Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bộ môn Pháp luật tích cực nâng cao chất lượng công tác chuyên môn thiết thực hưởng ứng chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Bộ môn Pháp luật là đơn vị giáo dục có nhiệm vụ giảng dạy các học phần pháp luật cho các hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng CSND và lực lượng công an xã, lực lượng công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã. Hiện nay, đơn vị có 23 cán bộ, giảng viên, trong đó 100% có trình độ sau đại học, 04 đồng chí có trình độ Tiến sĩ; 06 đồng chí giảng viên cao cấp cao đẳng; 05 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 100% giảng viên có trình độ nghiệp vụ sư phạm bậc đại học, trong đó trên 50% giảng viên có trình độ nghiệp vụ sư phạm nâng cao.

Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và tập thể cán bộ, giảng viên của Bộ môn đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của cấp trên về đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Cụ thể:

- Về phương pháp giảng dạy: Bên cạnh việc sử dụng phương pháp thuyết trình truyền thống, các giảng viên trong Bộ môn đã cố gắng khai thác các phương pháp dạy học tích cực, như phương pháp nêu vấn đề, thảo luận nhóm, tình huống, hỏi đáp… tăng cường tổ chức cho học viên thảo luận, làm bài tập trên lớp và thúc đẩy việc tự học, tự nghiên cứu, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Việc tăng cường thảo luận, làm bài tập xuất phát từ đối tượng đào tạo của nhà trường trong 02 năm trở lại đây là cán bộ đi học, chiến sĩ nghĩa vụ đã có thời gian công tác thực tế trong ngành Công an nên phần nào đã có kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, nâng cao việc rèn luyện các kỹ năng ứng dụng vào thực tiễn phù hợp với đối tượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của công tác công an trong tình hình mới cũng là một mục tiêu mà Bộ môn Pháp luật đang cố gắng thực hiện.

- Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào dạy học luôn được lãnh đạo Nhà trường và lãnh đạo Bộ môn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, giảng viên trong Bộ môn phần lớn đã sử dụng thành thạo hệ thống bảng tương tác, bục giảng thông minh mà nhà trường trang bị. Bộ môn Pháp luật cũng là đơn vị đầu tiên trong khối giáo dục có sáng kiến xây dựng hồ sơ bài giảng điện tử để khai thác và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào việc dạy và học.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học được đơn vị chủ động thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là trong các phong trào dạy giỏi hàng năm do nhà trường tổ chức. Kết quả trong ba năm học liên tiếp, kể từ năm học 2016 - 2017, Bộ môn đều Đạt giải Nhất tập thể Hội thi dạy giỏi cấp Trường; đặc biệt, trong năm học 2016 - 2017, đội tuyển giảng viên Bộ môn Pháp luật trường Cao đẳng CSND I đã vinh dự Đạt giải nhất tập thể lĩnh vực pháp luật tại Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp bộ các trường cao đẳng Công an nhân dân và nhiều giải cá nhân khác góp phần không nhỏ vào thành tích Nhất toàn đoàn của Nhà trường tại Hội thi.

- Về công tác nghiên cứu khoa học: Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và tập thể giảng viên trong bộ môn luôn xác định rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học nhằm góp phần nâng cao trình độ lý luận và kỹ năng ứng dụng thực tiễn góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy; đa dạng phương thức thi, kiểm tra đánh giá theo hướng khách quan, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của người học.. Trong những năm học qua, trên cơ sở chương trình đào tạo và đề cương chi tiết học phần đã được ban hành, đơn vị đã tích cực biên soạn đảm bảo tất cả các học phần trong chương trình đào tạo đều có giáo trình, tài liệu dạy học phục vụ cho công tác dạy và học. Trong năm học 2018 - 2019 vừa qua, giảng viên của Bộ môn đã viết hơn 40 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành; nghiệm thu 03 ngân hàng câu hỏi thi kết thúc học phần; nghiệm thu 02 tài liệu dạy học; nghiệm thu 01 đề tài khoa học cấp cơ sở; hoàn thành và nghiệm thu 02 phần việc, 01 sáng kiến, 01 sách chuyên khảo…

Bộ môn đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp Bộ “Những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)” qua đó thu được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực, góp phần góp ý xây dựng, hoàn thiện Bộ luật hình sự năm 2015 nói chung, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học cho giảng viên của Bộ môn nói riêng.

- Về công tác thực tế: Trong năm học 2018 – 2019, 21/23 giảng viên của đơn vị đã đăng ký đi công tác thực tế tại các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an Thành phố Hà Nội. Kết quả của công tác này được sử dụng vào quá trình xây dựng hồ sơ bài giảng, đưa vào thành các ví dụ trong giáo án, các tình huống nghiệp vụ trở thành các tình huống bài tập, thảo luận, qua đó giúp giảng viên và học viên tiếp cận với thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các mặt công tác của đơn vị vẫn còn có một số hạn chế, bất cập, như: phương pháp dạy học của một số ít giáo viên vẫn còn chưa thật phù hợp, hiệu quả chưa cao, chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình mà chưa chú trọng sử dụng các phương pháp sư phạm tích cực hoặc có sử dụng nhưng triển khai chưa thật sự hiệu quả; Tình trạng bình quân chủ nghĩa vẫn còn tồn tại ở một bộ phận giáo viên, chưa chủ động trong việc giao nhiệm vụ và kiểm tra việc tự học, tự nghiên cứu của học viên nên tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên chưa được phát huy đầy đủ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do trình độ, năng lực sư phạm của một bộ phận giảng viên còn hạn chế; nhận thức của một số giảng viên trẻ về đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo chưa thật đầy đủ; các phương tiện, đồ dùng dạy học và trang thiết bị, phòng học còn thiếu…

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường nói chung và chất lượng giảng dạy các học phần pháp luật nói riêng, Bộ môn Pháp luật có phương hướng đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, giảng dạy đảm bảo có chất lượng, đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhà trường trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục cử giảng viên tham gia các lớp học tập bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt… từ đó giúp giảng viên trang bị những kỹ năng cần thiết để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chủ động, tích cực và hiệu quả.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động giáo dục; khai thác phần mềm ứng dụng thông tin để cập nhật kịp thời nội dung mới vào giảng dạy; mô hình hóa các nội dung môn học; tích cực tham gia thực tế, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, giảng viên; chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định của Bộ và của nhà trường; điều lệnh nội vụ chuẩn mực.

Bốn là, cần tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Nhà trường với các Khoa, Bộ môn để đảm bảo về cơ sở vật chất phục vụ giáo dục đào tạo (như đầu tư thêm trang thiết bị, kể cả việc đảm bảo khả năng hoạt động tốt của các trang thiết bị đã được cấp: máy tính cá nhân, loa, đài, bảng tương tác, máy chiếu…); đảm bảo về hệ thống các tài liệu giúp cho học viên học tập, tự học, tự nghiên cứu (như tăng cường biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, in ấn đủ số lượng, muatrang bị thêm các đàu sách tham khảo …); đặc biệt, các đơn vị cần tham mưu cho Nhà trường xây dựng hệ thống quy trình đảm bảo chất lượng trên các lĩnh vực quản lý của quá trình đào tạo để giảng viên có cơ sở pháp lý thực hiện đầy đủ, có chất lượng các công tác nêu trên.     

                                                                                       V.T.N

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi