Trung tâm Lưu trữ và Thư viện là đơn vị có trách nhiệm giúp Hiệu trưởng quản lý, thực hiện các hoạt động về công tác thông tin khoa học; quản lý, bổ sung, khai thác có hiệu quả hệ thống thư viện, tư liệu giáo khoa; in sao, nhân bản ấn phẩm phục vụ yêu cầu công tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, giải trí cho cán bộ, giáo viên, học viên của nhà trường. Phát triển vốn học liệu nhằm tăng cường, bổ sung phong phú nguồn lực thông tin tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ và Thư viện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược mang lại ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo chung của nhà trường.
Với đặc điểm vừa là thư viện trường học, vừa là thư viện mang tính chuyên ngành của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, vốn tài liệu tại Thư viện nhà trường được chia làm 2 lĩnh vực cụ thể: Tài liệu khối cơ bản và tài liệu khối chuyên ngành.
- Tài liệu khối cơ bản (do bộ phận Thư viện của Trung tâm quản lý) được quản lý theo kho tra cứu như: Kho giáo trình, tài liệu gồm: giáo trình, tài liệu dạy học, tập bài giảng Chính trị, Pháp luật, tài liệu về tâm lý – kỹ năng giao tiếp; Tài liệu ngoại ngữ - tin học; Tài liệu hình sự; Tài liệu tố tụng hình sự; Tài liệu dân sự; Tài liệu võ thuật – thể dục thể thao; Tài liệu ma tuý; Tài liệu về môi trường; Tài liệu về quản lý hành chính, tài liệu tham khảo các học phần kiến thức chung và các tài liệu khác) đã được biên mục với 3.080 đầu sách (102.876 cuốn) kho tổng hợp, văn học gồm các loại sách, truyện, báo, tạp chí, ấn phẩm khác không thuộc danh mục tài liệu mật, tài liệu chuyên ngành đã được biên mục với 4.997 đầu sách (24.134 cuốn).
- Tài liệu khối chuyên ngành (do bộ phận Tư liệu của Trung tâm quản lý) được chia thành các kho như: Giáo trình, Tập bài giảng, Tài liệu dạy học, Tài liệu tham khảo, Chuyên đề tốt nghiệp, Luận văn – luận án, Đề tài - chuyên đề nghiên cứu khoa học có nội dung mật theo quy định của Nhà nước, ngành Công an và nhà trường; các báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề nghiệp vụ, hồ sơ vụ án đã xét xử của Bộ Công an và Công an đơn vị địa phương; sách, báo, tạp chí lưu hành nội bộ đã được Phòng Hành chính tổng hợp phân loại chế độ quản lý và được biên mục với 3.129 đầu sách (120.661 cuốn) .
Học viên nghiên cứu tài liệu tại phòng đọc thư viện
Trong những năm vừa qua, Trung tâm đã không ngừng nỗ lực bám sát mọi nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy của nhà trường để đẩy mạnh công tác phục vụ bạn đọc có chất lượng và đạt hiệu quả cao.
Để xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ hoạt động học tập, kiểm tra, đánh giá của học viên trong nhà trường, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện áp dụng nhiều phương thức bổ sung, phát triển nguồn học liệu như:
+ Mua: Nguồn kinh phí này được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động cuả nhà trường hàng năm. Trung tâm sẽ chủ động tính toán phân bổ cho các nguồn tài liệu cần mua để bổ sung vào kho tài liệu thư viện.
+ Tự in ấn: Là các tài liệu được bảo quản theo chế độ mật, không công bố rộng rãi. Những tài liệu này phần lớn là các loại giáo trình, tập bài giảng, tài liệu dạy học, đề cương chi tiết học phần… do cán bộ, giảng viên của nhà trường biên soạn theo chương trình dạy và học. Vì là thư viện mang tính chuyên ngành trong lực lượng vũ trang nên loại tài liệu này chiếm số lượng lớn trong kho tài liệu của thư viện.
+ Nguồn biếu tặng: Hàng năm, Trung tâm nhận được hàng trăm đầu tài liệu được biếu tặng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài đơn vị (Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ nhà trường, Học viện Cảnh sát nhân dân, Nhà xuất CAND, các đồng chí cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an…) để bổ sung vào kho tài liệu làm phong phú và đa dạng thêm vốn tài liệu của Trung tâm. Từ nguồn biếu tặng này mà Trung tâm có được những tài liệu hay, có giá trị không được bán trên thị trường.
+ Nguồn lưu chiểu: Đây được coi là nguồn tài liệu nội sinh của Trung tâm. Bao gồm: Luận văn, luận án, báo cáo khoa học, khóa luận tốt nghiệp của cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường…
Trong công tác xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ hoạt động học tập, kiểm tra, đánh giá của học viên có những thuận lợi và khó khăn sau:
- Thuận lợi
Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao và đánh giá đúng về tầm quan trọng của học liệu đối với quá trình phát triển và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.
Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ như: phần mềm, hệ thống mạng, hệ thống máy tính, các trang thiết bị máy móc hiện đại… Đây là phương tiện căn bản để Thư viện có khả năng thực hiện quá trình xây dựng và phát triển học liệu.
Nguồn lực tài liệu truyền thống và tài liệu dưới dạng số (luận văn, luận án, đề cương bài giảng, giáo trình, đề tài nghiên cứu khoa học…) rất phong phú, đây là nguồn tài liệu dồi dào để từ đó có thể xây dựng được nguồn lực học liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng.
- Khó khăn
Đa số cán bộ Đội Tư liệu, Thư viện không có nghiệp vụ chuyên môn về thư viện và lưu trữ nên công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn về tin học phục vụ công tác xây dựng thư viện điện tử.
Do kinh phí đầu tư cho việc mua sách, tài liệu tham khảo ít, nên việc phân bổ kinh phí để mua các đầu sách, tài liệu tham khảo không đa dạng và phong phú, phần lớn kinh phí chỉ tập trung vào những đầu sách quý, tài liệu tham khảo mới ban hành.
Từ những thuận lợi và khó khăn trên, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đề xuất một số giải pháp xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của cán bộ, giáo viên và học viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường cụ thể như sau:
- Cần nâng cao nhận thức cho giảng viên và học viên về vai trò và tầm quan trọng của nguồn học liệu, vai trò của việc xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ hoạt động học tập, kiểm tra, đánh giá của học viên.
- Đề xuất Đảng ủy, Ban Giám hiệu, phòng Hậu cần quan tâm tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường kinh phí mua các đầu sách, tài liệu có giá trị, đặc biệt các đầu sách nghiệp vụ chuyên ngành, đầu tư trang bị, cập nhật những phần mềm mới đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng thư viện điện tử để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường.
- Trung tâm Lưu trữ và Thư viện cần tích cực, chủ động bổ sung nguồn học liệu vào kho sách nhà trường bằng cách rà soát và thường xuyên phối hợp với các Khoa, Phòng tìm các đầu sách quý, có giá trị, tìm các nguồn tài trợ sách từ các đơn vị trong và ngoài trường làm phong phú kho sách nhà trường, nhằm thu hút học viên tích cực tìm tài liệu nghiên cứu phục vụ học tập, kiểm tra, đánh giá. Làm tốt công tác quản lý, thống kê tài liệu nhằm giúp cho công tác tra cứu, khai thác sử dụng nhanh gọn.
- Mở rộng liên thông và hợp tác; liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin và trao đổi tài liệu (tổ chức hình thức liên thư viện) giữa các Trung tâm, Tư liệu - Thư viện với hệ thống thư viện trong CAND; với các đơn vị quản lý nghiên cứu khoa học, các nhà xuất bản trong và ngoài lực lượng CAND; với các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng CAND; với các loại hình thư viện công cộng; thư viện chuyên ngành, đa ngành khác hệ thống theo quy định quản lý nhà nước và đặc thù của CAND.
Nguồn học liệu luôn có vị trí quan trọng trong mọi loại hình đào tạo. Bởi nguồn học liệu phong phú, dồi dào sẽ giúp cho giáo viên chuẩn bị và cập nhật bài giảng được đầy đủ và học viên có thể khai thác tài nguyên đó một cách tối ưu trong quá trình học tập, nghiên cứu. Có thể thấy, đối với chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng khi bắt đầu giảng dạy một môn học, giáo viên luôn chú trọng việc cung cấp nguồn học liệu bắt buộc và đọc thêm để học viên tham khảo. Do đó, học viên muốn học tập tốt trên lớp và tự học thì cần tìm đến các nguồn học liệu do giáo viên cung cấp. Để làm được điều này, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện sẽ là môi trường giúp học viên có thể tìm tài liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu hiệu quả.
Tin bài: Trung tâm Lưu trữ và Thư viện
Biên tập: Loan Trần, Phòng HCTH