Một mùa Hiến chương nữa lại về, ta nghe đây đó những ca khúc về người thầy vang lên trầm ấm, thiết tha. Những câu hát gợi cho chúng ta nhớ về những ngày còn đi học, được thầy cô tận tụy dìu dắt, dạy dỗ; nhớ về những kỷ niệm thầy trò đáng trân trọng, đáng khắc ghi:
“Người thầy vần lặng lẽ đi về sớm trưa.
Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhoè trang giấy.
Để em đến bên bờ ước mơ,
Rồi năm tháng sông dài gió mưa,
Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa…”
(“Người thầy” - Nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy)
Năm nào cũng vậy, khi chúng ta đón nhận cái se se lạnh của những cơn gió rét ùa về, cũng là khi tất cả chúng ta, những người đã từng là học trò được đón nhận một cái tết đặc biệt, đó là Tết Thầy, Cô - ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11. Đó là một ngày lễ tết đặc biệt của chúng ta, là truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam đã có từ bao đời nay, là ngày toàn thể dân tộc tôn vinh những người Thầy, ca ngợi những con người làm sự nghiệp “Trồng Người”!

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thật vậy, dù ở đâu, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy luôn là biểu tượng cho những gì cao đẹp nhất, đáng tôn vinh nhất; công ơn dạy dỗ của thầy cô có thể sánh với công ơn sinh thành của cha mẹ. Cho dù người thầy dạy chúng ta ở bất kỳ bậc học nào từ lớp mẫu giáo đến bậc tiểu học, trung học hay đại học, cao học… dù học nhiều hay ít, 5 năm, 10 năm hay 1 tháng, thậm chí 1 ngày cũng đủ để ta khắc cốt ghi tâm đó là thầy ta! Cha ông xưa đã dạy rằng: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” là vậy! Với những giá trị cao đẹp đó, có biết bao Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác đang mang tâm huyết, trí tuệ, lòng yêu nghề và không quản ngại gian khó, thiệt thòi để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”!
Ai đó đã ví trái tim người thầy đỏ như màu hoa phượng vĩ, luôn luôn cháy bỏng với nghề chở đò thầm lặng của mình. Bởi vậy mà chúng ta tôn vinh họ, tôn vinh những cống hiến của họ cho sự nghiệp giáo dục, sự tôn vinh ấy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên trong văn hóa Việt! Nhân dịp 20 – 11, chúng ta hãy tìm hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa của ngày 20 -11 này để tri ân những cống hiến của các thầy cô.
Ngày Nhà giáo Việt Nam có một lịch sử khá đặc biệt, vừa có tính chất quốc tế, vừa có tính chất dân tộc, vừa mang đặc trưng của các nhà giáo, của ngành giáo dục, vừa là ngày lễ kỷ niệm của toàn dân.
Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục.
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Ở Việt Nam, ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” được tổ chức lần đầu tiên trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Khi đó, được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam( nay là Đảng cộng sản Việt Nam), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phổ biến toàn văn Hiến chương các nhà giáo đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc, đồng thời thông tin đến các giáo giới, đồng bào, học sinh, sinh viên miền Nam và quyết định tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên ở nước ta vào ngày 20/11/1958
Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11-1958 diễn ra rầm rộ ở Hà Nội và cả ở Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) cho đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã…
Khi đó hoạt động này thực sự có ý nghĩa lớn lao trong việc giác ngộ ý thức cách mạng và lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí vượt khó, thoát khỏi đói nghèo và vấn nạn mù chữ, bài trừ tệ nạn văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ, đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, thống nhất nước nhà…
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định 167-HĐBT lấy ngày 20/11 là Ngày nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11/1982, lần đầu tiên Ngày nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.
Như vậy ngày 20/11 hàng năm trên thế giới, các nhà giáo tiến bộ vẫn kỉ niệm ngày mang tên “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” còn ở Việt Nam, ngày này có tên gọi riêng là “Ngày nhà giáo Việt Nam” kể từ ngày 20/11/1982 và ngày này cũng trở thành ngày hội của toàn dân.
Từ đó đến nay, ngày 20/11 hàng năm trở thành ngày lễ của dân tộc ta, ngày lễ Hiến chương các nhà giáo, đây cũng là dịp để học trò bày tỏ niềm kính trọng, biết ơn đến các thầy cô, là dịp để xã hội tôn vinh những người thầy, những người ươm lên những mầm xanh cho đất nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Bài: Mai Hương (T2)