Trên cơ sở đó, ngày 20/03/2014, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 82/KH-BCA(X14) về tổ chức phân định kiến thức các trình độ đào tạo nhóm ngành An ninh và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, lĩnh vực nghiệp vụ Cảnh sát có 22 chuyên ngành đã được phân định kiến thức giữa các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Nhìn chung, phân định kiến thức được thiết kế theo hướng đảm bảo phù hợp với mục tiêu và thời gian đào tạo của các bậc học hiện nay (Đại học và Trung cấp), đảm bảo tính liên thông, hạn chế tối đa trùng dẫm nội dung kiến thức giữa các chương trình. Trong đó, kiến thức pháp luật giữa trình độ đại học và trung cấp được xác định tương đối rõ ràng về nội dung, thời gian cho từng môn học phù hợp với mục tiêu đào tạo, đặc thù đối tượng đào tạo từng chuyên ngành. Đối với trình độ trung cấp, thời gian đào tạo luật trong chương trình được rút ngắn đáng kể theo hướng giảm thời gian đào tạo lý thuyết, chú trọng vào đào tạo tay nghề thực hành.
So sánh thời lượng, kiến thức đào tạo các môn pháp luật giữa trình độ đại học và trung cấp Cảnh sát nhân dân chính quy cho thấy:
Về mục tiêu đào tạo: Với đặc thù đào tạo trình độ trung cấp là đào tạo học viên theo hướng thực hành nghề nghiệp, mục tiêu về lý luận không phải là yêu cầu chính đối với người học. Vì vậy, đối với các môn pháp luật, mức độ yêu cầu đối với người học là nắm được khái quát lý luận chung về nhà nước và pháp luật và một số nội dung kiến thức của các ngành luật cụ thể như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật hành chính, Luật phòng, chống tham nhũng.... Chương trình đào tạo các chuyên ngành đều được xác định là “hiểu và vận dụng được kiến thức cơ bản về pháp luật”. Trong khi đó, đối với trình độ đại học, mục tiêu đào tạo không chỉ đặt ra đối với học viên sau khi tốt nghiệp phải có kỹ năng thực hành, mà yêu cầu của giáo dục đại học là đào tạo lực lượng lao động có trình độ cao. Đối với đào tạo trình độ đại học trong Công an nhân dân phải đáp ứng được mục tiêu đào tạo học viên trở thành sĩ quan chỉ huy sau này, đồng thời tạo tiền đề xây dựng đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong Công an nhân dân. Học viên sau khi tốt nghiệp trình độ đại học phải có kiến thức nền cơ bản vững chắc từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác, đồng thời hình thành được tư duy và có kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy, trong các chương trình đào tạo trình độ đại học hiện nay, mục tiêu kiến thức về pháp luật được xác định là “hiểu rõ, vận dụng tốt kiến thức cơ bản về pháp luật”.
Về nội dung: Ở trình độ đào tạo đại học và trung cấp, nội dung kiến thức pháp luật có sự tương đồng ở nhiều môn học, phù hợp với đối tượng đào tạo, đặc thù công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Cụ thể là, ngoài môn học cơ bản là Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, nội dung chương trình được xây dựng hướng trọng tâm vào các ngành luật như: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hành chính, Luật Dân sự... Tuy nhiên, do mục tiêu và thời lượng giảng dạy khác nhau nên mặc dù cùng một môn học, nội dung cụ thể được xây dựng khác nhau. Ở trình độ trung cấp, nhiều nội dung chỉ mang tính giới thiệu khái quát để học viên bước đầu tiếp cận, có nhận thức khái quát làm nền tảng cho học tập ở bậc học cao hơn. Trong khi đó, ở trình độ đại học, nhiều nội dung được nghiên cứu mang tính chuyên sâu.
Về thời lượng: Phân định kiến thức trong chương trình đạo tạo luật đã tạo ra sự chênh lệch tương đối lớn giữa trình độ đại học và trung cấp Cảnh sát nhân dân. Trước khi thực hiện đào tạo theo chương trình phân định kiến thức, tổng thời lượng đào tạo luật đối với trình độ trung cấp là khoảng 270 tiết đối với từng chuyên ngành cụ thể. Theo phân định kiến thức mới (áp dụng từ năm học 2016-2017), thời lượng đào tạo luật đối với trình độ trung cấp được rút ngắn đáng kể, với khoảng 165 tiết đối với từng chuyên ngành cụ thể. Trong đó, điển hình như môn Luật Hình sự, thời lượng rút ngắn chỉ còn 1/3 so với trước khi phân định kiến thức (từ 90 tiết xuống còn 30 tiết).
Như vậy, về cơ bản nội dung chương trình đào tạo luật theo phân định kiến thức đảm bảo phù hợp với mục tiêu, đối tượng của trình độ đào tạo. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai đào tạo theo chương trình phân định kiến thức, nội dung phân định kiến thức pháp luật còn nổi lên hai vấn đề sau đây:
Thứ nhất là, giữa hai trình độ đào tạo, nội dung chương trình còn có sự trùng dẫm. Xuất phát từ đặc thù của nội dung các môn luật, dù ở cấp đào tạo nào thì vẫn phải cung cấp cho người học những nội dung cơ bản của ngành luật đó. Ví dụ, đối với Luật Hình sự, dù ở bậc đại học hay trung cấp thì vẫn phải giải quyết vấn đề định tội danh và xác định hình phạt. Do vậy, nội dung giảng dạy vẫn phải xoay quanh giải quyết hai vấn đề này. Cụ thể là, phải trang bị cho học viên các kiến thức cơ bản như: Nhận thức chung về Luật Hình sự; tội phạm và cấu thành tội phạm; các giai đoạn cố ý thực hiện tội phạm; đồng phạm; những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự và hình phạt; dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự.
Điểm khác nhau chủ yếu giữa hai trình độ đào tạo là thời lượng và mục tiêu dành cho môn học. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, học viên ngay sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp phải biết vận dụng được kiến thức pháp luật vào thực tiễn công tác, sau một thời gian nhất định họ mới có thể tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn, do đó việc trang bị cho học viên đào tạo trình độ trung cấp những kiến thức pháp luật cơ bản là yêu cầu bắt buộc, đảm bảo cho học viên có thể hoàn thành được nhiệm vụ sau khi ra trường. Do đó, việc xác định nội dung có sự trùng dẫm là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Thứ hai là, thực hiện phân định kiến thức theo hướng giảm thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời gian đào tạo thực hành là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, thời lượng đào tạo luật trong chương trình hiện nay ít, chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra, đặc biệt là đối với chương trình đào tạo trình độ trung cấp.
Sự mâu thuẫn giữa quỹ thời gian cho chương trình đào tạo luật với mục tiêu nắm vững kiến thức pháp luật để giải quyết các yêu cầu của thực tế công tác là vấn đề cần đặt ra hiện nay. Với đặc thù công tác của lực lượng Công an nhân dân, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, từng cấp Công an luôn gắn liền với việc áp dụng pháp luật. Việc sử dụng các công cụ pháp lý trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trực tiếp tác động đến việc đảm bảo quyền con người, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì vậy, mặc dù là đào tạo trình độ trung cấp, nhưng khác với một số các trường trung cấp nghề khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ lao động - Thương binh và xã hội, đào tạo trung cấp Công an nhân dân có tính đặc thù cao. Tính chất “nghề” của lực lượng được đào tạo trình độ trung cấp Công an nhân dân là “nghề” quản lý nhà nước về an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm mà ở đó, pháp luật là công cụ pháp lý quan trọng, hiệu quả để lực lượng Công an hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Từ thực tế trên, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất sau:
Một là, Cục Đào tạo cần tham mưu, tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện đào tạo theo chương trình phân định kiến thức. Sau 5 năm triển khai đào tạo theo chương trình phân định kiến thức giữa các trình độ và loại hình đào tạo trong Công an nhân dân có thể thấy rằng, hệ thống chương trình đào tạo theo phân định kiến thức đã thể hiện tính đồng bộ, thống nhất, hiện đại, phù hợp với thực tiễn, có sự phân tầng, kết nối và liên thông kiến thức giữa các trình độ đào tạo. Tuy nhiên, cần rà soát, đánh giá một cách đầy đủ, hoàn thiện hơn nữa việc phân định kiến thức giữa trình độ đại học và trung cấp cả về mục tiêu, nội dung và thời lượng các môn học nói chung trong đó có các môn pháp luật một cách cụ thể, đối với từng ngành, từng chuyên ngành đào tạo, từng môn học.
Hai là, cần tổ chức rà soát phân định rõ hơn nội dung chương trình đào tạo luật giữa bậc đại học và trung cấp trong Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng, đặc biệt là giữa chương trình đào tạo trình độ trung cấp với chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học nhằm xác định rõ sự liên thông, kế thừa kiến thức giữa hai trình độ đào tạo tránh sự trùng dẫm nội dung kiến thức. Xác định rõ sự phù hợp giữa chuẩn đầu ra về pháp luật của trình độ trung cấp với chuẩn đầu vào đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học. Qua đó đảm bảo tính khoa học của hệ thống chương trình đào tạo, tránh lãng phí quá trình đào tạo trước và tạo sự mới mẻ về nội dung với học viên khi tham gia học tập ở chương trình đại học.
Ba là, cần nghiên cứu, chỉnh sửa chương trình đào tạo luật đối với các trình độ đào tạo trong Công an nhân dân nói chung, trình độ trung cấp Cảnh sát nhân dân nói riêng theo hướng tăng cường thời lượng giảng dạy đối với 2 môn học là Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự. Đây là hai môn học, hai ngành luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Từ thực tiễn giảng dạy, ý kiến phản hồi của người học cũng như của Công an các đơn vị, địa phương; đặc biệt là yêu cầu, đòi hỏi của việc nắm vững và vận dụng kiến thức pháp luật trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát nhân dân cho thấy, với thời lượng giảng dạy Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự từ 30 đến 45 tiết cho các chuyên ngành như chương trình hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Chương trình đào tạo được xác định là “xương sống” của quá trình đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo trên cơ sở bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân sẽ là “chìa khóa” giúp công tác giáo dục đào tạo trong Công an nhân dân không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới. Chính vì vậy, cần thiết phải tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện hơn nữa khung chương trình đảm bảo vừa có sự phân hóa, vừa có sự kết nối, liên thông, kế thừa giữa các bậc đào tạo trong Công an nhân dân.
Bài: Khoa Luật
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH