Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giảng viên Trường Cao đẳng CSND I chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, tiếp bước các thế hệ giảng viên phát huy truyền thống vẻ vang của Nhà trường trong 51 năm xây dựng & phát triển

Trong Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Viêt Nam về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đã chỉ rõ để xây dựng thành công chiến lược phát triển giáo dục, chấn hưng đất nước cần “đổi mới mạnh mẽ và cơ bản phương pháp giáo dục nhằm khắc phục kiểu truyền thụ một chiều, nặng về lý thuyết, ít khuyến khích tư duy sáng tạo, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự giải quyết vấn đề, phát triển năng lực thực hành sáng tạo cho người học…Tích cực áp dụng một cách sáng tạo các phương pháp tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học”. 

Chỉ thị số 13/CT - BCA của Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân cũng đã nêu rõ “Cần chú trọng cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng rèn luyện tay nghề, nhân cách nghề nghiệp, tác phong ứng xử cho học viên, tăng cường thực tập, thực hành nghề nghiệp”.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về định hướng phát triển giáo dục, đào tạo; cùng với việc đổi mới về phương thức tổ chức đào tạo, nội dung chương trình và mục tiêu đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I rất coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và coi đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường.

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong Công an nhân dân, đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã chủ động tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, nhằm phát triển năng lực của người học. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng này đòi hỏi giảng viên phải có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sư phạm lành nghề, có đầu óc sáng tạo và nhạy cảm với cái mới, mới có thể đóng vai trò là người gợi mở, xúc tác, trợ giúp, hướng dẫn, động viên, cố vấn trong các hoạt động độc lập của người học, đánh thức tiềm năng trong mỗi học viên, chuẩn bị tốt cho học viên sau khi ra trường có đủ phẩm chất, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ sư phạm, lý luận chính trị bằng việc chủ động tham gia các khóa đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, văn bằng 2 ở các học viện, trường trong và ngoài ngành Công an. Hiện nay, với 7 Khoa, 6 Bộ môn, đội ngũ giảng viên Nhà trường có 243 giảng viên; trong đó 15 đ/c có trình độ Tiến sĩ, 32 đ/c đang nghiên cứu sinh, 189 đ/c Thạc sĩ; 81 đồng chí đang học Thạc sỹ; 22 đ/c là giảng viên chính, 97 đ/c là giảng viên, 02 huấn luyện viên cấp cao, 08 huấn luyện viên chính, có 80 đ/c có trình độ lý luận cao cấp. Các giảng viên thường xuyên luân chuyển và đi công tác thực tế, bám sát các mặt công tác, chiến đấucủa Công an các đơn vị, địa phương, nhằm rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và gắn kết lý luận với thực tiễn, phục vụ nghiên cứu khoa học.

Đổi mới phương pháp dạy học là đổi mới toàn diện từ nội dung giáo trình, tài liệu đến cách tiến hành các phương pháp dạy, phương pháp học, đổi mới các phương tiện, hình thức triển khai dạy học nên các giảng viên đã tích cực tham gia xây dựng chương trình, biên soạn, chỉnh lý, bổ sung giáo trình, bài tập tình huống nghiệp vụ và các tài liệu dạy học khác để nội dung giáo trình, tài liệu luôn phù hợp với mục tiêu đào tạo, cập nhật các kiến thức lý luận mới. Mỗi giảng viên với kinh nghiệm riêng của mình, có những phương pháp riêng để cải tiến phương pháp dạy học. Trong thời gian qua, giảng viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã có một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, cụ thể như:

- Cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học. Các giảng viên đã tìm tòi, cải tiến để nâng cao hiệu quả, khắc phục các nhược điểm, hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, luyện tập) theo hướng thuyết trình kết hợp với làm việc nhóm, tích cực hóa hoạt động nhận thức của học viên. Đa dạng hình thức làm việc nhóm, không chỉ giới hạn ở việc giải quyết các nhiệm vụ học tập nhỏ xen kẽ trong các bài thuyết trình mà còn có những hình thức làm việc nhóm giải quyết những nhiệm vụ phức hợp, có thể chiếm nhiều tiết học, sử dụng phương pháp chuyên biệt đóng vai. Điều này khiến học viên hứng thú học tập, được tự đặt mình vào các vai trò khác nhau, tự thực hiện và giải quyết các vấn đề thuộc nội dung bài học, kích thích học viên tự giác nghiên cứu lý luận để có cách giải quyết phù hợp, tốt nhất cho vai diễn.

- Vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo tình huống. Với phương pháp dạy học nêu vấn đề, các giảng viên đã phát huy năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề của học viên. Giảng viên đã xây dựng các tình huống “có vấn đề”, là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết các vấn đề đó, giúp học viên lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức. Các tình huống có vấn đề là những tình huống khoa học chuyên môn hoặc những tình huống thực tiễn mà giảng viên đã thu thập được khi đi công tác hoặc luân chuyển thực tế. Việc dạy học gắn với tình huống thực tiễn giúp học viên làm quen với các tình huống nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời đòi hỏi học viên phải vận dụng những kiến thức đã học, tự lực hoặc phối hợp với đồng đội giải quyết tình huống đó.

Không những dạy học theo tình huống, các giảng viên đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị và Đảng ủy, Ban Giám hiệu mời các cán bộ thực tiễn vào giảng dạy, hướng dẫn học viên giải quyết các bài tập tình huống, hướng dẫn học viên thực hành nhằm nâng cao tay nghề, năng lực chuyên môn cho học viên.

- Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc dạy học; 100% giảng viên đã biên soạn và sử dụng giáo án điện tử; sử dụng các phương tiện dạy học được trang bị như máy tính, máy chiếu hỗ trợ cho việc giảng dạy. Nhiều giảng viên còn chủ động tự trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy như tự xây dựng tình huống nghiệp vụ và quay phim từ thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng Công an về làm tư liệu giảng dạy, khai thác trên mạng internet, truyền hình, các phương tiện truyền thông các thông tin liên quan đến bài học, ứng dụng các phần mềm trình chiếu trong hoạt động giảng dạy.

- Bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho học viên; song song với việc triển khai các kỹ thuật dạy học phù hợp với từng loại phương pháp dạy học khác nhau, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, các giảng viên rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho học viên bằng cách giao các nhiệm vụ liên quan đến bài học, hướng dẫn học viên tìm đọc, khai thác các tài liệu, giáo trình để thực hiện nhiệm vụ đó và mở rộng kiến thức nghiệp vụ, xã hội. Định hướng cho học viên cách tư duy, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo.

Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên rất chú trọng tới việc thông qua các bài giảng, giải quyết các tình huống nghiệp vụ rèn luyện khả năng làm việc độc lập, phối hợp làm việc theo nhóm; giáo dục thái độ đạo đức nghề nghiệp cho học viên, giúp học viên nhận thức được rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không những phải làm đúng, tuân thủ quy định của pháp luật mà còn phải giữ gìn hình ảnh và nêu cao trách nhiệm của người Công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Tiếp bước các thế hệ giảng viên, phát huy truyền thống 51 năm xây dựng và phát triển; dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I luôn nỗ lực phấn đấu, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, cung cấp, bổ sung đủ nguồn nhân lực có chất lượng cao, tạo ra đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, có kiến thức cần thiết về khoa học - kỹ thuật, ngoại ngữ và kỹ năng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới .

Thiếu tá Nguyễn Thị Thảo
                                                      Giảng viên Bộ môn Nghiệp vụ cơ bản



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi