Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy thực hành các môn học kỹ thuật hình sự

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW và các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Công an, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói chung, Khoa Kỹ thuật hình sự nói riêng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa các hoạt động nhận thức của học viên, học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tiễn.

Khoa Kỹ thuật hình sự tổ chức các chương trình toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo chuyên ngành của đơn vị

Kỹ thuật hình sự là một ngành đào tạo độc lập trong hệ thống các ngành đào tạo của lực lượng Cảnh sát nhân dân; đào tạo đa lĩnh vực, có trách nhiệm giúp Ban Giám hiệu tổ chức đào tạo cán bộ KTHS bậc Trung cấp CSND theo chương trình đào tạo của Bộ Công an; tổ chức nghiên cứu khoa học; quản lý đội ngũ cán bộ giảng dạy; tham gia công tác quản lý, giáo dục học viên theo quy định; thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác về đào tạo của Bộ Công an và của Trường Cao đẳng CSND I.

Về chương trình đào tạo, bắt đầu từ năm 2010 Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I được Bộ Công an giao đào tạo học viên chuyên ngành KTHS ở bậc Cao đẳng và Trung cấp. Để phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo cho nhiều hệ học, lớp học trong và ngoài nhà trường, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng CSND I, Cấp uỷ và lãnh đạo Khoa KTHS đã tập trung xây dựng và hoàn thiện chương trình khung, giáo trình môn học, tài liệu chuyên khảo, tài liệu tham khảo, hệ thống câu hỏi, bài tập cho từng môn học, hệ học đảm bảo hệ thống tài liệu đầy đủ, phong phú, cập nhật được với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như thực tiễn công tác. Hiện nay chương trình, nội dung và phương pháp học tập cho từng khóa học, hệ học về KTHS đã được hoàn thiện và đảm bảo chất lượng tốt cho công tác đào tạo học viên trong tình hình mới. Đồng thời không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, sử dụng phương tiện thực hành, nâng cao chất lượng giảng dạy học tập.

Đồng chí Trung tá Vũ Duy Long, Trưởng khoa Kỹ thuật hình sự báo cáo nghiệm thu chương trình môn học do Khoa biên soạn

Về thực trạng đội ngũ giáo viên: Giảng dạy KTHS vẫn là một lĩnh vực mang tính chuyên sâu, với đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, hiện tại khoa đã cử giáo viên đi luân chuyển công tác thực tế với thời gian 02 năm tại Phòng KTHS Công an thành phố Hà Nội và các phòng chức năng tại Viện Khoa học hình sự  - Bộ Công an giúp cho giáo viên tiếp cận thực tế công tác tại Công an các địa phương, nâng cao kỹ năng thực hành phục vụ cho quá trình giảng dạy cho học viên khi về trường. Tuy nhiên, đặc điểm của công tác KTHS rất đa dạng và phong phú, liên quan tới nhiều loại dấu vết khác nhau đặc biệt là các chất hóa học và các loại độc chất mà hiện tại Khoa chưa có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực này nên trong quá trình giảng dạy vẫn phải mời báo cáo thực tế hoặc cho học viên đi tham quan, kiến tập.

Về cơ sở vật chất: Khoa KTHS được thành lập từ tháng 5/2010, khi mới được thành lập do điều kiện của nhà trường còn nhiều khó khăn nên chưa có đầy đủ phương tiện để phục vụ cho học viên thực hành. Đến nay, được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường Khoa KTHS đã được trang bị 01 khu giảng dạy lý thuyết kết hợp thực hành các nội dung thuộc chuyên ngành đào tạo  và được trang bị rất nhiều những phương tiện phục vụ giảng dạy thực hành. Với cơ sở vật chất và hệ thống phương tiện nêu trên cũng đã cơ bản đáp ứng được phần nào yêu cầu giảng dạy các nội dung thực hành. Tuy nhiên, các phòng hướng dẫn sinh viên thực hành chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên cũng gây ra không ít khó khăn trong công tác giảng dạy. Ngoài ra hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, đề tài chuyên sâu về lĩnh vực này tại tư liệu còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của học viên.

Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác đào tạo học viên chuyên ngành KTHS những năm qua cũng còn bộc lộ một số bất cập như: Nội dung, chương trình đào tạo KTHS chậm được cập nhật, đặc biệt đối với các lĩnh vực KTHS mới như: Dấu vết sinh học, dấu vết kỹ thuật số và điện tử, kỹ thuật phòng chống tội phạm...; hệ thống phương tiện phục vụ giảng dạy thực hành được trang bị mới còn ít, chưa đầy đủ, nhiều phương tiện đã lạc hậu; sự phối hợp trong công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học với các đơn vị thực tế... chưa nhiều. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và kỹ năng tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường có người chết của học viên khi về địa phương công tác. 

Trên cơ sở phân tích thực trạng giảng dạy thực hành các môn học chuyên ngành KTHS, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác cho học viên khi ra trường, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy thực hành các môn học thuộc chuyên ngành KTHS như sau:

Thứ nhất, xây dựng chương trình giảng dạy thuộc chuyên ngành KTHS hợp lý. Đối với chuyên ngành KTHS cần phải nâng thời lượng giảng dạy và nhất là phải tăng thời lượng thực hành cho học viên. Với thời lượng dạy thực hành còn ít, giáo viên không thể xây dựng được nhiều tình huống thực hành cho học viên và chủ yếu là tổ chức thực hành theo nhóm nên trong quá trình thực hành một số học viên chưa được thao tác đầy đủ quy trình các quy trình công tác trên thực tế. Đây là hạn chế rất lớn bởi không chú trọng rèn luyện kỹ năng, tay nghề cho học viên thì khi tốt nghiệp ra trường có thể dẫn đến việc học viên thao tác sai, bỏ sót lọt dấu vết vật chứng, đánh giá dấu vết, vật chứng chưa đầy đủ, khách quan... gây khó khăn trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, Khoa KTHS cũng cần xây dựng hệ thống tình huống thực hành đa dạng, phù hợp với công tác thực tiễn. Tiến hành đối mới hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với hình thức, chương trình đào tạo. trong đó nên chú trọng đánh giá kỹ năng thực hành của học viên.

Thứ hai, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiện toàn đội ngũ giáo viên. Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên được đi học, bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Hàng năm Khoa cần chủ động liên hệ, đề xuất cử giáo viên tham dự các lớp tập huấn tại Viện Khoa học hình sự. Ngoài ra phải tạo điều kiện cho giáo viên dạy nội dung này đi thực tế một cách thường xuyên, trực tiếp làm công tác thực tế để tự nâng cao tay nghề và năng lực thực tiễn, có như vậy giáo viên mới nâng cao được năng lực hướng dẫn thực hành cho học viên.

Thứ ba, tăng cường trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ thực hành các môn học thuộc chuyên ngành KTHS. Hệ thống phương tiện được trang bị hiện nay đã cũ, nhiều phương tiện đã hỏng hóc, mất mát, các loại hóa chất đã hỏng không thể sử dụng được. Khoa KTHS phải chủ động nghiên cứu, đề xuất trang bị những trang thiết bị cần thiết cho quá trình thực hành của học viên, xây dựng phòng học thực hành theo hường chuyên sâu đối với từng loại hiện trường, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện cho học viên thực hành. Ngoài ra nhà trường cần trang bị thêm hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, đề tài khoa học thuộc lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của học viên.

Thứ tư, Nhà trường cần tăng cường mối quan hệ phối hợp với các đơn vị làm công tác thực tiễn như Viện Khoa học hình sự, một số phòng KTHS Công an các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa... Sự phối hợp với các đơn vị này là rất quan trọng để có thể tổ chức cho học viên tham quan, kiến tập, thực hành, thực tập, nghe báo cáo thực tế về công tác KTHS, giúp học viên có thể gắn lý luận với thực tiễn nâng cao kỹ năng cho cả giáo viên và học viên. Sự phối hợp cần toàn diện cả về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trang thiết bị phục vụ quá trình thực hành của học viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ KTHS đáp ứng nhu cầu công tác thực tiễn trong giai đoạn hiện nay./.

Bài: Khoa Kỹ thuật hình sự

Biên tập: Loan Trần, Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi