(Hình ảnh minh hoạ)
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật phòng cháy, chữa cháy cũng đã quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”.
Năm 2013, sau 12 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 40/2013/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Sau khi luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy đã được lãnh đạo, cấp uỷ, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhằm bảo đảm an toàn về công tác phòng cháy, chữa cháy và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là vào dịp “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” 04/10 hàng năm đã tổ chức nhiều hoạt động phòng cháy, chữa cháy sôi nổi, thiết thực; tạo sự chuyển biến tích cực, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Qua hơn 20 năm thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng. Tại nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư mua sắm các trang, thiết bị chữa cháy và báo cháy hiện đại; tổ chức lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách, huấn luyện và thường xuyên diễn tập, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới. Nhìn nhận một cách khách quan, công tác đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số chế tài của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung, không còn phù hợp với thực tiễn. Chưa có quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Còn tồn tại công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực. Việc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục thiếu sót của các cơ sở còn chậm. Tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…. ở những khu vực có mật độ dân cư, người lao động, học sinh, sinh viên đông đúc như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa…, đều có các tòa nhà cho thuê chưa bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy hoặc số tầng vượt quy định. Hiện nay mới chỉ có hoạt động phòng cháy, chữa cháy được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy, còn đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy đang thực hiện lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng phòng cháy, chữa cháy thực hiện nhiệm vụ.
Chính vì vậy việc xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết để bảo đảm thống nhất và đồng bộ với các luật trong hệ thống pháp luật quốc gia. Đồng thời, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng trình Quốc hội khóa XV năm 2024 bao gồm 9 chương và 65 điều, cụ thể:
Chương 1: gồm 11 điều (Từ Điều 1 đến Điều 11) quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, chính sách áp dụng của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nguyên tắc, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, quy định ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương 2: gồm 9 điều (từ Điều 12 đến Điều 20) quy định biện pháp phòng cháy, quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới, thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình, phương tiện giao thông cơ giới; phòng cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và các loại hình cơ sở; phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện, bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện
Chương 3: gồm 12 điều (từ Điều 21 đến Điều 32) quy định biện pháp, phương án chữa cháy; thông tin báo cháy; trách nhiệm chữa cháy; việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy; nguồn nước, chất, vật liệu chữa cháy; ưu điên và đảm bảo quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy. Người chỉ huy chữa cháy, khắc phục hâụ quả, bảo vệ hiện trường vụ cháy; chữa cháy ở trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này.
Chương 4: gồm 7 điều (từ Điều 33 đến Điều 39) quy định phạm vi hoạt động, tổ chức; quyền và trách nhiệm của người chỉ huy trong cứu nạn, cứu hộ; huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, thực tập phương án, trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Chương 5: gồm 5 điều (Từ Điều 40 đến Điều 45) quy định xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định liên quan đến xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chương 6: gồm 3 điều (Từ Điều 46 đến Điều 49) quy định phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới; trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Chương 7: gồm 8 điều (từ Điều 50 đến Điều 58) quy định bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành, tình nguyện; Xây dựng bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Chương 8: gồm 4 điều (từ Điều 59 đến Điều 62) quy định quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Chương 9: gồm 3 điều (từ Điều 53 đến Điều 65) quy định điều khoản thi hành.
Như vậy việc tiến hành xây dựng dự án sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là rất cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, hoàn thiện các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới./.
Bài: Bùi Thuý Nga - Khoa QLHC về TTXH