Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu thực tế của giáo viên Trường Cao đẳng CSND I nói chung và của khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội nói riêng luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện và xác định đây là một hoạt động chuyên môn cần duy trì thường xuyên, có vai trò quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn cho bài giảng của mỗi giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Năm học 2021-2022 vừa qua, 100% giáo viên khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã đi thực tế; trong đó có khoảng 25% cán bộ giáo viên đang luân chuyển công tác thực tế có thời hạn tại các đơn vị địa phương. Đặc biệt, trong hè năm học 2021-2022, được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã cử các cán bộ giáo viên hướng dẫn thực tập tốt nghiệp Khóa K57S kết hợp đi nghiên cứu thực tế tại công an các đơn vị địa phương khác nhau như: Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Bắc Giang, Công an tỉnh Lào Cai, Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh Thái Bình.
Giáo viên Khoa QLHC về TTXH công tác thực tế tại đơn vị địa phương
Trong quá trình đi nghiên cứu thực tế tại địa phương, giáo viên Khoa luôn có sự chuẩn bị chu đáo, thực hiện tốt mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, địa điểm nghiên cứu theo đúng kế hoạch. Đa dạng hóa các phương pháp tiếp cận thực tế như: thu thập thông tin qua các báo cáo, trao đổi, tọa đàm trực tiếp với địa phương…
Qua hoạt động nghiên cứu thực tế, giáo viên có điều kiện để đối chiếu các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Ngành Công an vào công tác tổ chức, hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền Công an cơ sở; đặc biệt là việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân. Các cán bộ giáo viên tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất một số giải pháp để đơn vị cơ sở nghiên cứu, nắm thời cơ trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cơ sở, xu thế phát triển kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn hiện nay…
Cùng với đó ở công an các đơn vị địa phương đã và đang thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây cũng là dịp để cán bộ giáo viên của Khoa có cơ hội để tiếp cận thực tế, cùng với đơn vị địa phương góp công sức vào mục tiêu chung của Chính phủ cũng như của Bộ Công an. Một số công việc của giáo viên trong quá trình thực tế tại công an các đơn vị địa phương có thể kể đến như: Phối hợp cùng Công an các đơn vị địa phương hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục hoàn thiện dữ liệu dân cư, bảo đảm “đúng”, “đủ”, “sạch”, “sống”; đẩy mạnh việc hoàn thành sản xuất, cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân đủ điều kiện nhưng chưa được cấp hoặc cấp đổi, cấp lại theo quy định tại địa phương…v.v.
Giáo viên Khoa và học viên thực tập tham gia triển khai công tác thực tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Hoạt động nghiên cứu thực tế ở địa bàn cơ sở giúp giáo viên tích lũy thêm những kiến thức thực tế phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bổ sung tư liệu thực tiễn phong phú, sinh động, có minh chứng cụ thể cho các bài giảng. Bên cạnh đó, giáo viên có cơ hội cọ sát với các hoạt động trên mọi lĩnh vực mà Công an các đơn vị, địa phương thực hiện, từ đó rèn luyện cho họ những kỹ năng, kinh nghiệm như công tác tiếp xúc với nhân dân; công tác đăng ký, quản lý cư trú; công tác tuần tra, kiểm soát…
Mặt khác, cán bộ giáo viên có cơ sở để đánh giá sự phù hợp của chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cao đẳng CSND I đối với đội ngũ học viên; nắm được nhu cầu bổ sung các kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở để kiến nghị, đề xuất Đảng ủy, Ban Giám hiệu đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển.
Việc đưa cán bộ giáo viên nghiên cứu thực tế ở địa bàn cơ sở giúp thâm nhập thực tế sinh động, học hỏi, tích lũy kiến thức từ địa bàn cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên nhà trường vững về lý luận, am hiểu về thực tiễn xã hội, góp phần thực hiện tốt phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Bài: Xuân Hoàng - Khoa QLHC về TTXH
Biên tập: Phương Thảo - Phòng HCTH