Ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước (Luật số 26/2023/QH15), có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Trong đó có những điểm mới đáng chú ý như: Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025; Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước; Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi; Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch…
10 điểm mới Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an về việc giao Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với các Học viện, trường Công an nhân dân xây dựng giáo trình giảng dạy, tập huấn đảm bảo triển khai Luật Căn cước tới 63 tỉnh, thành trước ngày 01/7/2024. Thực hiện Công văn số 2633/C06-TTDLDC ngày 08/4/2024 của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã lên phương án và mời đại diện lãnh đạo 10 trường, học viện Công an nhân dân cùng phối hợp, thống nhất các nội dung triển khai. Tại buổi họp, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì cùng các đơn vị họp thống nhất một số nội dung trong công tác phối hợp chia thành 2 giai đoạn gồm: (1) Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (2) Xây dựng giáo trình giảng dạy và tài liệu tập huấn cho Công an các cấp; (3) Xây dựng tài liệu tuyên truyền; (4) Thẩm định quy trình chức năng phần mềm (5) Hỗ trợ địa phương giảng bài.
Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã cử 03 đồng chí là những giáo viên có kinh nghiệm trong bộ môn Cấp, quản lý Căn cước công dân: Trung tá Nguyễn Trọng Đại, trung tá Nguyễn Thị Ngọc Dung, trung tá Nguyễn Trà Giang – là lãnh đạo Khoa và giáo viên của Nhà trường trực tiếp tham gia các giai đoạn xây dựng văn bản, triển khai Luật Căn cước cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội từ ngày 11/4/2024 đến ngày 01/7/2024.
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Trọng Đại, Phó Trưởng khoa QLHC về TTXH cùng cán bộ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH thử nghiệm thu nhận thông tin về giọng nói của công dân.
Cho đến nay công tác phối hợp đã đạt được kết quả bước đầu, hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1 đúng tiến độ, đúng lộ trình. Các giáo viên đã cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính xây dựng hoàn chỉnh 02 Nghị định, 04 Thông tư hướng dẫn cụ thể về công tác cấp, quản lý căn cước; cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt; cách thực hiện lưu trữ tàng thư căn cước, định danh điện tử cho công dân từ 0 tuổi trở lên, định danh điện tử cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sống tại Việt Nam…Từ đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thống nhất với các trường Công an nhân dân xây dựng Bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu phục vụ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác cấp, quản lý Căn cước đạt chất lượng cao.
Hiện tại chương trình phối hợp đang thực hiện ở giai đoạn 2, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu cho các đơn vị địa phương trực tiếp thực hiện đăng ký, quản lý Căn cước. Thông qua chương trình phối hợp, cán bộ, giáo viên khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức, giảng dạy về công tác chuyên môn lĩnh vực cấp, quản lý Căn cước. Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ triển khai chương trình phối hợp với các Trường để tổ chức chủ động đào tạo hiệu quả lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài: Khoa QLHC về TTXH