Đào tạo các chuyên ngành thuộc ngành Trinh sát Cảnh sát đã có quá trình hình thành và phát triển lâu dài gắn với lịch sử hình thành và phát triển hệ thống các ngành, chuyên ngành đào tạo trong Công an nhân dân. Trải qua các giai đoạn, hệ thống các chuyên ngành thuộc ngành Trinh sát Cảnh sát đã từng bước phát triển, hoàn thiện; số lượng chuyên ngành được phát triển theo hướng phù hợp với lĩnh vực nghiệp vụ tương ứng, không ngừng đáp ứng yêu cầu thực tế công tác chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
Trên cơ sở danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo trong Công an nhân dân, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các cơ sở đào tạo trước đây và Trường Cao đẳng CSND I hiện nay đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo 19 chuyên ngành thuộc 6 nhóm ngành. Riêng ngành Trinh sát Cảnh sát đã xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo 4 chuyên ngành gồm: Chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội; chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm kinh tế; chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm ma túy; chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm về môi trường. Nhìn chung, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành thuộc ngành Trinh sát Cảnh sát tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân thời gian qua đã khẳng định sự đổi mới về ngành nghề đào tạo, theo sự phát triển của hệ thống lý luận nghiệp vụ, phù hợp với tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong từng giai đoạn.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới, tinh gọn các ngành đào tạo trong các học viện, trường Cảnh sát nhân dân, ngày 27/9/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 7712/QĐ-BCA-X02 về ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo trong Công an nhân dân. Theo Danh mục trên, các trường Cảnh sát còn 05 ngành đào tạo nghiệp vụ, trong đó có Ngành Trinh sát Cảnh sát. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng, các khoa chuyên ngành nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo đối với ngành Trinh sát Cảnh sát.
Để xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an trong tình hình mới, cần quán triệt một số yêu cầu mang tính định hướng sau:
- Một là, việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát phải dựa trên cơ sở khoa học, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Do đó, cần tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể việc thực hiện chương trình đào tạo các chuyên ngành thuộc ngành Trinh sát Cảnh sát. Trong đó, cần coi trọng ý kiến phản hồi của Công an các đơn vị, địa phương sử dụng cán bộ tốt nghiệp ngành Trinh sát Cảnh sát.
- Hai là, xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát phải bảo đảm phù hợp với hệ thống lý luận nghiệp vụ tương ứng với từng ngành nghề đào tạo; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hướng bố trí lực lượng ở từng cấp Công an, trong đó chú trọng đến đối tượng đào tạo trình độ trung cấp là bố trí cho lực lượng Công an cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã).
- Ba là, xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát phải đảm bảo tính thống nhất giữa các cơ sở đào tạo; tính liên thông giữa các trình độ đào tạo; phân định mục tiêu rõ ràng giữa các bậc học. Do đó, cần tạo cầu nối giữa các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng chương trình.
- Bốn là, xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát phải đảm bảo tính cập nhật các nội dung mới, phù hợp với với các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đặt ra trong tình hình hiện nay. Chọn lọc những nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình đào tạo chuyên ngành trước đây. Đồng thời, chú ý đến các vấn đề mới trong công tác phòng, chống tội phạm, những vấn đề phát sinh tại địa bàn cơ sở.
- Năm là, xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát phải gắn với mục tiêu đào tạo cán bộ trinh sát thực hành nghề nghiệp. Do đó, ưu tiên lựa chọn nội dung, bố trí thời lượng cho khâu thực hành nghề nghiệp; tích hợp các kỹ năng mềm; định hướng khả năng thích ứng với công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ của chuyên ngành khác trong ngành Trinh sát Cảnh sát.
- Sáu là, xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát phải đi đôi với tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo Trinh sát Cảnh sát. Trong đó, cần đặc biệt chú ý trong xây dựng đội ngũ giáo viên nghiệp vụ có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, có kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu ở từng lĩnh vực nghiệp vụ. Coi trọng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống phòng học chuyên ngành, môi trường giả định phục vụ dạy học các môn học đặc thù ngành Trinh sát Cảnh sát.
Để xây dựng chương trình đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát theo yêu cầu nêu trên cần huy động trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý, nhà giáo có kinh nghiệm trong giảng dạy, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn công tác. Quá trình thực hiện cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa Cơ quan quản lý – Khoa chuyên ngành – Đơn vị thực tiễn.
Bài: TS Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng khoa Cảnh sát Kinh tế, môi trường
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH