Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kiểm tra hồ sơ bài giảng của giáo viên phục vụ hoạt động dạy học năm học 2022-2023

Năm học 2022-2023, Trường Cao đẳng CSND I tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA, ngày 28/10/2014  của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13/CT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, hướng dẫn học viên cách tiếp cận, giải quyết vấn đề, kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy học và nghiên cứu khoa học, giữa lý luận và thực tiễn, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho học viên. Do đó, các Khoa đã thường xuyên, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, trong đó có các nội dung như: Chuẩn bị hồ sơ, bài giảng, đào tạo; bồi dưỡng giáo viên, tăng cường sử dụng khoa học công nghệ trong việc giảng dạy; bố trí giáo viên thực tế và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường. Trong đó, việc chuẩn bị hồ sơ bài giảng luôn được Cấp ủy, lãnh đạo và giáo viên các Khoa đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, bởi đây là nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức dạy học.

Nhằm tiếp tục phát huy những điểm mạnh đã đạt được, nhân rộng, phổ biến cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc chuẩn bị hồ sơ bài giảng phục vụ dạy học; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế. Thực hiện Kế hoạch số 1727/KH-T09-P3 ngày 22/9/2022 về việc kiểm tra công tác giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023 của Nhà trường, phòng Quản lý đào tạo là đơn vị thường trực đã phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng của giáo viên.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Phó Trưởng phòng QLĐT kiểm tra hồ sơ giáo án của giáo viên Khoa QLHC về TTXH trên giảng đường.

Nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra việc xây dựng hồ sơ bài giảng của giáo viên tại các Khoa và kiểm tra hồ sơ bài giảng của giáo viên trên giảng đường theo quy định tại Thông tư 37/2019/TT-BCA, ngày 19/9/2019 của Bộ Công an quy định về dạy giỏi trong học viện, trường đại học, trung cấp trong Công an nhân dân và Hướng dẫn số 1598/HD-T09-P3, ngày 18/9/2020 của Trường Cao đẳng CSND I về việc lập hồ sơ bài giảng. Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã nhận được sự phối hợp nhiệt tình của lãnh đạo, giáo viên các khoa. Trong thời gian làm việc, đoàn kiểm tra triển khai hoạt động với thái độ nghiêm túc, lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến góp ý, đồng thời chỉ ra những điểm còn hạn chế cũng như hướng dẫn để các Khoa thống nhất thực hiện trong công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng.

Đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra tất cả các Khoa và một số giáo viên lên lớp, cụ thể: đã tổ chức 15 lượt kiểm tra đối với 15 khoa trong Nhà trường. Trong thành phần đoàn kiểm tra có lãnh đạo phòng Quản lý đào tạo, lãnh đạo phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo; lãnh đạo, giáo viên các khoa tham gia kiểm tra chéo với mục đích giúp các khoa kịp thời phát hiện những điểm còn tồn tại trong công tác chuẩn bị hồ sơ. Song song với việc kiểm tra công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng tại các khoa, đoàn kiểm tra tiến hành 23 đợt kiểm tra đột xuất hồ sơ bài giảng của giáo viên trên giảng đường. Tập trung kiểm tra hồ sơ, giáo án lên lớp của giáo viên, bao gồm: Tập 1 (Quyết định thành lập hồ sơ bài giảng; quyết định giao bài); tập 3 (Hệ thống kế hoạch thực hiện bài giảng); tập 4 (Hệ thống giáo án và đề cương bài giảng); tập 6 (Hệ thống câu hỏi lý thuyết, hệ thống bài tập và đáp án dùng để xêmina, thảo luận, hướng dẫn thực hành, làm bài tập); đối với những lớp học có lịch kiểm tra định kỳ, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thêm tập 7 (Hệ thống câu hỏi và đáp án dùng cho thi, kiểm tra).

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Phó Trưởng phòng QLĐT, Phó Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng của giáo viên. 

Qua đợt kiểm tra, công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng của giáo viên phục vụ dạy học có những ưu điểm nổi bật như: Giáo viên các khoa đã chủ động xây dựng hệ thống giáo án điện tử phục vụ hoạt động giảng dạy; một số khoa như khoa Cảnh sát hình sự, khoa Cảnh sát kinh tế và môi trường, khoa Luật… đã xây dựng hệ thống dữ liệu, tủ sách tham khảo phục vụ hữu ích cho hoạt động nghiên cứu và học tập của giáo viên trong khoa; lãnh đạo các khoa đã tập trung kiểm soát, phê duyệt nội dung hệ thống các kế hoạch thực hiện bài giảng, hệ thống giáo án, hệ thống câu hỏi lý thuyết, hệ thống bài tập, hệ thống câu hỏi và đáp án dùng cho thi, kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra trên giảng đường, giáo viên chấp hành tốt các nội quy, quy định của Nhà trường trong hoạt động giảng dạy, thực hiện đúng tiến độ giảng dạy theo lịch dạy học được ban hành.

Bên cạnh đó, trong công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Thể thức trình bày văn bản trong tập hồ sơ bài giảng chưa đúng, chưa thống nhất cách trình bày giữa giáo viên trong cùng một khoa và giữa các khoa với nhau; một số tập hồ sơ chưa có bảng thống kê danh mục tài liệu gây khó khăn cho công tác nghiên cứu hồ sơ bài giảng; tập 3, tập 5 và tập 8 chưa được cập nhật theo quy định của Thông tư. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra tại giảng đường, đoàn kiểm tra cũng đã kịp thời chấn chỉnh một số giáo viên chưa mang đủ hồ sơ giáo án lên lớp.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học nói chung và công tác chuẩn bị hồ sơ bài giảng nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Căn cứ kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra, phòng Quản lý đào tạo kiến nghị như sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị,  Khoa thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Công an và Nhà trường về việc lập hồ sơ bài giảng.

Hai là, Cấp ủy, lãnh đạo các Khoa giáo dục nâng cao nhận thức của giáo viên, tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc giáo viên của đơn vị nghiêm túc việc lập hồ sơ bài giảng.

Ba là, Nhà trường tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác lập hồ sơ bài giảng, biên soạn giáo án phục vụ giảng dạy.

Bốn là, giáo viên các Khoa chủ động đổi mới phương pháp dạy học, thường xuyên cập nhật tình hình thực tiễn các mặt công tác vào hồ sơ, bài giảng. Thường xuyên trau dồi, học hỏi kinh nghiệm xây dựng hồ sơ bài giảng với các giáo viên, đơn vị khác.

Năm là, các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra dạy và học nhằm kịp thời nhân rộng điển hình, các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc lập hồ sơ, bài giảng, đồng thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót và đưa ra các kiến nghị, đề xuất góp phần đổi mới công tác này trong thời gian tới.

Bài: Phòng Quản lý đào tạo

Biên tập: Loan Trần

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi