Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới

Sự ảnh hưởng này chúng ta có thể thấy được thông qua một số trường hợp cơ bản như sau:

Một là: Sự xuất hiện của các loại hình vận tải mới, gây khó khăn cho công tác quản lý. Từ năm 2016, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin đã xuất hiện loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ có sử dụng phần mềm xuất hiện ở Hà Nội và một số thành phố lớn của Việt Nam. Ban đầu tại Hà Nội với số lượng chưa đến 1.000 xe hoạt động thí điểm. Sau 2 năm thí điểm hoạt động, đến năm 2018 số lượng phương tiện của loại hình vận tải này đã tăng như ‘vũ bão’ lên hơn 25.000 xe, vượt hơn cả số lượng xe taxi truyền thống qua nhiều năm. Hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng dưới 09 chỗ có sử dụng phần mềm đã được Grab, Uber, Be cùng một số đơn vị tham gia và có những thành công bước đầu do tính thuận tiện, giá cả đa dạng và người dân được hưởng lợi thông qua các chương trình khuyến mãi rầm rộ làm cho cuộc cạnh tranh thu hút khách giữa taxi và xe hợp đồng ngày càng khốc liệt. Việc sử dụng công nghệ vào việc đặt xe đã đem lại những lợi ích không nhỏ cho người có nhu cầu, xong bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của loại hình này cũng có những hệ lụy xã hội cần lưu ý ví dụ như: Trào lưu đầu tư phương tiện tham gia hoạt động vận tải khách trên không có kiểm soát dẫn đến đầu tư phương tiện (mua mới) quá nhiều xe, văn bản pháp luật điều chỉnh các hoạt động này chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh đã gây ra không ít những khó khăn cho công tác quản lý.

Hai là: Thực tiễn tình hình trật tự, an toàn giao thông đặt ra hàng loạt các vấn đề đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ mới vào công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông, cụ thể:

Chủ trương hạn chế phương tiện vào trong nội đô các thành phố lớn để hạn chế ùn, tắc giao thông trong các giờ cao điểm. Đây là việc đã được thực hiện trên một số quốc gia trên thế giới. Với sự bùng nổ của số lượng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là xe ô tô đã đặt ra bài toán khó có lời giải trong thời gian ngắn trước mắt về vấn nạn ùn, tắc giao thông. Chính vì vậy, việc hạn chế phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe ô tô đi vào các khu vực nội đô được xác định là một trong những giải pháp. Trong tình hình giao thông như ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, việc xây dựng các trạm thu phí kiểu truyền thống là việc làm khó khả thi vì sẽ gây ra hàng loạt những hệ lụy khác. Việc nghiên cứ, tận dụng và áp dụng công nghệ 4.0 là đòi hỏi cần thiết.

(Nguồn: Internet)

Việc áp dụng các biện pháp tuần tra, kiểm soát giao thông đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường giao thông công cộng như hiện nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế, ví dụ như việc xác định các hành vi vi phạm quy định về tốc độ. Hiện nay, việc xác định hành vi vi phạm về tốc độ của người điều khiển phương tiện chủ yếu vẫn dựa trên việc tuần tra kiểm soát lưu động của lực lượng Cảnh sát giao thông với đội hình tuần tra theo kế hoạch, có sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ là máy đo tốc độ có ghi hình để xác định vi phạm. Bên cạnh đó, sử dụng máy đo tốc độ đặt cố định ở một số địa điểm cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, hai hình thức đó vẫn không đảm bảo được yếu tố thường xuyên, liên tục, trên mọi đoạn đường, không đảm bảo được nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính là mọi hành vi vi phạm hành chính đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Người điều khiển phương tiện vẫn lách được luật bằng cách tìm cách xác định được vị trí đặt máy đo tốc độ, thông tin cho những người lái xe khác và chỉ tuân thủ các quy định về tốc độ tại một số vị trí nhất định có đặt máy đo.

Việc quản lý giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như hiện nay cũng đã bộc lộ những hạn chế mà thực tế đã có những vụ việc, được các đại biểu đưa lên nghị trường Quốc hội, như việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe, việc 1 cá nhân có nhiều giấy phép lái xe, nhiều đăng ký xe…

Công tác quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện, quản lý giấy phép lái xe, xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng đặt ra những vấn đề về xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về những vấn đề này. Việc xác định chủ sở hữu phương tiện phục vụ công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao để xác định mức xử phạt… đều đặt ra các yêu cầu về nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Thực tế công tác quản lý theo cách thức như hiện nay chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu này.

Qua một vài nội dung nêu trên có thể thấy, việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) là yêu cầu bức thiết, có tính khả thi vào công tác quản lý nhà nước, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thực tế công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông ở nước ta đã từng bước áp dụng công nghệ mới, tuy nhiên phạm vi, nội dung ứng dụng chưa nhiều và mới chỉ ở những bước khởi đầu. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là: Cần có định hướng phát triển rõ ràng về ứng dụng công nghệ số về giao thông trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết cần đánh giá sự phát triển của khoa học công nghệ và ứng dụng của nó vào hoạt động giao thông vận tải. Việc định hướng cần có sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan, các nhà khoa học và các chuyên gia nước ngoài để có thể dự báo, xây dựng các yếu tố đảm bảo để có thể từng bước xây dựng nền tảng giao thông thông minh, hiện đại.

(Nguồn: Internet)

Hai là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tất cả các nội dung trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể, bao gồm các cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, về tai nạn giao thông, về đăng ký phương tiện, về giấy phép lái xe theo dạng big data. Cục Cảnh sát giao thông thống nhất quản lý trên cả nước, công an, đơn vị các địa phương khai thác sử dụng và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đó. Việc khai thác, sử dụng phục vụ đắc lực cho việc xử lý nhanh chóng, chính xác các vụ việc như gian lận trong việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe, xác định chính xác mức xử phạt vi phạm hành chính.

Ba là: Sử dụng có hiệu quả các thiết bị phần mềm (hộp đen) gắn trực tiếp với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thực tế cho thấy việc này đã được thực hiện trên một số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tuy nhiên việc này chưa được thực hiện trên tất cả các phương tiện, đặc biệt là ô tô, mặt khác việc khai thác sử dụng chủ yếu khi có sự vụ xảy ra, chưa được thường xuyên. Trong thời gian tới, cần đặt hàng với các công ty công nghệ, gắn thiết bị công nghệ nhằm xác định vị trí, vận tốc, việc di chuyển, thời gian dừng đỗ… phục vụ công tác quản lý và xác định hành vi vi phạm đối với mỗi phương tiện. Thực hiện được việc này có tác dụng rất lớn trong việc giám sát hành trình của phương tiện, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý cũng như xác định các hành vi vi phạm phục vụ công tác quản lý.

Bốn là: Bộ Công an cần đề xuất chính phủ chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải tham mưu đề xuất ban hành văn bản thống nhất quản lý đối với các phương tiện sử dụng công nghệ để kinh doanh vận tải, từ đó cài đặt các phần mềm gắn với phương tiện phục vụ việc quản lý. Thực hiện được việc này, một mặt thu được thuế cho nhà nước, mặt khác có căn cứ để người lái xe buộc phải tuân thủ các quy tắc giao thông, đặc biệt là hạn chế phương tiện là xe taxi, xe hợp đồng đi vào những đoạn đường nhất định, trong những khoảng thời gian nhất định.

Bài: Khoa Cảnh sát giao thông

Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi