Khoa Cảnh sát giao thông là một trong những đơn vị giáo dục trong nhà trường, với chức năng tổ chức xây dựng, biên soạn chương trình đào tạo, giáo trình, giảng dạy các môn học về nghiệp vụ Quản lý trật tự an toàn giao thông cho các chương trình đào tạo và các loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác của Trường; tổ chức nghiên cứu khoa học cho giảng viên của Khoa và học viên.
Trên cơ sở quy định của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về luân chuyển có thời hạn và công tác thực tế của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các Học viện, trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp Công an nhân dân; lãnh đạo Khoa Cảnh sát giao thông đã phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên về nội dung các quy định để giáo viên nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của việc luân chuyển và công tác thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương, nhất là đối với giáo viên giảng dạy nghiệp vụ. Trên cơ sở quy định của Bộ Công an, kế hoạch, hướng dẫn của nhà trường, đơn vị đã triển khai xây dựng kế hoạch, dự kiến giáo viên đi luân chuyển, công tác thực tế hàng năm của đơn vị, đảm bảo trong mỗi năm học có ít nhất 01 giáo viên nghiệp vụ đang luân chuyển thực tế tại công an đơn vị, địa phương, từ 02 đến 03 giáo viên đi công tác thực tế để trau dồi, cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ công tác giảng dạy.
Trước khi đi luân chuyển, công tác thực tế, giáo viên đã xây dựng kế hoạch và được lãnh đạo khoa phê duyệt, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp nghiên cứu và địa bàn, thời gian thực hiện. Trong thời gian đi luân chuyển, thực tế, giáo viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, được Công an các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho tiếp cận công việc, tham gia thực hiện các nội dung công tác chuyên môn, được cung cấp các thông tin, tài liệu, hồ sơ nghiệp vụ để nghiên cứu theo kế hoạch của giáo viên, 100% giáo viên thực hiện nghiêm túc chế độ liên lạc, báo cáo về trường. Kết thúc thời gian luân chuyển, thực tế, giáo viên có báo cáo kết quả công tác, có xác nhận, đánh giá của lãnh đạo đơn vị nơi luân chuyển, thực tế của giáo viên.
Tính đến thời điểm hiện nay, phần lớn các đồng chí giáo viên trong Khoa Cảnh sát giao thông đã tham gia công tác thực tế theo đúng trình tự về thời gian, số lượng tham gia. Qua việc thực hiện kế hoạch đi luân chuyển, thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương cho thấy, các đồng chí giáo viên của Khoa tham gia công tác luân chuyển, thực tế đã từng bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trong quá trình công tác luôn được lãnh đạo Công an các đơn vị địa phương đánh giá cao, đã đạt được một số kết quả nhất định:
- Trong quá trình luân chuyển, thực tế giáo viên của Khoa Cảnh sát giao thông đã thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần cầu tiến, ý thức ham học hỏi. Giáo viên đã tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tế của các đồng chí, đồng đội ở đơn vị, đặc biệt là các thế hệ đi trước. Trên cơ sở đó rút ra được những bài học kinh nghiệm, những vấn đề còn vướng mắc giữa lý luận và thực tiễn công tác để phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy sau này.
- Sự phối hợp giữa nhà trường với Công an các đơn vị, địa phương nơi giáo viên tham gia công tác luân chuyển, thực tế được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công an và đảm bảo tính phối hợp trong công tác quản lý giáo viên. Công an các đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ về mọi mặt để giáo viên Khoa hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị thực tế.
- Chất lượng bài giảng của giáo viên đi công tác luân chuyển, thực tế khi về được nâng cao, có nhiều ví dụ, tình huống thực tiễn có giá trị... thu hút học sinh khi nghe giảng.
Thông qua công tác luân chuyển, thực tế đội ngũ giáo viên Khoa CSGT được bồi dưỡng, rèn luyện trong môi trường thực tiễn, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung, làm phong phú thêm nội dung giảng dạy tại nhà trường, qua đó gắn lý luận, nghiên cứu khoa học với thực tiễn công tác Công an, nâng cao chất lượng đào tạo tại nhà trường đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đào tạo đặt ra trong tình hình mới.
Giáo viên Khoa CSGT đi luân chuyển, thực tế tại Công an thành phố Hà Nội thực hiện công tác tuyên truyền Luật giao thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác luân chuyển, thực tế của giáo viên Khoa Cảnh sát giao thông tại công an các đơn vị, địa phương trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể như sau:
- Việc kiểm tra công tác luân chuyển và thực tế của giáo viên chưa được tiến hành thường xuyên, chủ yếu qua các báo cáo định kỳ của giáo viên. Kết quả công tác luân chuyển, thực tế của giáo viên sử dụng phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu còn hạn chế, chưa có tính nhân rộng, lan tỏa rộng rãi đối với tất cả các giáo viên khác trong đơn vị, chủ yếu giáo viên sử dụng kết quả luân chuyển, báo cáo thực tế vận dụng cho bài giảng của cá nhân.
- Đội ngũ giáo viên của Khoa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy còn thiếu, một số đồng chí phải tham gia học tập nâng cao trình độ nên lãnh đạo Khoa khó sắp xếp công tác thực tế của giáo viên do có liên quan đến công việc chung của đơn vị.
- Do thời gian công tác thực tế của các giáo viên đăng ký thường là 03 - 06 tháng, nội dung giảng dạy theo chương trình đào tạo của nhà trường lại nhiều. Vì vậy, giáo viên có ít thời gian để trực tiếp tham gia vào tất cả các mặt công tác thực tiễn tại đơn vị địa phương, dẫn đến việc tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn công tác lồng ghép vào nội dung bài giảng trong một số học phần chưa sâu. Một số giáo viên khi đến địa bàn luân chuyển, thực tế chưa mạnh dạn đề xuất tham gia công tác quản lý địa bàn, ngại va chạm, sợ không hoàn thành nhiệm vụ được giao nên chủ yếu mới làm công tác tham mưu, tổng hợp, nghiên cứu tài liệu, báo cáo, hồ sơ vụ án, ít có cơ hội trực tiếp tham gia làm những công việc liên quan đến các mặt công tác nghiệp vụ.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là:
- Một số ít giáo viên còn nhận thức chưa đầy đủ, chưa xác định rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung và nhiệm vụ cụ thể của hoạt động luân chuyển, thực tế cũng như chưa có phương pháp nghiên cứu, tiếp cận thực tiễn phù hợp nên việc cập nhật các thông tin, tình hình thực tiễn vào phục vụ công tác giảng dạy trong nhà trường còn chưa thường xuyên.
- Lãnh đạo đơn vị, trong một số trường hợp còn chưa chủ động nắm tình hình, kiểm tra giáo viên đi luân chuyển, công tác thực tế. Việc sử dụng kết quả công tác luân chuyển, thực tế của giáo viên ở Công an các đơn vị, địa phương vào công tác giảng dạy, nghiên cứu còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng công tác luân chuyển và thực tế cho giáo viên đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường trong thời gian tới, Khoa Cảnh sát giao thông cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, cần phải nâng cao nhận thức cho giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển, thực tế; tầm quan trọng của việc vận dụng kết quả công tác luân chuyển, thực tế vào bài giảng đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy của Khoa, để các giáo viên nhận thấy được hoạt động giảng dạy và hoạt động thực tế là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Từ đó, mỗi giáo viên sẽ tự giác tích cực tham gia tốt các hoạt động luân chuyển, thực tế nhằm phát huy tính sáng tạo và năng lực của từng giáo viên trong đơn vị. Đồng thời, cần xác định rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên, đặc biệt là những nhiệm vụ cụ thể bắt buộc giáo viên phải thực hiện trong thời gian luân chuyển thực tế tại công an các đơn vị, địa phương.
Hai là, cần có kế hoạch, hình thức kiểm tra công tác luân chuyển, thực tế của giáo viên tại Công an các đơn vị địa phương. Các giáo viên trong quá trình luân chuyển, thực tế tại địa phương phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, thường xuyên với lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa về tình hình thực tế, những vấn đề phát sinh, vướng mắc, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác luân chuyển, thực tế, từ đó nhà trường phối hợp với Công an các đơn vị địa phương đưa ra những định hướng, giải pháp để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, tồn tại trong quá trình luân chuyển, thực tế của giáo viên.
Ba là, tăng cường bố trí giáo viên đi luân chuyển, thực tế tại một số đơn vị Công an đã ký kết quy chế phối hợp với Nhà trường để làm tốt công tác tổ chức, triển khai, tổng kết đánh giá kết quả luân chuyển, thực tế của giáo viên cũng như công tác quản lý cán bộ trong thời gian giáo viên đi luân chuyển, công tác thực tế.
Bốn là, các giáo viên Khoa Cảnh sát giao thông tham gia công tác luân chuyển, thực tế phải xác định rõ ý thức trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luân chuyển, thực tế. Thực hiện công tác luân chuyển, thực tế là để bổ sung kiến thức thực tế phục vụ tốt quá trình giảng dạy, từ đó định hướng có hiệu quả các công việc cần phải thực hiện trong thời gian công tác luân chuyển thực tế, cần phải xác định cụ thể lộ trình, phân chia thời gian hợp lý để thực hiện các nhiệm vụ đó, từ đó bản thân sẽ chủ động được các công việc, yêu cầu đặt ra trong thời gian luân chuyển, thực tế tại công an các đơn vị, địa phương. Trong thời gian đi luân chuyển, thực tế, giáo viên thường xuyên tham gia các hoạt động giảng dạy, báo cáo thực tế tại Trường khi có yêu cầu, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc và vai trò của giáo viên trong thời gian luân chuyển, thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương./.
Bài: Khoa CSGT
Biên tập: Loan Trần, Phòng HCTH