Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giá trị, ý nghĩa trường tồn của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945

Bởi đây là thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập - tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước và các dân tộc trên thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại và giá trị nhân văn cao quý cho dân tộc Việt Nam và  nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Bản Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn độc lập ở thế kỷ XX ra đời của với lời khẳng định đanh thép: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Có thể thấy, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, ý thức rất rõ mối hiểm nguy, thách thức đang chờ, và vì vậy, sự sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại cả một quốc gia, dân tộc. Tác giả Trần Dân Tiên hoàn toàn có lý, khi viết: “Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”. 

Bản Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý, nền tảng của Hiến pháp - đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

Bản Tuyên ngôn độc lập đã đóng góp vào phạm trù dân tộc của luật pháp quốc tế.

Trên nền tảng, tiền đề các bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến tới xác lập quyền của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc - đó là quyền thiêng liêng của tất cả mọi người, cũng như tất cả các dân tộc. Bởi vì, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Nghiên cứu về Tuyên ngôn độc lập, Giáo sư Shingo Shibata (Nhật Bản) cho biết “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”.

Gần tám thập kỷ đã trôi qua, kể từ ngày bản Tuyên ngôn độc lập ra đời đến nay, mỗi lần đọc lại, chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa trường tồn của Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.  

Trong lần thăm Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch năm 2020, cố Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập. Đây là một văn bản lịch sử, một văn kiện vô cùng trọng đại. Tuyên ngôn độc lập đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó đã thể hiện tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, bản lĩnh, nhân cách Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới. Trách nhiệm của chúng ta là phải thực hiện cho bằng được Tuyên ngôn độc lập. Bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ cho được độc lập, tự do của đất nước”.

Nhằm bảo vệ thành quả cách mạng và phát huy những giá trị lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hải Yến - Khoa LLCT, KHXHNV và Tâm lý

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi