Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của giáo viên khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường

Thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường đã tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết số 103-NQ/ĐU ngày 05/4/2021 của Đảng ủy nhà trường về tăng cường lãnh đạo công tác nghiên cứu khoa học trong Đảng bộ nhà trường giai đoạn 2020 - 2025. Công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị được triển khai ở một số hoạt động cụ thể sau:

Về công tác triển khai thực hiện đề tài khoa học các cấp: Trong học kỳ I năm học 2023-2024 đơn vị đã nghiệm thu 01 đề tài cơ sở do đơn vị chủ trì, đăng ký 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, 01 đề tài lý luận cấp Bộ, 01 đề tài lý luận cấp cơ sở và được giao trực tiếp thực hiện 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Phòng ngừa vi phạm quy định về kế toán trong doanh nghiệp để thực hiện tội phạm về kinh tế”. Các đề tài do Khoa chủ trì và tham gia thực hiện đều gắn với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị. Kết quả nghiên cứu đã sử dụng trong công tác giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, đồng thời chuyển giao những giải pháp hữu ích phục vụ thực tiễn công tác của lực lượng Cảnh sát kinh tế, môi trường.

Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng cùng Ban chủ nhiệm đề tài của khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường chụp ảnh lưu niệm trong buổi nghiệm thu.

Về hoạt động viết bài đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo khoa học các cấp: Đội ngũ giáo viên của Khoa đã tích cực viết bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và hội thảo khoa học các cấp. Các bài viết, báo cáo khoa học đều gắn với lĩnh vực chuyên môn của Khoa. Qua đó giúp đội ngũ giáo viên hoàn thiện chức danh giảng dạy, nâng cao năng lực nghiên cứu. Trong học kỳ I năm học 2023- 2024, Khoa có tổng số 22 bài viết, báo cáo khoa học, trong đó có 02 bài viết đăng trên tạp chí Cảnh sát nhân dân, 10 bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học cấp Bộ; 11 bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học, 01 tọa đàm cấp trường vượt chỉ tiêu đăng ký năm học 2023 -2024 (20 bài viết), ngoài ra Khoa đã tham mưu cho Lãnh đạo nhà trường 03 bài viết đăng trên kỷ yếu Hội thảo các cấp. Đã phối hợp với khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường “Công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở vùng trung du miền núi Bắc Bộ” được Lãnh đạo nhà trường và các đơn vị đánh giá cao.

Đồng chí Đại tá, TS Phạm Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng cùng các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học chụp ảnh lưu niệm.

Việc biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học: Với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, lãnh đạo, tập thể cán bộ, giáo viên của Khoa, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng trong và ngoài trường, khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường đã biên soạn hệ thống chương trình môn học, các giáo trình, tài liệu dạy học dùng cho ngành Trinh sát Cảnh sát cụ thể như sau: tham gia xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát cảnh sát cho Khóa K60S; tổ chức biên soạn, nghiệm thu đưa vào sử dụng 03 chương trình môn học ngành Trinh sát Cảnh sát Khóa K60S; biên soạn tài liệu giảng dạy lớp Bồi dưỡng kiến thức mới cho lãnh đạo chỉ huy là Đội trưởng, Phó Đội trưởng; Trưởng, Phó Công an xã. Năm học 2023-2024, Khoa đã đăng ký biên soạn 02 giáo trình, 01 tập bài giảng và 03 sách tham khảo, hiện nay đã hội thảo 02 giáo trình; hội thảo 02 sách tham khảo đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Khoa đã đề xuất Lãnh đạo nhà trường giao cho Khoa nghiên cứu một số vụ án kinh tế điển hình trong thời gian qua, kết quả nghiên cứu được Khoa thực hiện biên tập, chỉnh sửa phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giáo viên,  học viên và sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ đề xuất là tài liệu tham khảo chính thức trong Nhà trường.

Về thực hiện sáng kiến, công trình, phần việc: Trong năm học 2023-2024, đơn vị đã đăng kí và đang triển khai thực hiện 03 phần việc. Các sáng kiến, phần việc đều gắn với chuyên môn và có giá trị ứng dụng vào thực tiễn công tác dạy và học.

Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học của khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; các bài viết khoa học; giáo trình và tài liệu dạy học được nâng cao, đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập cho giáo viên và học viên nhà trường; phong trào nghiên cứu khoa học được phát triển sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của Khoa.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa còn một số hạn chế sau: Trong một số thời điểm, giáo viên chưa hoàn thành định mức giờ nghiên cứu khoa học đối với từng chức danh giảng dạy; số lượng các đề tài khoa học các cấp do giáo viên trong khoa chủ trì và tham gia còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng nghiên cứu của đội ngũ giáo viên; việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn...

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau: Đối với lĩnh vực nghiệp vụ thuộc chuyên môn của Khoa có nhiều vấn đề mới, chưa được tổng kết nhiều về lý luận và thực tiễn chiến đấu nên một số giáo viên chưa mạnh dạn chọn vấn đề nghiên cứu mới; trong thời gian qua có sự biến động về luân chuyển cán bộ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của Khoa; trình độ, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của đội ngũ giáo viên chưa thực sự đồng đều; các chỉ tiêu đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ Công an giao cho Trường số lượng còn hạn chế; nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có sự cân đối, một số hoạt động khoa học như sáng kiến, cải tiến, phần việc chưa có kinh phí thực hiện...

Để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học đối với đội ngũ giáo viên, phục vụ tốt cho hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu  khoa học. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu của người giáo viên. Qua đó giáo viên thể hiện tính chủ động, tích cực hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên.

Hai là, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với các các hoạt động chuyên môn và công tác thực tế, luân chuyển của giáo viên. Qua công tác thực tế, luân chuyển, giáo viên chủ động phát hiện vấn đề nghiên cứu để đề xuất thực hiện các công trình khoa học, viết bài đăng tạp chí; sử dụng kết quả nghiên cứu để bổ sung cho bài giảng, đảm bảo sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy các môn học nghiệp vụ.

Ba là, tăng cường thực hiện các hoạt động biên soạn tài liệu dạy học, sách chuyên khảo phục vụ cho chuyên ngành đào tạo, đây là những sản phẩm khoa học thiết thực phục vụ cho chuyên môn, đồng thời thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của giáo viên, đảm bảo định mức giờ chuẩn nghiên cứu khoa học đối với từng chức danh giảng dạy.

Bốn là, Bộ Công an giao chỉ tiêu nghiên cứu khoa học phù hợp với tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường. Đồng thời, phân bổ hợp lý các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị trong Trường đảm bảo phát huy tiềm năng nghiên cứu của đội ngũ giáo viên khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường.

Năm là, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để tham gia thực hiện các đề tài khoa học do các đơn vị nghiệp vụ đăng ký chủ trì thực hiện. Đảm bảo sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặt khác, Nhà trường chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nghiên cứu khoa học của Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ trong việc tổ chức đăng ký, xét chọn, nghiệm thu, ứng dụng kết quả, sơ kết, tổng kết, công tác kiểm tra tiến độ, thanh quyết toán theo đúng quy định.

Sáu là, có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên. Xây dựng cơ chế hoạt động nghiên cứu khoa học đảm bảo sự cân đối các nhiệm vụ khoa học giữa các đơn vị giáo dục; cân đối giữa các nhiệm vụ khoa học giải quyết vấn đề thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân với giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn trong dạy học, quản lý của Nhà trường.

Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi