Hội giảng là hoạt động đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo của mỗi nhà trường. Thông qua Hội giảng, các thầy giáo, cô giáo thể hiện được sự đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học viên, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động giảng dạy
Đây là dịp để đội ngũ giáo viên nhà trường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tích lũy các tiêu chí để xét danh hiệu dạy giỏi và các chức danh giảng dạy. Trên cơ sở kết quả Hội giảng, nhà trường sẽ lựa chọn, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng những điển hình tiên tiến để tạo động lực thi đua, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.
Đồng chí Thượng uý Cao Xuân Hiệp - giáo viên Khoa NVCB tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Trường, năm 2020-2021
Là một trong 14 đơn vị thực hiện chức năng giảng dạy, Khoa Nghiệp vụ cơ bản luôn được đánh giá là một trong những đơn vị mạnh trong hoạt động dạy giỏi, nhất là trong tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Bộ, cấp Trường. Thống kê từ năm học 2015-2016 đến nay, Khoa Nghiệp vụ cơ bản có: 24 lượt giáo viên tham gia Hội giảng cấp Trường, cấp Bộ, trong đó đạt 01 giải Nhì cấp Bộ; 01 giải Nhất, 09 giải Nhì, 11 giải Ba cấp Trường; 02 giải Ba tập thể. Các giáo viên của Khoa tham gia Hội giảng đều được lựa chọn và bồi dưỡng về chuyên môn, phương pháp. Nhờ vậy, nội dung tham gia Hội giảng của giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản luôn được Hội đồng đánh giá cao. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của mỗi giáo viên thì không thể không nhắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị, sự đồng lòng, đoàn kết của tập thể giáo viên - một người đi thi như cả khoa đi thi.
Nhìn chung, để nội dung tham gia Hội giảng thành công là sự kết hợp của các yếu tố “thiên – địa – nhân”. Từ kết quả đạt được trong tham gia Hội giảng của giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản và thực tế của bản thân, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
Một là, chuẩn bị thật tốt giáo án
Đây là yếu tố “đầu vào” quyết định đến hiệu quả và sự thành công của giờ giảng. Muốn soạn được một giáo án có chất lượng phải nắm chắc bố cục của một giáo án bài giảng nghiệp vụ. Nắm chắc nội dung kiến thức của bài học để xác định đúng mục đích, yêu cầu của bài và xác định đúng kiến thức trọng tâm. Nguồn tư liệu thông tin phong phú đối với mỗi bài giảng rất cần thiết. Thông tin thu thập phải mới, có trích dẫn rõ ràng hoặc những thông tin cũ những phải thực sự điển hình. Cần cài đặt thông tin vào bài giảng hợp lý, logic thì giá trị sử dụng thông tin mới mang tính khoa học và hiệu quả.
Hai là, chú trọng đầu tư đổi mới phương pháp giảng dạy
Phương pháp giảng dạy ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả của một tiết học, do đó, cần dự kiến các phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung kiến thức từng phần thể hiện trong lúc soạn giáo án. Xác định rõ phương pháp phải linh hoạt trong lúc kết hợp các phương pháp để thể hiện từng phần hay toàn bài giảng, giáo viên sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Việc sử dụng các phương pháp vấn đáp, tạo tình huống, thảo luận nhóm để lôi cuốn và phát huy tính chủ động của học viên là rất cần thiết. Các phương pháp cần được vận dụng uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với nội dung, đối tượng, điều kiện và quy mô lớp học nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy học. Rất cần quan tâm những tính huống đột nhiên có khả năng xuất hiện. Người học cảm thấy tình huống đó tới một cách tự nhiên và tự giác nhận thức vấn đề là một biện pháp độc lập, đồng thời có liên kết tương hỗ với các biện pháp khác như chuyển tiếp các phần lôi cuốn báo hiệu lí do của vấn đề cần giải quyết. Với những tình huống đã thiết kế, giáo viên cần chuẩn bị sẵn phương án xử lý hiệu quả và sáng tạo. Việc xử lý tình huống hiệu quả phụ thuộc kỹ năng thiết kế tình huống có vấn đề của mỗi giáo viên. Với những tình huống nảy sinh ngay trong thực tế khi hoạt động dạy học đang diễn ra, giáo viên cần sự chuẩn bị ứng phó hiệu quả và sáng tạo trong giảng dạy, trong đó chú ý khai thác tình huống: người học trả lời sai hoặc lạc hướng chủ đề bài học.
Ba là, khai thác, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại
Phương tiện dạy học có vai trò rất quan trọng đối với thành công của mỗi bài giảng nhưng nó có thể trở thành "phản tác dụng" nếu giáo viên quá lạm dụng hoặc không đủ kỹ năng cần thiết. Để phát huy vai trò của phương tiện dạy học, giáo viên nên đầu tư thời gian chuẩn bị những hình ảnh, đoạn video phù hợp để giúp cho bài giảng thêm sinh động, lôi cuốn. Tác dụng của thiết bị nghe nhìn chỉ được phát huy khi giảng bài hay dùng phương pháp vấn đáp, giải thích nhằm gợi mở nêu dẫn chứng bằng hình ảnh, mô hình nhằm củng cố khắc sâu kiến thức cho học viên. Nếu lạm dụng hoặc thiếu sự chọn lọc hình ảnh sẽ gây nhiễu loạn cho quá trình lĩnh hội kiến thức. Giáo viên phải biết chắt lọc, cô đọng kiến thức trên các slide đảm bảo súc tích, ngắn gọn nhưng vẫn thể hiện được nội dung cơ bản. Nếu thể hiện nội dung bài giảng bằng sơ đồ hóa dưới dạng bảng biểu thì hiệu quả ghi nhớ của học viên sẽ tốt hơn. Tránh đưa nhiều chữ vào một slide, nên lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền phù hợp cho các slide. Giáo viên cần nắm vững kỹ thuật sử dụng phần mềm Powerpoint, Bảng thông minh để chủ động tự tin trong thao tác sử dụng máy chiếu và tự xử lý những sự cố cần thiết.
Bốn là, tăng cường giao tiếp trực tiếp giữa giáo viên và học viên
Đây là yếu tố quyết định trực tiếp sự thành công hay thất bại của bài giảng. Khi giảng bài, giáo viên phải trình bày với ngôn ngữ nói rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo chuẩn tiếng phổ thông, không sai lỗi chính tả, phải thể hiện cường độ, cao độ bằng âm thanh, chọn vị trí nhấn giọng trong mỗi câu, tránh âm lượng đều đều khi giảng. Giọng nói phải thể hiện ngọn lửa nhiệt tình, sự tâm huyết và thái độ tôn trọng đối với học viên. Ngôn ngữ viết phải rõ ràng, khoa học, mang tính thẩm mỹ trong việc trình bày bảng, không nên viết tắt quá nhiều. Một điều không kém phần quan trọng là sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong giảng bài như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, hành vi, điệu bộ, cách đi đứng... Giáo viên phải khéo léo biểu lộ cảm xúc, thái độ nhiệt tình, vui vẻ, phấn khởi hài lòng, thân thiện tạo được sự thoải mái với học viên, thể hiện ở khả năng bao quát lớp, tư thế tác phong trong giờ giảng thì kết quả bài giảng sẽ tốt hơn và ngược lại.
Đồng chí Thượng tá, TS Nguyễn Văn Tình - Trưởng khoa NVCB cùng 02 giáo viên của Khoa tại Lễ Khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Trường, năm học 2021-2022
Năm học 2021-2022, Khoa có 02 giáo viên tham gia Hội giảng cấp Trường. Chúng tôi tin tưởng, với kinh nghiệm tham gia các lần Hội giảng, giáo viên Khoa nghiệp vụ cơ bản sẽ tiếp tục phát huy “truyền thống”, tiếp tục đạt được thành tích cao trong Hội thi năm nay.
Bài: Ngô Sỹ Nguyên, Khoa Nghiệp vụ cơ bản
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH