Thứ Năm, 1/5/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cán bộ, giảng viên, học viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I thiết thực kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam

Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 09/11 hàng năm được lấy là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngày này còn được gọi ngắn gọn là Ngày pháp luật Việt Nam.

Lý do chọn ngày 9/11 là Ngày pháp luật Việt Nam bởi vì ngày 09/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Vào thời điểm lịch sử đó, Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ của nước Việt Nam dân chủ - cộng hòa, không kém bất kỳ bản Hiến pháp của quốc gia nào trên thế giới.

Mặc dù ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của Hiến pháp 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung tất cả các bản Hiến pháp sau này và toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta.

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước.

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Năm 2015 là năm thứ ba Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Năm 2015 và năm 2016, đất nước ta có nhiều sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, như tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; nhiều văn bản pháp luật quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 được ban hành. Ngày Pháp luật Việt Nam sẽ thực sự có ý nghĩa nếu mọi người dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và tích cực tham gia, hưởng ứng các sự kiện quan trọng này.

Ngày 21/9/2015 Bộ Công an đã ban hành văn bản số 2015/BCA-V19 về việc tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 trong Công an nhân dân. Mục đích của việc tổ chức là tiếp tục tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và mọi người trong xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự; nâng cao nhận thức pháp luật, năng lực áp dụng pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Yêu cầu của việc tổ chức Ngày Pháp luật trong Công an nhân dân là: Sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, với sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; bám sát các sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước, của lực lượng Công an nhân dân.

Đối với Trường Cao đẳng CSNDI, các hoạt động kỷ niệm Ngày pháp luật năm 2015 được tổ chức triển khai trong thời gian 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10/2015 đến hết ngày 30/11/2015, trong đó, cao điểm tập trung trong tuần lễ từ ngày 02/11/2015 đến ngày 09/11/2015 dưới các hình thức cụ thể như: Tuyên truyền, cổ động trực quan về Ngày Pháp luật thông qua hệ thống các băng zôn, khẩu hiệu, hình ảnh, tài liệu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về pháp luật; cung cấp tài liệu pháp luật; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi phạm pháp luật.v.v..

Trong thời gian tới, để thiết thực kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam, cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường sẽ tiến hành các hoạt động sau:

Tìm hiểu và nắm chắc các quy định của pháp luật, đặc biệt là nghiên cứu, học tập để có hiểu biết sâu sắc về Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác Công an, như Luật Công an nhân dân, Luật căn cước công dân, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường…Ngoài ra còn tìm hiểu thêm về các về các văn bản quy phạm pháp luật dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong năm 2015, 2016 như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức điều tra hình sự, Luật trưng cầu ý dân, Luật biểu tình…

Đội ngũ giảng viên Nhà trường, nhất là giảng viên giảng dạy các môn pháp luật cần đi sâu tìm hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật, có phương pháp sư phạm tốt để truyền đạt đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật đến từng học viên.

Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống cháy, nổ v.v…Thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, chấp hành nghiêm 10 điều kỷ luật và Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.

Chấp hành tốt nội quy, quy định của Trường Cao đẳng CSNDI, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do Bộ Công an và Tổng cục Chính trị CAND phát động./.

Đại tá Phạm Hữu Tạo, Trưởng Bộ môn Pháp luật

Gửi cho bạn bè