Đối với học viên trong các Trường CAND nói chung và Trường Cao đẳng CSND I nói riêng, việc tự học là rất cần thiết, vì nó không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho học viên mà còn hình thành ở mỗi học viên năng lực tự học, thích ứng với cuộc sống ngày càng phát triển.
Học viên Nguyễn Đăng Phụng lớp B1C7BK57S trong giờ tự học tại kí túc xá
Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng, của Ngành Công an, thời gian qua, Trường Cao đẳng CSND I đã tiến hành đổi mới toàn diện công tác giáo dục – đào tạo. Học viên sau khi ra trường đều được Công an các đơn vị, địa phương đánh giá cao về ý thức, tay nghề, đáp ứng yêu cầu công tác. Kết quả học tập hàng năm đối với từng khóa học cho thấy: Tỷ lệ học viên đạt học lực loại Khá trở lên trong những năm gần đây luôn có tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước.
Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, đa số học viên nhà trường đã có nhận thức đúng đắn về vai trò, tác dụng của hoạt động tự học, có ý thức học tập, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, phấn đấu khi ra trường trở thành những chiến sĩ Công an “vừa hồng, vừa chuyên”. Học viên đã tích cực, chủ động, có thói quen tự học, có tinh thần hợp tác, thích ứng với điều kiện học tập tập trung. Nhiều học viên thường xuyên nghiên cứu đề cương chi tiết môn học, giáo trình, tài liệu, đã tự nghiên cứu hoặc thực hiện theo nhóm chuẩn bị bài trước khi lên lớp, thường xuyên học bài, làm bài tập được giao, tự nghiên cứu bài tại kí túc xá.
Tuy nhiên, không phải học viên nào cũng ý thức được vai trò quan trọng và tích cực, chủ động rèn luyện kỹ năng tự học cho bản thân. Một bộ phận học viên còn thờ ơ, mang tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”… Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, một trong số đó bắt nguồn từ việc học viên thiếu kĩ năng tự học; tính thụ động của học viên trong học tập là một trở ngại lớn trong việc chiếm lĩnh tri thức; các em chưa lập được kế hoạch; kĩ năng tìm kiếm, tổng hợp tài liệu, đọc sách còn chưa cao…
Thời gian tới, để thúc đẩy phong trào tự học, tự nghiên cứu trong học viên nhà trường, theo chúng tôi cần phải có sự phối hợp đồng bộ, cụ thể:
Thứ nhất, về phía các phòng chức năng tham mưu, quản lý
- Cần có kế hoạch nâng cao nhận thức cho học viên về vai trò, ý nghĩa của hoạt động tự học, tự nghiên cứu.
Ngay từ khi nhập học, trong thời gian sinh hoạt đầu khóa, các phòng chức năng, nhất là phòng Quản lý đào tạo, phòng Quản lý học viên cần phổ biến cho học viên hiểu rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tự học, tự nghiên cứu trong học tập, rèn luyện. Đồng thời, trong các buổi sinh hoạt tập thể, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cần dành một thời gian nhất định để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tự học.
- Phối hợp cùng các Khoa tham mưu xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý hoạt động tự học của học viên.
Quản lý hoạt động tự học là nhiệm vụ, trách nhiệm và sự hợp tác thống nhất của các bộ phận, đơn vị chức năng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường. Vì vậy, để giúp phát huy hoạt động tự học, cần thiết phải xác định cấu trúc bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, xây dựng cơ chế phối hợp hai chiều giữa các bộ phận trong quản lý hoạt động tự học của học viên góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tự học.
Thứ hai, về phía các Khoa và giáo viên
- Chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại kết hợp phương pháp hướng dẫn tự nghiên cứu trong giao nhiệm vụ, hướng dẫn học viên tự học.
Cần xây dựng đề cương chi tiết môn học một cách cụ thể, rõ ràng giúp học viên có cái nhìn tổng quát về môn học; đồng thời, nhìn vào đề cương chi tiết, học viên có thể biết phải chuẩn bị bài trước khi lên lớp, ôn tập, thi, kiểm tra nội dung gì, vào thời gian nào… Trong quá trình học tập, cần tăng cường khâu rèn luyện kĩ năng tự học, tự nghiên cứu cho học viên. Đồng thời, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh khai thác các thiết bị thông tin và truyền thông (bảng tương tác; bục giảng thông minh…), kết hợp đào tạo trực tuyến E-learning với phương pháp dạy học truyền thống; đổi mới hình thức học tập chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, giáo viên cần truyền đạt những kiến thức cốt lõi của môn học và hướng dẫn học viên phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Hiền – giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản hướng dẫn học viên tự học, tự nghiên cứu
- Đổi mới nội dung, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động tự học của học viên
Trong quá trình dạy học, ngoài đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, tổ chức các hoạt động học tập trên lớp, ngoài lớp theo tinh thần nâng cao năng lực tự học cho học viên (sử dụng giáo trình; nghe; ghi chép; tìm kiếm thông tin…); chú trọng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo tình huống nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên, rèn luyện cho học viên cách thức thu thập, xử lý, đánh giá thông tin, phương pháp tổ chức làm việc, phương pháp làm việc nhóm… Bên cạnh đó, các Khoa và giáo viên cần đề xuất đa dạng hóa các hình thức thi kết thúc học phần như vấn đáp, thực hành, trắc nghiệm…, lựa chọn hình thức thi phù hợp với đặc trưng chuyên ngành, môn học, trong đó yêu cầu của đề thi bắt buộc học viên phải tổng hợp tri thức, kĩ năng tiếp thu ở lớp và tự học để giải quyết nhằm tạo động lực cho học viên tự học.
- Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo
Mỗi thầy, cô giáo, hàng ngày qua từng bài giảng, hành động của mình đã và đang nuôi dưỡng nhân cách cho học trò. Vì vậy mỗi thầy giáo, cô giáo cần là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo cho học viên noi theo. Mỗi thầy cô cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tự học, tự rèn luyện, giữ gìn phẩm chất nhà giáo; khắc phục mọi khó khăn, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thứ ba, về phía học viên
- Học viên cần xác định “tự học là nhiệm vụ chính của mình”.
Mỗi học viên cần xác định rõ mình là người quyết định việc tự học của bản thân. Không ai quản lý, kiểm soát hoạt động tự học của bản thân bằng chính mình. Do đó, học viên cần chủ động tổ chức tốt việc học tập của mình sao cho phát huy được tính năng động, sáng tạo trong việc tiếp thu tri thức, lĩnh hội và vận dụng nó.
- Xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn
Ngay từ khi vào trường cần xác định động cơ, mục đích học tập đúng đắn. Đây là điều kiện tiên quyết để quá trình tự học đạt kết quả cao. Các mục tiêu học tập cần được xác định cho mỗi tuần, mỗi tháng và điều chỉnh cho phù hợp với bản thân. Học viên cần căn cứ vào năng lực tự học của bản thân và lượng thời gian sắp xếp để tự học, từ đó đề ra mục tiêu hợp lý.
- Thường xuyên xây dựng kế hoạch học tập và thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Nhà trường và giáo viên cần hướng dẫn học viên phân phối thời gian cụ thể, tận dụng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, học tập hợp lý để xây dựng kế hoạch cho mình.
Bài: Ngô Sỹ Nguyên, khoa Nghiệp vụ cơ bản
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH