Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là một cuộc đọ sức bất đối xứng giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với một chính quyền hiếu chiến nhất trong thế kỷ XX. Đây là cuộc chiến tranh giữa một bên là toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình, khát vọng độc lập dân tộc và thống nhất đất nước với bên còn lại là một chính thể với nền kinh tế, khoa học, quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, trải qua những năm tháng chiến đấu gian nan và khốc liệt, chiến thắng vang dội cuối cùng đã thuộc về nhân dân ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng đó là, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhận được sự giúp đỡ to lớn về mọi mặt của bạn bè quốc tế. Chính sự giúp đỡ đó là nguồn cổ vũ, động viên vô giá tiếp thêm sức mạnh để nhân dân ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
(Nguồn: Internet)
Trước hết, phải kể đến tinh thần đoàn kết, giúp đỡ và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhân dân ba nước đã sát cánh bên nhau, sẻ chia gian khó và sẵn sàng hy sinh lợi ích của riêng mình vì mục tiêu chung trên tinh thần đoàn kết, vô tư, trong sáng. Đặc biệt, với phương châm coi Đông Dương là một chiến trường lớn, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chiến trường ba nước Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam đã buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, đồng thời tạo điều kiện cho cuộc chiến đấu ở mỗi nước, cho chiến trường miền Nam Việt Nam giành được những thắng lợi quan trọng.
Trong chiến tranh, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, con đường chi viện chủ yếu nhân lực, lương thực và phương tiện chiến đấu của miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho tiền tuyến lớn miền Nam đã đi qua nhiều địa phương của hai nước Lào và Campuchia. Ở những nơi mà con đường đi qua, bộ đội và nhân dân ta đã nhận được sự đùm bọc, giúp đỡ và che chở của nhân dân các bộ tộc Lào và nhân dân dân Campuchia. Không chỉ vậy, nhân dân hai nước còn ra sức xây dựng, bảo vệ con đường, hỗ trợ kịp thời bộ đội ta trong các cuộc chiến đấu diễn ra trên cả tuyến đường.
Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu của nhân dân ta đã nhận được sự giúp đỡ to lớn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế và đặc biệt là vũ khí, khí tài quân sự của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, Liên Xô. Ngoài một số vũ khí thông thường, sự viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam chủ yếu là vũ khí hiện đại như: máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh… Cùng với đó, Liên Xô còn cử nhiều chuyên gia quân sự sang giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam cải tiến các đài trinh sát, hiện đại hóa các bộ khí tài tên lửa phòng không, mở rộng đáng kể các tính năng chiến đấu của tên lửa, mở rộng tầm tiêu diệt và khả năng đối phó với các máy bay có sử dụng biện pháp cơ động tránh tên lửa. Không ít người con của nhân dân Liên Xô đã sát cánh chiến đấu cùng bộ đội và nhân dân Việt Nam. Họ để lại nơi đây những kỳ tích trong chiến đấu và chính lòng quả cảm, sự hy sinh quên mình của các anh hùng Liên Xô đã vun đắp và tô thắm mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp của hai dân tộc.
Cùng với sự giúp đỡ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Cuộc đột kính của quân du kích Ve-nê-xu-ê-la bắt một sỹ quan Mỹ giữa thủ đô Ca-ra-cát năm 1964 để đòi đổi lấy anh hùng Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ngày 3-1-1975, Đảng Cộng sản Ấn Độ cực lực lên án chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ dung túng đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Pa-ri. Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức ra tuyên bố lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn vi phạm, phá hoại Hiệp định, đồng thời “kêu gọi tất cả các lực lượng dân chủ và tiến bộ trong nước giờ đây càng tăng cường đoàn kết với những người dân chủ ở miền Nam Việt Nam, càng nhất trí ủng hộ việc tôn trọng Hiệp định Pa-ri và đấu tranh đòi chấm dứt sự dính líu nguy hiểm của Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.
Đặc biệt, giữa tháng 9/1973, chỉ ít tháng sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị. Và cũng tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã nói câu lịch sử: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro với các chiến sỹ đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị Thiên Huế,trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 15/9/1973. (Ảnh tư liệu: TTXVN).
Khi nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thì vào ngày 27-3-1975, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Phần Lan ra tuyên bố khẳng định sự ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam; đòi Mỹ phải chấm dứt sự can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân các nước Đông Dương. Chính phủ An-ba-ni ra tuyên bố: Trong bất kỳ tình huồng nào, nhân dân, Đảng Lao động và Chính phủ Cộng hòa An-ba-ni cũng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam anh hùng đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngay trong lòng nước Mỹ, nhân dân và các lực lượng tiến bộ cũng không ngừng đấu tranh ủng hộ cuộc chiến đấu vì chính nghĩa và vô cùng anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam. Đã có hàng trăm cuộc biểu tình diễn ra trên toàn nước Mỹ để phản đối chiến tranh, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt sự dính líu, can thiệp vào Việt Nam. Tiêu biểu là hành động tự thiêu của chàng thanh niên Nóc-man Mô-ri-xơn vào ngày 02-11-1965 gây chấn động dư luận, thức tỉnh lương tri của những người yêu chuộng hòa bình và làm dấy lên phong trào phản chiến với sự tham gia của nhiều tổ chức, nhân vật có tiếng nói quan trọng trong xã hội Mỹ.
Có thể nói, vào những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất và trong toàn bộ cuộc kháng chiến, những sự giúp đỡ nêu trên có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân ta. Sự giúp đỡ đó không phải chỉ đến từ một vài quốc gia hay một số tổ chức, lực lượng mà đã tạo thành một mặt trận đoàn kết kề vai sát cánh chiến đấu, chia sẻ gian khổ, hy sinh cùng nhân dân Việt Nam. Từ thực tế lịch sử và những thành quả trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã để lại những bài học vô giá về tinh thần đoàn kết quốc tế:
Thứ nhất, tuy phải đương đầu với một đế quốc sừng sỏ nhưng cuộc kháng chiến của nhân dân ta là cuộc chiến đấu chính nghĩa, vì khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Mỹ viện trợ nguồn tài chính, kinh tế, quân sự cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa và trực tiếp đem quân xâm lược Việt Nam là hành bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, đi ngược lại mục tiêu, khát vọng chung sống hòa bình của nhân loại tiến bộ. Việc làm đó đã bị cộng đồng quốc tế phản đối và lên án gay gắt. Do vậy, Mỹ càng can dự, sa lầy và gây tội ác đối với nhân dân Việt Nam thì bạn bè quốc tế lại càng sát cánh ủng hộ, giúp đỡ nhân dân đấu tranh chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Thứ hai, trước những diễn biến mới trên chiến trường, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao từ năm 1968. Nếu như chiến đấu trực diện với kẻ địch thực sự ác liệt bao nhiêu thì cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng gay go và quyết liệt không kém. Nhưng nhờ có chính nghĩa và sách lược đấu tranh phù hợp, kết hợp với những chiến thắng từ các chiến trường, chúng ta không chỉ giành được thế chủ động trên bàn đàm phán mà tiếng nói của Việt Nam và những hình ảnh về cuộc chiến đấu của nhân ta đã làm thức tỉnh, lay động tâm can của hàng triệu triệu người trên thế giới. Ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân đã đóng một vai trò quan trọng kết nối các nhân vật quan trọng trong xã hội và tranh thủ được sự ủng hộ của chính giới ở nhiều nước, các tổ chức và lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, tạo nên một mặt trận đoàn kết quốc tế thống nhất vì nhân dân Việt Nam.
Thứ ba, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, các lực lượng vũ trang nhân dân và hầu hết mọi thành phần trong xã hội ta cùng chung một chí hướng, một mục tiêu chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc. Đây chính là cơ sở, là nền tảng quan trọng để xây dựng mặt trận đoàn kết quốc tế ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Trong hoàn cảnh quê hương, đất nước bị bom đạn chiến tranh tàn phá, bất cứ người Việt Nam nào dù ở trong hay ngoài nước đều hướng về Tổ quốc, chia sẻ những hy sinh, mất mát với đồng bào. Trong đó có cả những nhân sĩ, trí thức và đông đảo kiều bào mặc dù sinh sống và làm việc lâu năm ở ngoài nước, đã tình nguyện trở về cống hiến, sát cánh chiến đấu cùng đồng bào trong nước.
Những bài học về tinh thần đoàn kết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1954 - 1975 vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thời sự sâu sắc đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Phát huy truyền thống đoàn kết, chúng ta tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, các chính đảng và tổ chức quốc tế trên cơ sở chấp nhận sự khác biệt, chia sẻ điểm tương đồng; bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tất cả vì một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển.
Bài:Trung tá Hoàng Cao Phúc, Khoa Lý luận chính trị, KHXH NV và Tâm lý
Biên tập: Loan Trần, Phòng HCTH