Mặc dù năm học 2020 - 2021 là một năm nhà trường và đơn vị gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đến công tác tổ chức đào tạo của nhà trường cũng như của đơn vị. Nhưng với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, sự phối hợp có hiệu quả của các đơn vị chức năng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị, năm học 2020 - 2021, Khoa Luật đã phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, thể hiện trên các nội dung như:
Về công tác giảng dạy: đảm bảo đúng nội dung, chương trình, kế hoạch và tiến độ dạy học đối với các lớp, các hệ học, trong đó đã giảng dạy 88 lượt lớp học viên hệ trung cấp K56, K57, 19 lớp bồi dưỡng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã cho Công an các địa phương, tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối tượng 4…
Về công tác nghiên cứu khoa học: Đơn vị luôn tích cực, chủ động trong hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Trong năm học, đơn vị đã hoàn thành biên soạn 06 giáo trình, tài liệu dạy học; 01 chuyên đề lý luận khoa học cấp Tiểu ban; 05 sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc; 12 ngân hàng câu hỏi thi, đề thi; tham gia biên soạn sách giáo khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh THPT đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên trong đơn vị đã có hơn 60 bài viết được đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học các cấp.
Về tham gia phong trào dạy giỏi: Trong năm học 2020 - 2021, đơn vị có 10 giáo viên được công nhận đạt bài dạy giỏi cấp trường, trong đó có 05 đồng chí được công nhận thông qua tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi. Kết thúc năm học, đơn vị có 02 giáo viên đủ điều kiện đề nghị xét công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ, 04 giáo viên đủ điều kiện đề nghị xét công nhận đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Các đồng chí giáo viên Khoa Luật
tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020 – 2021
Về công tác tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi: Thực hiện kế hoạch của nhà trường, đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu tổ chức thành công Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Thi hành án hình sự năm 2018; tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường: “Đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá các môn pháp luật tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I” và tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu các văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và phòng, chống người chưa thành niên phạm tội cho toàn thể học viên nhà trường.
Về kết quả tham gia các cuộc thi: Giáo viên Khoa Luật luôn tích cực, chủ động tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi do nhà trường, Bộ Công an tổ chức, như: Cuộc thi viết tìm hiểu 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam; cuộc thi viết tìm hiểu 75 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân; Cuộc thi viết Đại sứ văn hoá đọc; Cuộc thi viết Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ Công an Trung ương…
Đồng chí Trung tá Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng khoa Luật nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội XIII phục vụ công tác triển khai, tổ chức thực hiện tại đơn vị và tham gia cuộc thi Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Có thể khẳng định, qua một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ I của Đảng bộ nhà trường, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng, sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể đơn vị, năm học 2020 - 2021 Khoa Luật đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác đề ra, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình Khoa Luật thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao cũng còn có những khó khăn nhất định, như:
- Do còn kế thừa và thực hiện chương trình đào tạo từ các cơ sở đào tạo trước khi sáp nhập, nên nội dung chương trình các môn pháp luật chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các chuyên ngành đào tạo; thời lượng giảng dạy còn ít trong khi mục tiêu đào tạo đặt ra rất cao, đặc biệt là với môn Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự (giảm từ 90 tiết – 120 tiết xuống còn 30 tiết).
- Hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học còn nhiều hạn chế: Hiện mới chỉ có 02 giáo trình dùng chung do Bộ Công an ban hành, tuy nhiên lại không phải là giáo trình chính phục vụ giảng dạy; các giáo trình của các cơ sở đào tạo trước khi sáp nhập tuy nhiều nhưng chưa đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình lựa chọn, nghiên cứu; tài liệu dạy học, tham khảo các môn pháp luật tuy nhiều nhưng chưa gắn sát với chương trình đào tạo trình độ trung cấp Cảnh sát nhân dân.
- Các phương pháp giảng dạy mặc dù đã được giáo viên chú trọng, quan tâm trong quá trình lên lớp, song do những hoàn cảnh khách quan và chủ quan khác nhau nên vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
- Số lượng giáo viên đông trong khi số lớp học viên không nhiều nên việc hoàn thành định mức giờ giảng năm học của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do số lượng giáo trình, tài liệu dạy học được xét duyệt biên soạn mới hàng năm không nhiều, việc liên hệ viết và đăng bài trên tạp chí khoa học còn gặp nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan khác nhau dẫn đến giáo viên gặp nhiều khó khăn khi hoàn thành các tiêu chí khoa học để xét chức danh giảng dạy, danh hiệu dạy giỏi năm học….
Bước sang năm học 2021 - 2022, chúng ta đang tiếp tục đứng trước những thách thức của đại dịch Covid-19; sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, đồng thời là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ Công an Trung ương, trong đó trọng tâm là thực hiện mục tiêu “xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030”. Để phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm học 2021 – 2022, thời gian tới, Cấp uỷ, Lãnh đạo Khoa Luật sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất trong đơn vị và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy đối với các môn pháp luật, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường đối với công tác giáo dục đào tạo. Đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, đặc biệt là trong công tác tham mưu, triển khai công tác đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn pháp luật.
Hai là, tiến hành rà soát lại toàn bộ nội dung chương trình các môn pháp luật, căn cứ vào mục tiêu, đối tượng đào tạo và yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác để đề xuất chỉnh lý, bổ sung đảm bảo tính liên thông và phân tầng kiến thức giữa các trình độ đào tạo. Việc chỉnh lý, bổ sung nội dung chương trình cần theo hướng tăng thời lượng giảng dạy các môn pháp luật, đảm bảo đủ thời gian để giới thiệu, phân tích những kiến thức pháp luật từ cơ bản đến chuyên sâu giúp học viên hiểu và vận dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Ba là, triển khai biên soạn, chỉnh lý các giáo trình, tài liệu dạy học đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Giáo trình, tài liệu biên soạn phải đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, đúng quy định. Nội dung phải đảm bảo tính cập nhật mới các văn bản pháp luật, qua đó giúp cán bộ, giáo viên và học viên thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ.
Bốn là, đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy, nhất là trong xây dựng hồ sơ giáo án điện tử. Quá trình giảng dạy, giáo viên cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp sư phạm tích cực trên cơ sở phát huy tính tích cực của học viên, lấy học viên làm trung tâm của quá trình dạy học, chú trọng phương pháp “học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”; đối với nội dung thực tập môn học môn Luật Hình sự và môn Luật Tố tụng hình sự cần xem xét bổ sung hoạt động báo cáo thực tế (thông qua mời báo cáo viên là cán bộ thực tế) nhằm tạo điều kiện cho học viên có cơ hội để trao đổi trực tiếp với cán bộ thực tiễn về những vấn đề có liên quan đến nội dung nghiên cứu. Trong công tác kiểm tra, đánh giá cần tiếp tục đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, đánh giá và chủ động tham mưu đề xuất phương án cơ cấu điểm hợp lý trong đánh giá nội dung kiến thức và ý thức, thái độ chuyên cần của học viên, đảm bảo vừa phù hợp với quy chế đào tạo vừa khuyến khích học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Giáo viên Khoa Luật tích cực ứng dụng CNTT, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn pháp luật
Năm là, quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên theo hướng chuyên sâu, từng bước hình thành các chuyên gia trong từng lĩnh vực pháp lý cụ thể. Đồng thời, tiếp tục động viên, khuyến khích giáo viên tham gia công tác thực tế nhằm nâng cao năng lực thực tiễn và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, qua đó vận dụng có hiệu quả vào công tác giảng dạy. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các vấn đề liên quan đến khoa học pháp lý, qua đó từng bước bổ sung, hoàn thiện lý luận chuyên ngành và góp phần đổi mới nội dung, phương pháp công tác giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới. Trong đào tạo đội ngũ giáo viên cũng cần đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí, tiêu chuẩn của từng chức danh giảng dạy, qua đó xác định lộ trình và mục tiêu phấn đấu cho mỗi giáo viên, giúp giáo viên chuẩn hoá về chức danh giảng dạy đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra.
Sáu là, đề nghị Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo hướng hiện đại, qua đó giúp giáo viên có thể sử dụng và phát huy tối đa các thành tựu, ứng dụng của khoa học công nghệ vào quá trình giảng dạy. Đồng thời, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét tăng cường các đề tài khoa học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; đảm bảo kinh phí cho công tác thực tế của giáo viên theo quy định.
Bài, ảnh: Khoa Luật
Biên tập: Phương Thảo - Phòng Hành chính Tổng hợp