Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số kinh nghiệm trong giảng dạy thực hành khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông của khoa kỹ thuật hình sự

Khoa Kỹ thuật hình sự (KTHS) là một trong các đơn vị giảng dạy có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác KTHS cho Công an các đơn vị, địa phương. Việc đào tạo học viên chuyên ngành KTHS, nhất là đối với bậc trung cấp chuyên nghiệp hướng đến đào tạo cán bộ thực hành tay nghề không chỉ đòi hỏi học viên nắm vững các kiến thức cơ bản mà cần tăng cường kỹ năng thực hành tay nghề, trọng tâm là hoạt động bảo vệ và khám nghiệm hiện trường, phát hiện, thu thập dấu vết, vật chứng... phục vụ công tác công an.

Trong những năm qua, việc tổ chức giảng dạy thực hành của Khoa KTHS luôn chú trọng đến kỹ năng thực hành, góp phần thực hiện tốt các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng KTHS Công an cấp huyện, trong đó có khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại địa bàn trên cơ sở yêu cầu của các cơ quan, đơn vị theo quy định.

Khám nghiệm hiện trường vụ TNGT vừa là hoạt động nghiệp vụ mang tính đặc thù cao, vừa là hoạt động điều tra theo tố tụng đặc biệt quan trọng. Điều này xuất phát từ đặc điểm của hiện trường vụ TNGT. Hiện trường vụ TNGT thường là các địa điểm khác nhau trên các tuyến đường, nhiều vụ xảy ra ở những địa điểm phức tạp như nơi đèo dốc, trong đô thị, trên các tuyến cao tốc... gây khó khăn đối với công tác bảo vệ và khám nghiệm hiện trường. Tình huống xảy ra TNGT rất đa dạng, hiện trường dễ bị xáo trộn do tác động bởi các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khi xảy ra TNGT, việc khoanh vùng bảo vệ và khám nghiệm hiện trường thường ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, vì vậy phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác theo quy định của pháp luật. Thực tế này đòi hỏi cán bộ tham gia khám nghiệm cần được đào tạo bài bản, có kiến thức nghiệp vụ vững vàng và kỹ năng thành thạo.

Qua thực tế tổ chức giảng dạy thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT, Khoa KTHS chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, giáo viên phải có kiến thức chuyên sâu, có kỹ năng tay nghề và kinh nghiệm về khám nghiệm hiện trường.

Trong công tác giáo dục, đào tạo, đội ngũ giáo viên giữ vai trò rất quan trọng. Giáo viên Khoa KTHS đều tốt nghiệp đại học chính quy đúng ngành, chuyên ngành tại Học viện CSND, sau khi ra trường được điều động làm công tác giảng dạy. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu của công tác giảng dạy có nhiều phương pháp khác nhau như: cử giáo viên đi đào tạo ở bậc sau đại học, nâng cao tình độ nghiệp vụ sư phạm, trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc trên thực tế... Trong đó việc học hỏi, tiếp thu và lĩnh hội từ kinh nghiệm thực tế là hết sức quan trọng. Xuất phát từ thực tế đó, khoa KTHS đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để cá nhân trong đơn vị đăng ký luân chuyển, đi thực tế đến Công an các đơn vị, địa phương. Đến nay, 100% giáo viên tham gia giảng dạy thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT đã qua luân chuyển, đã trực tiếp tham gia khám nghiệm nhiều vụ TNGT trong thời gian luân chuyển, công tác thực tế. Hàng năm, giáo viên đều đi công tác thực tế, vừa góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, vừa cập nhật kiến thức mới từ thực tiễn công tác.

Buổi thi kết thúc thực tập môn học tổng hợp lớp chuyên ngành KTHS

Thứ hai, phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, bố trí hiện trường sát thực, phục vụ giảng dạy, thi, kiểm tra.

Hiện trường các vụ TNGT là hiện trường ngoài trời, trên thực tế chủ yếu xảy ra trên các tuyến giao thông, liên quan đến phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Để hoạt động giảng dạy thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT thực sự hiệu quả, việc sử dụng các trang thiết bị, phương tiện đã được trang bị có vai trò thiết yếu. Hiện tại, Khoa KTHS đã được Bộ Công an trang bị hệ thống va-ly khám nghiệm hiện trường chung và chuyên dụng cho hiện trường vụ TNGT, máy quay phim, chụp ảnh kỹ thuật số các loại, thiết bị phát hiện dấu vết... Đặc biệt, Khoa đã được trang bị hệ thống quét laser hiện trường 3D do Công ty công nghệ công nghiệp Trimble của Hoa Kỳ sản xuất, là phương tiện phù hợp và phát huy hiệu quả rất cao trong tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ TNGT.

Trong quá trình tổ chức thực hành, giáo viên chịu trách nhiệm chính và người hỗ trợ hướng dẫn thực hành phải chuẩn bị các đồ dùng, phương tiện phục vụ việc khoanh vùng, bảo vệ hiện trường (cọc tiêu, biển báo STOP, dây cảnh báo...); phương tiện phục vụ khám nghiệm hiện trường (va-ly khám nghiệm, máy ghi hình, phương tiện phát hiện, thu lượm, bảo quản dấu vết máu, sơn, dầu mỡ, đất...). Quan trọng nhất là giáo viên phải chuẩn bị phương tiện giao thông (ôtô, mô tô), mô hình nạn nhân trong vụ tai nạn (ma-nơ-canh) và tạo dựng hiện trường giả định sát thực, với các dấu vết đặc trưng của vụ TNGT trước khi hướng dẫn thực hành. Đối với các buổi tổ chức thi, kiểm tra, Khoa KTHS đều xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cho từng giáo viên trong việc chuẩn bị, bố trí hiện trường tổng hợp; phân công một lãnh đạo Khoa trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị. Trong quá trình chuẩn bị, khai thác hiện trường, yêu cầu an toàn về người, phương tiện, cháy nổ... luôn được chấp hành nghiêm chỉnh.

Tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa Khoa KTHS với Công an đơn vị, địa phương góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành

Thứ ba, giáo viên phải tổ chức giờ học khoa học, tuân thủ tuyệt đối quy trình khám nghiệm và kế hoạch hướng dẫn thực hành.

Các tình huống sử dụng trong giảng dạy thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT là những tình huống giả định xảy ra phổ biến trong thực tế. Hiện trường xảy ra các vụ TNGT liên quan trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông, tồn tại hệ thống các dấu vết đặc trưng, phổ biến và không phổ biến cho nên là hiện trường phức hợp. Bộ Công an đã ban hành Thông tư quy định về quy trình điều tra, giải quyết TNGT trong đó có quy định về khám nghiệm hiện trường với quy trình gồm các bước: Những việc làm trước khi khám nghiệm hiện trường; tiến hành khám nghiệm; lập biên bản khám nghiệm hiện trường; kết thúc khám nghiệm hiện trường vụ TNGT. Để có thể tham gia giờ học thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT, học viên phải có kiến thức tích lũy và kỹ năng bước đầu về ghi hình hình sự, dấu vết hình sự... Khoa KTHS cũng đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hành rất chi tiết, cụ thể. Các giáo viên trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn thực hành và học viên trong quá trình thực tập phải tuyệt đối quy trình khám nghiệm và kế hoạch hướng dẫn thực hành đã được ban hành. Học viên tham gia thực hành được chia thành các nhóm, có sự phân công đóng vai, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia; ngoài ra trong nhóm bố trí một thành viên ghi hình lại toàn bộ thao tác của các thành phần tham gia khám nghiệm từ đầu đến cuối giúp, là tư liệu để học viên có thể tự kiểm tra lại những việc mình đã làm và hỗ trợ cho giáo viên khi chấm thi. Đặc biệt, Khoa luôn chú ý đảm bảo vấn đề an toàn đối với người và phương tiện tham gia thực hành như: phương tiện phải được tắt máy, gài phanh trong suốt quá trình thực hành; mô tô, xe máy phải tháo hút hết xăng khỏi bình...

Thứ tư, thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong và ngoài trường, nhất là các đơn vị nghiệp vụ KTHS, CSGT trong tổ chức giảng dạy thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT.

Để đạt được mục tiêu đào tạo cần có sự phối hợp của tất cả các đơn vị chức năng trong nhà trường. Với đặc thù của hoạt động thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT diễn ra ngoài trời, cần kết hợp với dựng hiện trường mô phỏng được bố trí khu vực bảo vệ riêng. Chính vì vậy, khi học viên thực hành, kiểm tra, đánh giá nội dung khám nghiệm vụ TNGT cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để chuẩn bị phương tiện, bố trí địa điểm thực hành là các đoạn đường nội bộ ít phương tiện qua lại, đặt biển, căng dây cảnh báo từ xa, cần thiết phân công người hướng dẫn giao thông... cũng như phối hợp một cách linh hoạt trong công tác quản lý giảng dạy, quản lý học viên để vừa đảm bảo theo quy định chung, vừa hoàn thành tốt yêu cầu học tập của môn học.

Đồng thời để giúp học viên từng bước tiếp cận với thực tiễn, được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường, Khoa Kỹ thuật hình sự đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị thực tế trong giảng dạy, thực hiện một số nội dung cụ thể như: Mời báo cáo viên, giáo viên thỉnh giảng là những cán bộ KTHS, CSGT tham gia khám nghiệm lâu năm, giàu kinh nghiệm trực tiếp tham gia hoạt động giảng dạy. Trong đó có chú trọng đến nội dung giảng dạy thực hành khám nghiệm hiện trường vụ TNGT. Quá trình giảng dạy, Khoa Kỹ thuật hình sự đã trao đổi, đề nghị các đơn vị thực tế hỗ trợ phương tiện, phòng thực hành cho học viên khi nhà trường có nhu cầu. Việc hỗ trợ này có tác động rất tích cực đến nhận thức và kỹ năng thực hành của học viên. Khi được quan sát hoặc trực tiếp thao tác trên các phương tiện này không chỉ giúp học viên dần làm quen mà còn tăng sự hứng thú, tạo động lực để học viên lĩnh hội kiến thức, nhận thức cụ thể hơn về nội dung công tác sau này.

Bài: Khoa Kỹ thuật hình sự

Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi