Nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo; phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND; ngày 30/6/2020, Trường Cao đẳng CSND I ban hành Quyết định số 1029/QĐ-T09-P4 về việc Ban hành Quy định lấy ý kiến phản hồi đối với hoạt động giáo dục, đào tạo của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Trong đó nội dung Lấy ý kiến phản hồi của học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên sau khi kết thúc học phần, môn học là một trong những nội dung quan trọng của Quy định.
Việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giáo viên được hình thành từ rất sớm và phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đây là hình thức được sử dụng phổ biến và thường xuyên trong giáo dục đại học của Hoa Kỳ, các nước Châu Âu và một số nước Châu Á có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, Singgapo, Thái Lan ... Không chỉ là một hình thức mang tính tự nguyện, việc thu thập ý kiến từ người học về hoạt động giảng dạy của giáo viên, hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường … từ lâu đã trở thành một quy định bắt buộc tại nhiều trường trên thế giới.
Học viên nhà trường tham gia lấy ý kiến phàn hổi về hoạt động giảng dạy của giáo viên nhà trường
Ý kiến phản hồi của học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên tại Trường Cao đẳng CSND I được đánh giá trên 8 tiêu chí: Thực hiện các nội dung kiến thức trong giảng dạy, chương trình giáo dục, mức độ phù hợp của nội dung giáo dục với chuẩn đầu ra môn học; sử dụng các phương tiện dạy học; phương pháp giảng dạy của giáo viên; hoạt động thi, kiểm tra đánh giá; Thực hiện quy chế, quy trình trong giảng dạy; phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong sư phạm và việc chấp hành điều lệnh CAND của giáo viên khi lên lớp; kiến nghị, đề xuất; các nội dung khác.
Hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của học viên mang lại nhiều ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường:
Đối với Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị: Kết quả thu được từ hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên là kênh thông tin tham khảo quan trọng giúp lãnh đạo nhà trường thêm cơ sở tin cậy để nhận xét, đánh giá giáo viên, từ đó có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, phát huy các mặt tích cực, khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Đối với giáo viên: Hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học đã có tác dụng thay đổi tư duy của giáo viên trong quá trình giảng dạy; xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa thầy với trò; bản thân mỗi giáo viên từ phản hồi của học viên đã biết được mình có ưu điểm gì, còn những hạn chế gì để tự điều chỉnh; nhận thức của đội ngũ giáo viên trong việc nâng cao trình độ chuyên môn được chú trọng hơn; nâng cao tình thần, trách nhiệm của giáo viên trong giảng dạy.
Đối với học viên: Bước đầu đã đem lại thay đổi trong nhận thức của học viên, học viên thấy được vai trò của mình trong quá trình học tập, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân; tạo điều kiện cho học viên được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến của mình về hoạt động giảng dạy của giáo viên.
Nhận thấy việc lấy ý kiến phản hồi từ người học nếu được thực hiện nghiêm túc, bài bản sẽ mang lại ý nghĩa to lớn đối với hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường. Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo là đơn vị chủ trì đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện quy định lấy kiến phản hồi đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trong các Học viện, Trường Công an nhân dân và kinh nghiệm của các trường trong và ngoài ngành để triển khai hoạt động này được thiết thực và hiệu quả.
Cho đến nay, việc lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên nhà trường đã đạt được một số kết quả nhất định sau:
- Kết quả khảo sát đã đánh giá toàn diện và khách quan về hoạt động giảng dạy của giáo viên theo 8 tiêu chí tại thời điểm kết thúc năm học 2020 – 2021.
- Năm học 2020 – 2021 lấy ý kiến 21.627 học viên đối với 215 giáo viên
Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa của hoạt động lấy ý kiến phản hồi của học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế:
Thứ nhất, do chưa có phần mềm chuyên dụng nên quá trình xử lý và khai thác dữ liệu vẫn còn mất thời gian và mắc sai sót nhỏ.
Thứ hai, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số trường hợp học viên đang ở trong khu cách ly nên dẫn đến khó khăn trong việc đưa phiếu và lấy kết quả ý kiến phản hồi.
Thứ ba, một số cá nhân chưa nắm rõ ý nghĩa, mục đích, lợi ích của hoạt động lấy ý kiến phản hồi dẫn đến làm giảm tốc độ thu thập kết quả của hoạt động.
Để khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên, thời gian tới nhà trường cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng cho đội ngũ giáo viên, học viên về ý nghĩa, mục đích và lợi ích từ hoạt động lấy ý kiến phản hồi mang lại. Giáo viên phải nhận thức được rằng hoạt động này không phải để làm khó giáo viên, hay phê bình, chỉ trích giáo viên mà là một cách để thu được thông tin khách quan, trung thực nhất về hoạt động nghề nghiệp của họ, từ đó giúp giáo viên có sự điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng giảng dạy. Học viên cũng cần quán triệt quan điểm "tôn sư trọng đạo" khi đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá của mình, việc khen ngợi hay phê bình của học viên phải đúng mực, chính xác, công bằng, không để bị chi phối bởi tình cảm và định kiến chủ quan.
Thứ hai: Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện mẫu phiếu lấy ý kiến để phiếu lấy kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên ngày càng khoa học, phù hợp, đúng quy định trở thành công cụ đánh giá chính xác và đem lại hiệu quả cao.
Thứ ba: Tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên 01 năm/lần. Có sự so sánh, đánh giá kết quả qua từng năm để nhận thấy sự thay đổi theo hướng tích cực hay tiêu cực đối với từng giáo viên để có biện pháp khen thưởng, xử lý phù hợp.
Thứ tư: Kết quả phản hồi từ học viên phải được tổng hợp xử lý khoa học, đảm bảo chính xác, khách quan, bảo mật. Có chế tài để kiểm soát sự điều chỉnh hoạt động giảng dạy của giáo viên sau khi được học viên góp ý.
Thứ năm: Khẩn trương hoàn thiện và đề xuất đưa vào khai thác phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác khảo sát và xử lý dữ liệu được nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Thứ sáu: Gắn kết quả phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên với các tiêu chí thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, nhà trường cần nghiên cứu, xem xét xây dựng quy định khen thưởng đối với các giáo viên có nhiều năm liền được học viên đánh giá tốt, cũng như cơ chế xử lý đối với các giáo viên nhiều năm liền học viên đánh giá chưa tốt mà không có biện pháp khắc phục, sửa chữa.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục đào tạo, để xây dựng nhà trường ngày càng chất lượng trong giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tế công tác của ngành và các đơn vị địa phương cần sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp trong đó hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên là một nội dung quan trọng, thiết thực góp phần có hiệu quả hoạt động đổi mới giáo dục đào tạo tại Trường Cao đẳng CSND I trong giai đoạn mới hiện nay.
Thượng tá Đồng Thị Hồng Nhung
Trưởng Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo