Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an trung ương về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong Công an nhân dân” đã chỉ rõ đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục, đào tạo. Các trường công an với đặc thù ngành là đào tạo ra những chiến sĩ công an vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, thì yêu cầu về đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất và các phương tiện đảm bảo càng quan trọng hơn bao giờ hết. Việc đổi mới, đầu tư cơ sở vật chất góp phần tích cực vào việc hình thành năng lực nghề nghiệp cho học viên.
Nhận thức được vai trò của việc đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Phòng Hậu cần luôn chủ động tham mưu Ban Giám hiệu Nhà trường trong việc ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Ngay từ khi sáp nhập các trường thành Trường Cao đẳng CSND I, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Phòng Hậu cần đã đề xuất chuyển những trang thiết bị dạy học, các phòng học chuyên ngành, các đồ dùng, thiết bị văn phòng về Xuân Mai để lắp đặt phục vụ cho nhu cầu làm việc và học tập, giảng dạy. Hiện khuôn viên Nhà trường đã khang trang, sạch, đẹp; phòng làm việc của Ban Giám hiệu, các Khoa, Phòng cơ bản đáp ứng số lượng cán bộ, giảng viên với diện tích làm việc tối thiểu; trang thiết bị làm việc được cấp theo quy định của Bộ Công an; 01 hội trường lớn với 800 chỗ; 01 hội trường 300 chỗ, có trang bị điều hòa, quạt điện, hệ thống âm thanh, ánh sáng chất lượng tốt; khu ký túc xá với N1,N2,N3,N4,N5,N6 với hơn 200 phòng có vệ sinh khép kín, được trang bị các thiết bị cơ bản.
Bên cạnh đó, Phòng Hậu cần đã chủ động lập dự toán xin bổ sung kinh phí để cải tạo nhà ăn, hội trường, phòng học, trung tâm tư liệu, thư viện phục vụ nhu cầu cấp thiết của trường và đã được Bộ phê duyệt kinh phí cải tạo, mở rộng Trung tâm thông tin, thư viện của nhà trường với hàng vạn đầu sách tại các phòng đọc; 01 thư viện điện tử hiện đại trên 100 máy trạm, đáp ứng nguồn cung cấp thông tin, tài liệu học tập rất hữu ích cho học viên, cán bộ, giáo viên. Chủ động khảo sát và từng bước sửa chữa nhà ở học viên, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, cải tạo mở rộng thêm phòng học đáp ứng yêu cầu học tập của học viên.
Hạng mục Trung tâm Lưu trữ và Thư viện được khánh thành vào tháng 3 năm 2021
Song song với đó, Phòng Hậu cần đã tham mưu thúc đẩy dự án mở rộng trường, tiến hành lập quy hoạch tổng mặt bẳng, xin kinh phí đền bù, làm việc với các sở, ngành của thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ và các Cục chức năng của Bộ Công an để dự án sớm hoàn thành các thủ tục; đến nay dự án đã được duyệt bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và đã được cấp kinh phí đền bù, giải phòng mặt bằng khu đất xây dựng trường. Nhà trường đã lập dự toán kinh phí xây dựng hệ thống mạng Lan nội bộ triển khai trong năm 2021; lập dự toán hệ thống mạng Wifi, các phần mềm quản lý đào tạo, khảo thí, quản lý học viên để xin Bộ Công an đầu tư.
Dự án xây dựng mở rộng nhà trường
Bên cạnh những ưu điểm trên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà trường vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Nhà trường mới sáp nhập, nguồn vốn đầu tư thiếu, nên công tác đầu tư trang thiết bị không có điều kiện tập trung, phân tán dàn trải, cơ sở vật chất của Nhà trường được trang bị chưa đồng bộ, thiếu chủng loại. Một số thiết bị được trang cấp từ nhiều năm trước, đã xuống cấp, kém chất lượng. Kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; Các phòng học chuyên ngành còn thiếu, nhiều khoa chưa có phòng học chuyên ngành. Nguồn kinh phí trang thiết bị dành cho các phòng thực hành rất lớn và đòi hỏi phải thường xuyên nâng cấp trong khi nguồn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp. Một số trang thiết bị hỏng không sửa chữa được do thiết bị nhập khẩu hiện nay đã không còn linh kiện thay thế, một số phương tiện định kỳ phải có các hóa chất hoặc các phụ phẩm khác để sử dụng, các thiết bị phải bảo dưỡng định kỳ nhưng kinh phí bảo dưỡng, nâng cấp không được cấp mà phải lấy trong kinh phí thường xuyên của đơn vị nên rất khó thu xếp vốn để duy tu, sửa chữa lớn.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Nhà trường cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch lâu dài. Tuy vậy, trong thời gian trước mắt, để phục vụ tốt cho công tác giáo dục, đào tạo, Phòng Hậu cần đề xuất như sau:
Một là, Phòng Hậu cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu về đề án xây dựng Nhà trường từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch đầu tư kinh phí cho Nhà trường tiến hành xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng việc sử dụng các nguồn kinh phí một cách hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc tài chính, công khai, minh bạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó sẽ ưu tiên cho đầu tư các trang thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, các phần mềm tin học, như quản lý đào tạo, khảo thí, quản lý học viên... Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đảm bảo sự tăng tiến cả về chất lượng và số lượng. Xây dựng kế hoạch đầu tư phân chia rõ giai đoạn đầu tư ngắn hạn 1-2 năm, trung hạn 3-5 năm, dài hạn 5 năm trở lên; với phương châm đầu tư toàn diện trang thiết bị theo nhu cầu sử dụng đảm bảo mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Hai là, chủ động và tháo gỡ những khó khăn, phê duyệt dự án đầu tư mở rộng trường, lập kế hoạch, lên phướng án cụ thể tích cực làm việc với các sở, ngành của Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ và các Cục chức năng của Bộ Công an thúc đẩy tiến độ dự án xin đất mở rộng trường để triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng trong năm 2021.
Ba là, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cấp trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy của Trường phải được tiến hành đồng bộ, định kỳ được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế bảo đảm đáp ứng điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cán bộ giảng viên và học viên.
Bốn là, đề xuất Bộ Công an cấp tăng kinh phí để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị dạy học hàng năm. Trang cấp cho Trường các phòng học chuyên ngành. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ công tác dạy học, tranh thủ nguồn kinh phí từ dự án của Bộ Công an, sự hợp tác hỗ trợ của Công an các địa phương; cân đối từ việc tiết kiệm chi để bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật nhằm phục vụ tốt công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Năm là, Trong thời gian tới Phòng Hậu cần sẽ tham mưu Ban Giám nhà trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng công tác dạy và học phù hợp với thời đại 4.0; đồng thời cập nhật theo các yêu cầu đối với kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của Bộ cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới mục tiêu nhà trường thông minh.
Trung tá Đinh Hoàng Hương - Phó Trưởng phòng Hậu cần