Thứ Ba, 6/5/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

 

I. Sự cần thiết ban hành Luật

Sau gần 10 năm thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, 04 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, sơ kết 03 năm thi hành các Nghị quyết của Quốc hội vê tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng cho thấy nhìn chung tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp đã dần đi vào ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các quy định của Luật còn một số hạn chế, bất cập sau: (1) Quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền tại Luật hiện hành còn chưa phù hợp với thực tiễn và chưa bảo đảm chặt chẽ để các luật chuyên ngành quy định thống nhất, đồng bộ; (2) Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, HĐND, UBND các cấp chưa có sự phân biệt rõ theo từng cấp (tỉnh, huyện, xã) và theo đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo; (3) Cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp còn chưa tinh gọn, hoạt động có nơi còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; (4) Tổ chức của UBND các cấp còn chưa tinh gọn, hoạt động còn nặng về sự điều hành của tập thể UBND mà chưa phát huy được thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND.

Theo đó, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên; đồng thời, kịp thời thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy nhà nước là cần thiết.

II. Nguyên tắc xây dựng Luật

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 được thiết kế xây dựng trên cơ sở 03 nguyên tắc cơ bản sau đây:

1. Xây dựng Luật này là Luật chung, quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, uỷ quyền của chính quyền địa phương, làm cơ sở đề các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong các lĩnh vực cụ thể phải bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định của Luật này.

2. Tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ “điểm nghẽn về thể chế, chính sách” nhằm thực hiện được ngay các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”;“cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó”.

3. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, theo đó luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài của luật, đồng thời dự liệu các vấn đề có thể thay đổi, biến động theo từng thời kỳ phát triển của đất nước để giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định.

III. Những nội dung mới của Luật

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 gồm 07 chương, 50 điều. giảm 01 chương và 93 điều so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi là Luật năm 2015) với các điểm mới cơ bản như sau:

1. Về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền

 Luật quy định 01 chương về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, uỷ quyền giữa chính quyền địa phương các cấp với các điểm mới sau:

(1) Về nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 11): Luật quy định 07 nguyên tắc phân định thẩm quyền (khoản 2 Điều 11), trong đó có những nội dung mới như: (i) Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; (ii) Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và giữa chính quyền địa phương các cấp; (iii) Phù hợp khả năng, điều kiện thực hiện nhiêm vụ của chính quyền địa phương các cấp; cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; (iv) Thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; (v) Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Đồng thời, để khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, Luật bổ sung quy định “Chính quyền địa phương được chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc phân quyền, phần cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương” (Khoản 3 Điều 11);

(2) Về phân quyền (Điều 12): Luật quy định rõ các yêu cầu, điều kiện của việc phân quyền như: (i) Việc phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp phải được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội; (ii) Chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; (iii) Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc chính quyền địa phương các cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

(3) Về phân cấp (Điều 13): Luật quy định một số điểm mới như: (i) Quy định rõ chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp; (ii) Quy định trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp; (iii) Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan phân cấp về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; (iv) Không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình nhận phân cấp; (v) Quy định về việc điều chỉnh thủ tục hành chính trong trường hợp thực hiện phân cấp. (4) Về uy quyền (Điều 14): So với Luật năm 2015, Luật có các điểm mới sau: (i) Làm rõ và mở rộng phạm vi chủ thể ủy quyền và chủ thể nhận ủy quyền; (ii) Quy định rõ yêu cầu của việc ủy quyền (ủy quyền phải bằng văn bản của cơ quan ủy quyền; văn bản phải quy định rõ nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền); (iii) Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc ủy quyền và thực hiện nhiệm vụ ủy quyền; (iv) Quy định việc sử dụng con dấu và hình thức văn bản khi thực hiện nhiệm vụ ủy quyền, việc điều chỉnh thủ tục hành chính trong trường hợp thực hiện ủy quyền.

2. Về nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân

Thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan của chính quyền địa phương, Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính (ĐVHC) theo hướng: (i) Phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa HĐND và UBND cùng cấp; (ii) Phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch UBND; (iii) Quy định nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng khái quát, tập trung vào các lĩnh vực về tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy, biên chế, hoạt động kiểm tra, giám sát... bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Điều 11 của Luật.

3. Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân

So với Luật năm 2015, Luật đã quy định theo hướng: (1) Giữ nguyên nội dung về cơ cấu tố chức của HĐND nhưng gộp chung 01 điều (Luật năm 2015 đưa vào từng điều riêng của từng loại hình ĐVHC); (2) Quy định khái quát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại biểu HĐND (các nội dụng chi tiết về triệu tập, chủ trì phiên họp, khách mời, tài liệu, cung cấp thông tin về kỳ họp HĐND, tổ chức và hoạt động của các ban, tổ đại biểu HĐND... sẽ hướng dẫn tại Quy chế hoạt động mẫu); (3) Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật như: không quy định Chủ tịch UBND đầu nhiệm kỳ là đại biểu HĐND; bổ sung quy định về trường hợp khuyết Chủ tịch HĐND, khuyết Thường trực HĐND; bổ sung quy định về tạm đình chỉ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng, phó Ban của HĐND...

4. Về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân

So với Luật năm 2015, Luật đã quy định theo hướng: (1) Quy định khái quát cơ cấu tổ chức của UBND gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên; giao Chính phủ quy định cụ thể; (2) Khái quát các nội dung và hoạt động của UBND (các nội dụng chi tiết về triệu tập, chủ trì cuộc họp, khách mời, tài liệu, cung cấp thông tin về cuộc họp của UBND, trách nhiệm của Phó Chủ tịch và Uỷ viên UBND... sẽ hướng dẫn tại Quy chế hoạt động mẫu); (3) Quy định rõ các nội dụng UBND phải thảo luận và quyết nghị, những nội dung UBND có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND quyết định.

5. Về tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính

So với Luật năm 2015, Luật đã đổi tên chương và thứ tự của Chương II. Tổ chức ĐVHC, thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới và đổi tên ĐVHC để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Luật đã quy định một số nguyên tắc tổ chức ĐVHC, điều kiện thành lập, giải thể, nhập chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC. Bên cạnh đó, so với Luật năm 2015, Luật đã quy định theo hướng khái quát về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC và giao Chính phủ quy định cụ thể về việc xây dựng, lấy ý kiến cử tri, khảo sát, thẩm định đè án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới  ĐVHC, bảo đảm tính linh hoạt và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

6. Về điều khoản chuyển tiếp

Kế thừa quy định của Luật năm 2015, Luật tiếp tục quy định “Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các cơ quan của chính quyền địa phương tại các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định tại Luật này, bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả” (Điều 11).

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống pháp luật đang tồn tại nhiều vướng mắc, không bảo đảm tính thống nhất với các nguyên tắc tại Luật này, Luật đã quy định về điều khoản chuyên tiếp theo hướng: (i) Đối với các luật chuyên ngành chưa phù hợp với các nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, uỷ quyền tại Luật này, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, phải tiến hành rà soát và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; (ii) Để kịp thời đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất./.

Phòng Hành chính tổng hợp

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi