Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những vấn đề đặt ra trong giảng dạy môn giáo dục quốc phòng tại các trường CAND nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong tình hình mới.

Theo quy định của Luật, GDQP&AN là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục, đào tạo từ trung học phổ thông đến đại học và các trường chính trị, hành chính, đoàn thể. Trong đó học sinh, sinh viên là một đối tượng đông đảo của GDQP&AN. Môn học GDQP&AN thể hiện rõ đường lối giáo dục của Đảng, được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Tại Chương II, Luật đã phân chia các cấp học để đưa nội dung GDQP&AN đảm bảo phù hợp với nhận thức, cụ thể:

- Bậc tiểu học, trung học cơ sở, GDQP&AN là lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khoá phù hợp với lứa tuổi. Bảo đảm cho học sinh hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

- Bậc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề,  GDQP&AN được quy định là môn học chính khóa, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức dạy và học theo phân phối chương trình. Trong năm học, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức cho học sinh học tập ngoại khoá với nội dung và hình thức thích hợp.

Đồng chí Thiếu tá Lưu Tuấn Anh giảng dạy nội dung Điều lệnh và nghi lễ CAND thuộc môn học Giáo dục quốc phòng

- Trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học GDQP&AN được quy định là môn học chính khóa, bảo đảm cho người học có kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung kiến thức về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

- Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, GDQP&AN được quy định là môn học chính khóa. Bảo đảm cho người học nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; nghệ thuật quân sự Việt Nam; tình hình, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; khu vực phòng thủ; phòng thủ dân sự; kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh; kết hợp quốc phòng và an ninh với đối ngoại.

Căn cứ khung chương trình do Bộ Giáo dục & đào tạo quy định, hiện nay tại các trường Công an nhân dân chương trình môn học GDQP được xây dựng ở bậc trung cấp 150 tiết. Nội dung giảng dạy gồm đường lối quân sự của Đảng và một số kỹ năng quân sự như: Kỹ thuật sử dụng súng tiểu liên AK; sử dụng súng ngắn; kỹ thuật cá nhân vận động trong chiến đấu; bản đồ địa hình, la bàn ống nhòm, địa bàn, lựu đạn, công cụ hỗ trợ... đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên được đào tạo cơ bản tại các trường đại học trong Quân đội và trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang. Do vậy, trong những năm qua chương trình GDQP trong các trường CAND đã góp phần đáng kể trong công tác xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Tuy nhiên, với phương châm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, khơi dậy niềm tự hào và sự trân trọng đối với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, trang bị cho học sinh, sinh viên một số hiểu biết về chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch hiện nay và một số kỹ năng quân sự cần thiết…, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động về công tác quốc phòng, quân sự trong nhà trường và địa phương, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thì việc GDQP hiện nay tại các trường CAND chưa đáp ứng được các quy định của Luật GDQP&AN. Từ vấn đề trên, nâng cao chất lượng GDQP&AN cho học sinh, sinh viên đang là một yêu cầu khách quan của môn học nói riêng, sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng môn học là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy môn GDQP&AN đủ về số lượng, có chất lượng cao, đáp ứng cho nhiệm vụ cơ bản trước mắt, và lâu dài. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ xin đề cập một số vấn đề đặt ra trong xây dựng đội ngũ giảng dạy môn GDQP&AN hiện nay tại các trường CAND.

Đồng chí Đại úy Nguyễn Thái Sơn giảng dạy nội dung thực hành bắn súng Cz75

Về thực trạng đội ngũ giảng dạy môn GDQP trong những năm qua Bộ Công an đã có những chủ trương, giải pháp, cơ chế chính sách, nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên nói chung và huấn luyện viên quân sự nói riêng bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên qua đánh giá chung huấn luyện viên quân sự còn thiếu về số lượng và chưa đồng đều về chất lượng, trong khi số học sinh, sinh viên đông; hội trường phòng học còn thiếu, thao trường bãi tập chật hẹp, nhiều trường Công an chưa có địa điểm tập luyện và kiểm tra bắn đạn thật. Nguồn bổ sung huấn luyện viên quân sự được đào tạo tại các trường Quân đội rất hạn chế; chưa có giáo viên, giảng viên chuyên trách GDQP-AN được đào tạo cơ bản chính quy, nội dung giảng dạy chưa có nội dung mang tính lý luận về Quốc phòng-An ninh. Bộ Giáo dục & đào tạo và Bộ Công an chưa ban hành chương trình giảng dạy môn GDQP&AN trong các trường CAND nên những quy định của luật vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Tiết học thực hành nội dung bắn súng tiểu liên AK của học viên K57S

Để giải quyết thực trạng trên, chúng tôi xin nêu ra một số giải pháp sau:

Một là, sự phối hợp thống nhất chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành có liên quan, nhất là Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành chương trình giảng dạy môn học GDQP&AN trong các trường CAND để có cơ sở kiện toàn đội ngũ giáo viên, giảng viên trên cơ sở đội ngũ huấn luyện viên quân sự hiện nay. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong việc đào tạo và sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQP-AN vừa đảm bảo cho nhiệm vụ trước mắt, vừa tính toán sử dụng lâu dài. Biên soạn tài liệu dạy học, giáo trình môn học GDQP&AN đảm bảo hoàn thiện và thống nhất trong từng bậc học.

Hai là, Cục Đào tạo tham mưu đề xuất thành lập các Trung tâm GDQP-AN tại các trường CAND hoặc quy định cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho sĩ quan cấp tá, cấp úy, người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong Công an nhân dân không thuộc đối tượng quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2014/NĐ-CP ngày 25/02/2014 của Chính phủ.

Ba là, tăng cường cử sĩ quan đi đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội để tạo nguồn bồi dưỡng đào tạo trở thành giáo viên, giảng viên GDQP-AN. Công tác đào tạo giáo viên chuyên ngành GDQP-AN trình độ đại học cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp, phải tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện, đúng thực trạng đội ngũ huấn luyện viên quân sự hiện nay. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổng thể và có kế hoạch cụ thể đối với từng trường hợp trong việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ giáo viên GDQP-AN; tránh tình trạng khi đào tạo ra bị mất cân đối cả về số lượng và cơ cấu. Về chương trình đào tạo cần được chuẩn hóa cả về kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa và Hội nhập quốc tế để khi ra trường đội ngũ giáo viên này có đủ khả năng giảng dạy và quản lý, chỉ đạo công tác GDQP-AN trong các nhà trường

Bốn là, quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, trường bắn, phòng học chuyên dùng đáp ứng cho yêu cầu đào tạo GDQP-AN; đồng thời trang bị đủ giáo trình, tài liệu cho dạy học và nghiên cứu khoa học về GDQP-AN.

Năm là, có cơ chế chính sách phù hợp nhằm động viên và phát huy cao nhất khả năng của đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQP-AN, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng phụ cấp trách nhiệm, chế độ bồi dưỡng giờ giảng... để họ yên tâm giảng dạy môn học và khuyến khích họ nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQP-AN có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết để nâng cao chất lượng GDQP-AN trong các trường CAND. Tuy nhiên đây là công việc không thể giải quyết một sớm, một chiều; do đó cần có lộ trình, bước đi phù hợp; quan trọng hơn cả là có hệ thống giải pháp đồng bộ, hiệu quả và sự nỗ lực của các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Cục Đào tạo và các trường CAND.

Bài: Thượng tá, ThS Trần Mạnh Tuấn - Trưởng khoa Quân sự, Võ thuật, TDTT;

Ảnh: Khánh Toàn.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi