Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập”, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát cơ động, đặc nhiệm chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn trật tự xã hội trong tình hình mới.

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về việc sáp nhập các trường CAND, ngày 22/4/2020, Trường Trung cấp Cảnh sát VI và Trường Trung cấp Cánh sát Vũ Trang được quyết định sáp nhập vào Trường Cao đẳng CSND I.  Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm Trường Cao đẳng CSND I là Khoa chuyên ngành mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 02 khoa chuyên ngành: Cảnh sát cơ động và Cảnh sát đặc nhiệm thuộc Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang (cũ). Với tinh thần nơi đâu cũng là thao trường, với những “thao trường trên không”, “sân trường là thao trường, giảng đường là bãi tập”… học viên chuyên ngành cảnh sát cơ động, đặc nhiệm không ngừng nỗ lực rèn luyện “vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập”.

Trong những năm qua, Chuyên ngành Cảnh sát Cơ động, đặc nhiệm đã đào tạo ra trường hàng vạn cán bộ, chiến sĩ về công tác tại Công an các đơn vị địa phương trong cả nước. Chất lượng học viên chuyên ngành cơ động, đặc nhiệm luôn luôn đáp ứng được yêu cầu công tác và chiến đấu, tuyệt đại đa số có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức tốt, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới.


Một buổi tập luyện của học viên Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm

Với chủ trương “học đi đôi với hành”, “giảm lý thuyết, tăng thực hành”, Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm Trường Cao đẳng CSND I. Các học viên phải trải qua quá trình luyện tập nghiêm ngặt, với cường độ rất cao trong điều kiện khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm, đòi hỏi mỗi học viên đều phải có tinh thần khổ luyện và ý chí cao độ để có thể hoàn thành tốt các chương trình tập huấn của mình.


Một buổi luyện tập của các chiến sĩ Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm

Đúng 7h30 sáng hàng ngày, không kể nắng hay mưa, các giáo viên chỉ huy bắt đầu tổ chức cho học viên thực hiện các bài huấn luyện theo kế hoạch. Một trong những nội dung huấn luyện thường xuyên của đơn vị là “kỹ thuật leo vượt nhà cao tầng” tại tòa nhà năm tầng. Căn cứ vào các tình huống thực tế mà các chiến sĩ cảnh sát cơ động, đặc nhiệm gặp phải khi tham gia chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ, các giáo viên đơn vị đã chủ động xây dựng các nội dung, kế hoạch giảng dạy sao cho có kết quả, chất lượng cao nhất, “học đi đôi với hành”, bám sát thực tế xã hội ngày nay.


Các học viên trông giống như “Người Nhện” thật sự khi tham gia luyện tập

Bốn sợi dây chiến thuật được quăng từ nóc sân thượng xuống tận mặt đất. Lần lượt từng tổ, đội học viên trong trang phục sẫm màu đặc trưng, được trang bị vũ khí chuyên dụng, lao người ra khỏi mép tường cheo leo, dốc thẳng đứng cao hơn 30m. Chỉ có đai lưng là thứ duy nhất liên kết họ với sợi dây. Rất nhanh nhẹn và nhẹ nhàng họ lao chúc đầu xuống dưới, treo ngược người trên sợi dây, toàn thân áp sát vào bờ tường dựng đứng, một tay điều khiển dây một tay cầm súng, mắt quan sát tìm mục tiêu…Tất cả thao tác kể cả việc di chuyển của từng chiến sĩ cực kỳ chính xác, gọn gàng. Thời gian để tụt dây liên tục từ nóc sân thượng của tòa nhà cao bốn tầng này xuống mặt đất, họ chỉ mất 3-4 giây! Bài tập “xuống ngược” này được dùng trong tình huống bí mật quan sát tìm kiếm mục tiêu và hỗ trợ đồng đội tấn công.

Những màn “đu dây tử thần” mới là thử thách cao và gay cấn đối với mỗi cán bộ chiến sĩ. Từ nóc một tòa nhà cao năm tầng, các chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm sử dụng súng chuyên dụng để bắn móc liên kết sợi dây sang nóc tòa nhà bên cạnh. Họ phải vượt qua quãng đường dài 40-50m trên không ở độ cao hơn 30m với dây tử thần từ nóc nhà này sang nóc nhà khác.


Những màn “đu dây” đòi hỏi sự tập trung, chính xác cao độ của mỗi học viên khi tham gia tập luyện

Dưới cái nắng gần 40 độ của mùa hè, các học viên khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm vẫn kiên trì, miệt mài trong các bài tập yêu cầu sự tập trung, chính xác cao độ. “Khi huấn luyện “đu dây tử thần”, chúng tôi phải chính xác từng động tác vì bài tập này không có dây bảo hiểm mà chỉ có đai liên kết. Chỉ có bản lĩnh, ý chí và lòng yêu ngành mới giúp chúng tôi vượt qua được những thử thách khi tập bài huấn luyện này cũng như những bài huấn luyện khác”.

Đối với các học viên Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, từ bờ tường, tòa nhà, phòng làm việc, hàng rào... đều có thể đặt ra các tình huống biến thành “thao trường”. Thậm chí phòng của cán bộ, chiến sĩ cũng được dùng để huấn luyện đột nhập. Thao trường của họ luôn lộng gió và rát nắng đã tạo nên những con người sạm màu nắng gió và những thân hình vạm vỡ, săn chắc như đá. Nhiều anh em sau mỗi buổi đấu tập bị thâm tím, bong gân, trầy da bật máu. ..nhưng không hề sờn lòng. Các chiến sĩ đều một lòng quyết tâm, vững vàng: “có thế mới giúp chiến sĩ phản xạ nhanh, chính xác và kinh nghiệm, bản lĩnh chiến đấu”.


Các học viên Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm tập luyện chiến đấu dưới nước

Ngoài việc thuần thục kỹ năng đột nhập như từ dưới lên (đường ống cống, giao thông hào...), từ xung quanh (lùm cây), từ trên trời xuống (leo đường ống nước, dây chống sét, kết dây giữa các tòa nhà cao tầng rồi đu dây từ tòa nhà này qua tòa nhà kia, một tay giữ dây một tay cầm súng bắn...), họ phải giỏi về kỹ năng bắn trong mọi tư thế (ngã sấp, khom lưng, trong tình huống bị thương, nằm ngửa, nghiêng...), trên mọi địa hình địa vật.

Các học viên tham gia tập luyện bắn súng trên thao trường

Đối với các môn thực hành có tính ứng dụng cao như bắn súng ứng dụng, tuần tra kiểm soát, canh gác bảo vệ mục tiêu, kỹ thuật chiến đấu, việc áp dụng phương pháp dạy học cũng được Nhà trường nói chung và Khoa chuyên ngành nói riêng liên tục đổi mới, sáng tạo theo hướng tăng cường cho học viên trực tiếp vào vai xử lý tình huống; tổ chức cho học viên học tập, hành quân dã ngoại dài ngày theo điều kiện chiến đấu cụ thể.  Tăng thời gian tham gia các đơn vị chiến đấu, tại các khu vực sân bay, bến cảng, bến tàu, bến xe, các khu vực mục tiêu để học viên có điều kiện tiếp xúc  thực tế. 

Đặc biệt, không chỉ tổ chức dạy học ban ngày, nhà trường còn nghiên cứu đưa thêm nhiều nội dung có tính ứng dụng cao vào học ban đêm để học viên có điều kiện so sánh thực tế các mức độ khó khăn phức tạp và những điều kiện thuận lợi trong tác chiến, từ đó rèn luyện kỹ năng hợp đồng chiến đấu đạt kết quả cao nhất.

Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm Trường Cao đẳng CSND I là khoa chuyên ngành đào tạo các chiến sĩ cơ động đặc nhiệm được ghi nhận và đánh giá cao về chất lượng đào tạo: là nòng cốt của Trung đoàn dự bị chiến đấu E45; đã tham gia cứu nạn ở Lương Sơn, Hòa Bình (năm 2017) được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Tham gia cứu nạn bão lụt ở Chương Mỹ (năm 2018)…. Để đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn công tác, Khoa luôn chú trọng mở rộng mối quan hệ với Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước. Đặc biệt, hiện nay Khoa là đơn vị kết nghĩa với Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1-K02, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô E22. Trong các khóa học chuyên ngành, Khoa thường xuyên tổ chức cho học viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn taqị các đơn vị chiến đấu. Bên cạnh đó Khoa thường xuyên cử giáo viên giảng dạy cho Bộ nội vụ Vương quốc Campuchia, giúp đỡ các đơn vị Công an địaphương trong diễn tập phòng thủ khu vực, diễn tập phòng chống khủng bố, giải cứu con tin được các đơn vị ghi nhận và đánh giá cao.

Xác định được vai trò, trọng trách của Cảnh sát Cơ động - Đặc nhiệm là một trong những lực lượng tinh nhuệ, trực tiếp chiến đấu và thường xuyên đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhất. Với bản lĩnh vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ, những kỹ năng chiến đấu nhuần nhuyễn, thuần thục với nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm Trường Cao đẳng CSND I với tinh thần “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu” luôn nỗ lực hết mình “vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập” để học tập, rèn luyện, xây dựng hình ảnh những người chiến sĩ, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, xung kích trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự.

Bài: Trần Loan; Ảnh: Diệu Linh (T1)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi