Để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu và hạn chế tới mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra trong năm 2022. Cán bộ, chiến sỹ trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I xung kích, tuyến đầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi nhận được lệnh điều động của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, Lãnh đạo các đơn vị địa phương nơi trường đóng quân.
Cán bộ, chiến sĩ nhà trường luôn xung kích, đi đầu trong hoạt động hiệp đồng tác chiến hỗ trợ nhân dân trong phòng, chống thiên tai, bão lũ
Những năm qua, mặc dù còn khó khăn về lực lượng và phương tiện nhưng nhà trường đã nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả đáng khích lệ. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều nhận rõ trách nhiệm, không quản ngại hy sinh, gian khổ và xác định đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Công tác xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và huấn luyện, diễn tập được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, có nền nếp. Việc phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng và địa phương trong cứu hộ, cứu nạn được tổ chức chặt chẽ, tuân thủ đúng quy chế, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, chỉ huy các cấp cùng hệ thống cơ sở vật chất cứu hộ, cứu nạn từng bước được tăng cường, tạo nền tảng vững chắc cho các đơn vị nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn.
Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn nước ta sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, thậm chí trái quy luật. Vì vậy, vấn đề cấp thiết là phải nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Để đạt hiệu quả cao, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Các văn bản chỉ đạo của cấp trên, trọng tâm là: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Luật phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chỉ thị số 18/CT-TTg ngyaf 09/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; Kế hoạch của Đảng uỷ CATW triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư; Thông tư số 05/2021/TT-BCA ngày 14/01/2021 của Bộ Công an quy định về hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an nhân dân. Thường xuyên hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; chia sẽ các bài học kinh nghiệm trong công tác khắc phục hậu quả, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho cán bộ, giáo viên, chiến sĩ, nhân viên của toàn trường; đặc biệt là lực lượng chuyên trách, chủ lực tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; gắn việc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; làm tốt công tác tổng kết, biểu dương các điển hình tiên tiến ở đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Tăng cường công tác huấn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho CBCS và học viên.
Thực tiễn cho thấy, tính chất các sự cố, tai nạn thường rất phức tạp, không cố định. Trong nhiều trường hợp, tuy đã phát hiện vị trí hiện trường, nhưng do kinh nghiệm, kỹ năng và phương tiện có hạn, lại trong điều kiện thời tiết phức tạp, nên việc tiếp cận và thực hành cứu hộ, cứu nạn chưa đạt hiệu quả chưa cao. Thời gian tới, các đơn vị cần chủ động cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung huấn luyện về cứu hộ, cứu nạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của từng lực lượng.
Theo đó, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung cứu hộ, cứu nạn vào chương trình huấn luyện cho các đối tượng theo hướng: từ đơn giản đến phức tạp, từ kiến thức cơ bản đến hành động chuyên sâu.
Trong quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện nâng cao kỹ năng tiếp cận kịp thời mục tiêu bị nạn (trong điều kiện thời tiết phức tạp) với sử dụng thành thạo các trang bị, thiết bị cứu hộ, cứu nạn mới, hiện đại; gắn huấn luyện thường xuyên với luyện tập, diễn tập theo phương án, kế hoạch đã được phê duyệt; từ đó, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, các đơn vị cần coi trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ các cấp để vận dụng vào thực tiễn, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ khu vực trọng điểm về thiên tai, sự cố, làm nền tảng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và sẵn sàng tham gia cứu trợ khi cần thiết.
3. Nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn giữa nhà trường và các lực lượng khác trên địa bàn trường đóng quân. Cần chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng, địa phương một cách chặt chẽ, chính xác, khoa học ở tất cả các khâu, từ tiếp nhận thông tin đến tổ chức sử dụng lực lượng, xây dựng phương án và thực hành phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong từng tình huống cụ thể, để nắm tình hình; phối hợp điều động lực lượng, phương tiện và tổ chức hiệp đồng cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện, các lực lượng cần tuân thủ quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn, nhất là sự điều hành của chỉ huy hiện trường, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, phát huy tối đa sở trường của từng lực lượng; bám sát phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời huy động các lực lượng, địa phương trong khắc phục sự cố, thiên tai. Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân để nắm tình hình, rà soát, xác định các khu vực, địa bàn trọng yếu về thiên tai, sự cố; từ đó, chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Khi tham gia thực hiện nhiệm vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn CBCS và học viên nhà trường cần quán triệt nghiêm túc các yêu cầu sau:
1. Mọi hoạt động tham gia công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu. Trong quá trình hành quân cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên báo cáo để lãnh đạo biết, những trường hợp đột xuất phát sinh phải kịp thời báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám hiệu.
2. Phải giữ liên lạc thường xuyên giữa nhà trường với đơn vị địa phương nơi xảy ra sự cố. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh, yêu cầu của cấp trên và yêu cầu của đơn vị, địa phương khi thực hiện nhiệm vụ.
3. Trung đoàn dự bị chiến đấu: Là lực lượng nòng cốt trong phương án diễn tập và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
4. Đối với cán bộ, chiến sỹ được điều động đi làm nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy với công việc, đoàn kết thống nhất phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
5. Động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đồng thời xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định hoặc để xảy ra sự việc gây hậu quả nghiêm trọng./.
Bài: Phòng Hành chính tổng hợp