 đạt loại Xuất sắc, 01/07 đạt loại Khá; đối với cải tiến: 01/02 đạt loại Xuất sắc; 01/02 đạt loại Khá; đối với phần việc: 39/39 đạt nghiệm thu
Đồng chí Thượng tá, TS Phạm Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi nghiệm thu
Trong đó, Khối Phòng tập trung đổi mới quy trình, phương pháp quản lý, tổ chức các hoạt động trong nhà trường, cải thiện môi trường làm việc, điều kiện công tác, học tập; bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên nhà trường; nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác và phục vụ. Đặc biệt, tập trung số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm quản lý công việc, chuẩn hóa quy trình công tác, sáng tạo những phương pháp làm việc mới để nâng cao chất lượng công tác. Các đơn vị đã chủ động tích hợp sản phẩm được nghiệm thu vào hệ thống quản trị nhà trường thông minh và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu các mặt công tác chuyên môn khác tại đơn vị, hướng đến tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung khi có sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường và hướng dẫn của Tổ tư vấn phát triển khoa học và công nghệ phục vụ điều hành, quản trị nhà trường thông minh.
Đồng chí Thượng tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi nghiệm thu
Đối với khối Khoa, tập trung vào đổi mới quy trình, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện kỹ năng, nâng cao trình độ và phương pháp nghiên cứu, học tập cho học viên. Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng công tác giảng dạy thông qua việc ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, xây dựng video tình huống, sử dụng sơ đồ tư duy, khái quát hóa kiến thức, xây dựng cổng thông tin điện tử, xây dựng hệ thống video phục vụ học viên tự học, xây dựng phần mềm (App) bổ trợ kiến thức, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm; các đoạn video tổng hợp bài giảng và các trò chơi trí tuệ giúp học viên bổ trợ, tổng hợp kiến thức, xây dựng sách điện tử, xây dựng mẫu bài giảng tương tác bằng Activ Inspire, ứng dụng phần mềm Ispring suite 1.0 phục vụ kiểm tra, đánh giá đầu giờ đối với học viên, chế tạo các sản phẩm hỗ trợ dạy học thực hành, xây dựng và mô phỏng 3D khu thực hành các chuyên ngành nghiệp vụ, xây dựng hệ thống quản lý, khai thác trang thiết bị phòng học thực hành trên mô hình 5S và chuẩn mã vạch Code 128, phục vụ trực tiếp việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học viên, góp phần xây dựng mô hình trường học thông minh của Trường Cao đẳng CSND I.
Đặc biệt, 9/9 khoa nghiệp vụ đã thực hiện phần việc xây dựng tủ sách chuyên ngành. Lãnh đạo và tập thể đơn vị cùng các nhóm tác giả đã dày công sưu tầm, sắp xếp và tổ chức khai thác, sử dụng tủ sách nghiệp vụ tại các đơn vị. Nguồn tài liệu được thu thập từ quá trình công tác, học tập, thực tế, luân chuyển của giáo viên tại các học viện, trường Công an nhân dân và Công an các đơn vị, địa phương và tài liệu nội sinh gồm giáo trình, tài liệu dạy học của khoa chuyên ngành đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua. Tủ sách được sắp xếp khoa học, phân loại theo lĩnh vực, có danh mục, nội quy sử dụng và sổ quản lý để đảm bảo việc quản lý, khai thác được thuận tiện, hiệu quả và theo đúng quy định. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quý phục vụ học tập, nghiên cứu chung của từng chuyên ngành, góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên và chất lượng học tập của học viên.
Qua việc triển khai thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc trong năm học 2021 - 2022 đã góp phần xây dựng và phát triển phong trào thi đua sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thực tiễn các sản phẩm có chất lượng tốt, chuẩn bị các điều kiện để nhân rộng tại đơn vị và nhà trường, đặc biệt đề nghị khen thưởng đối với 02 sáng kiến, 01 cải tiến tiêu biểu: Sáng kiến “Xây dựng cổng thông tin nội bộ các môn pháp luật phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I”, đơn vị thực hiện khoa Luật; sáng kiến “Xây dựng ứng dụng (App) bổ trợ kiến thức tin học trên điện thoại Android/IOS”, đơn vị thực hiện khoa Ngoại ngữ Tin học; cải tiến “Xây dựng phần mềm quản lý điểm của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I”, đơn vị thực hiện phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, việc thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc của nhà trường trong năm học qua vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể như sau: (1) Số lượng sản phẩm đăng ký và được giao thực hiện còn ít, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin. (2) Việc lựa chọn sản phẩm đăng ký và thực hiện chưa tương xứng với tiềm năng của nhà trường. (3) Chế độ thông tin, báo cáo với đơn vị thường trực (Phòng Quản lý đào tạo), lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo nhà trường còn hạn chế, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng sản phẩm (4) Nguồn kinh phí để hỗ trợ hoạt động thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc còn chưa được quy định cụ thể nên có một phần ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thiện sản phẩm.
Những hạn chế trên là do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, nhận thức của bộ phận cán bộ, giáo viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc còn hạn chế, có trường hợp cho rằng chỉ là tiêu chí để bình xét thi đua và hoàn thiện chức danh; kỹ năng nghiên cứu và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện còn hạn chế.
Thứ hai, việc lựa chọn tên sản phẩm của một số tác giả còn chưa sát với nhu cầu thực tiễn của đơn vị, chưa chọn được những đề tài mang tính cấp thiết với các phòng, khoa, trung tâm trong công tác tham mưu, quản lý, giảng dạy và phục vụ, đặc biệt đối với một số tác giả lần đầu đăng ký. Có những trường hợp tác giả chưa chủ động trong hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Việc này dẫn đến việc gửi hồ sơ về đơn vị thường trực chậm muộn so với thời gian quy định, hồ sơ phục vụ nghiệm thu chưa đảm bảo chất lượng.
Thứ ba, công tác phối hợp của tác giả trong quá trình lựa chọn, đăng ký, thực hiện với đơn vị thường trực và các đơn vị có liên quan đến quá trình thực hiện còn chưa đảm bảo. Đặc biệt là trong giai đoạn thử nghiệm sản phẩm, có lấy ý kiến của các cá nhân, đơn vị được thụ hưởng hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến thực hiện sản phẩm. Điều này dẫn đến việc đánh giá về kết quả thực hiện của một số sản phẩm chưa toàn diện, ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, chất lượng và kết quả sản phẩm.
Thứ tư, các tác giả phải tự túc kinh phí trong quá trình thực hiện do chưa có quy định về chế độ, định mức chi kinh phí cho hoạt động sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc nên ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện sản phẩm. Các tác giả và thành viên tham gia chưa chủ động trong việc phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài ngành Công an để huy động tối đa nguồn kinh phí hỗ trợ và tăng cường bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, dạy học còn nhiều hạn chế.
Để nâng cao chất lượng sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc trong thời gian tới, cần phải làm tốt một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, cần tăng cường sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đối với việc thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc. Từ đó, tiếp tục chủ động xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn để cán bộ, giáo viên chủ động hơn trong việc lựa chọn đề tài đăng ký, tránh tình trạng trùng lặp với những sản phẩm đã có và lựa chọn vấn đề nghiên cứu không phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại đơn vị và Nhà trường. Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý việc thực hiện, thường xuyên đôn đốc thực hiện tiến độ nghiên cứu đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.
Thứ hai, cần tiếp tục triển khai thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc theo lộ trình. Việc xây dựng kế hoạch phải phù hợp với từng giai đoạn công tác, đảm bảo giúp cán bộ giáo viên có những sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị và nhiệm vụ chung của nhà trường, nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn tại đơn vị và nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo của nhà trường.
Thứ ba, cán bộ, giáo viên khi tham gia thực hiện cần chủ động trong xây dựng kế hoạch và thực hiện đầy đủ các khâu từ việc lựa chọn, đăng ký, thực hiện, đưa ra thử nghiệm, xin ý kiến của các đơn vị tham gia thử nghiệm, hội thảo tại đơn vị, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, triển khai áp dụng tại đơn vị và nhà trường sau khi được công nhận, đảm bảo quá trình thực hiện nghiêm túc và đúng quy định về thực hiện sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc ban hành kèm theo Quyết định số 872/QĐ-T09 ngày 15/6/2020 của nhà trường. Trong quá trình thực hiện, đặc biệt liên quan đến phần tổ chức thử nghiệm các sản phẩm, có sự tham gia của các đơn vị có liên quan và các đối tượng thụ hưởng đảm bảo đúng yêu cầu để đánh giá đầy đủ, toàn diện về quá trình thực hiện để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với mục đích, yêu cầu ban đầu và tình hình cũng như yêu cầu cải thiện thực tiễn tại đơn vị.
Thứ tư, cán bộ, giáo viên trong quá trình thực hiện cần phối hợp với đơn vị thường trực (Phòng Quản lý đào tạo) và thường xuyên trao đổi với lãnh đạo đơn vị về tình hình thực hiện, những vấn đề phát sinh, vướng mắc, kết quả thực hiện để từ đó có sự phối hợp trong đưa ra giải pháp để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, tồn tại trong quá trình thực hiện của cán bộ, giáo viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ năm, nhà trường cần có chính sách, biện pháp động viên, khuyến khích các cán bộ, giáo viên trong đăng ký, triển khai thực hiện các sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc có tính ứng dụng cao trong công tác giảng dạy, tham mưu, phục vụ, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ phục vụ xây dựng nhà trường thông minh theo định hướng và yêu cầu của Đảng ủy Ban giám hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình thực tế công tác và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm học 2021 -2022.
Bài: Ninh Thị Kim Phúc, phòng Quản lý đào tạo
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH