Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
"Trồng người" trên đôi chân khuyết tật

Cho dù đôi chân không lành lặn, những người thầy ấy vẫn dồn hết tâm huyết để rèn người, dạy chữ, truyền lửa sống cho các thế hệ học trò.

Đó là thầy giáo làng Nguyễn Đình Huấn ở xã Phú Hòa (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) và thầy giáo Nguyễn Đức Trường ở Trường THCS Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Thầy giáo Nguyễn Đình Huấn dạy học sinh trên xe lăn - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Chở ước mơ trên xe lăn

Mấy năm gần đây, nhiều học sinh trong huyện Lương Tài và Gia Bình của tỉnh Bắc Ninh truyền tai nhau về một người thầy giáo đặc biệt, thầy giáo Nguyễn Đình Huấn.

Nhà thầy Huấn nằm ở rìa làng của xã Phú Hòa, huyện Lương Tài. Vào những ngày cuối tuần, hơn 30 học sinh vẫn lui tới nhà thầy học vẽ. Suốt 4 năm qua, người thầy ấy đã gắng vượt qua đau đớn của bệnh tật, miệt mài chở ước mơ của học sinh trên chiếc xe lăn.

“Nghị lực của thầy Huấn thật tuyệt vời. Ở làng này ai cũng biết đến lớp học của thầy ấy”, anh Nguyễn Văn Vinh, một người hàng xóm nói.

Năm 2004, Nguyễn Đình Huấn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Anh về dạy học cho một trường tiểu học ở Chí Linh, Hải Dương. Cứ tưởng cuộc sống trôi đi êm đềm, ai ngờ cuộc đời anh rẽ sang trang mới đầy nghiệt ngã.

Một ngày tháng 3/2007, trong lúc đi làm về anh bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống, liệt tứ chi. Vật lộn với bệnh tật, mọi sinh hoạt cá nhân anh đều phải nhờ tới người thân đến mức có đôi lúc anh không còn muốn kéo dài cuộc sống của mình để người thân bớt khổ.

3 năm sau ngày tai nạn nghiệt ngã ấy, nỗ lực chạy chữa của gia đình cùng nghị lực bản thân đã giúp anh cử động được hai tay. Thế rồi nỗi nhớ nghề cứ ùa về trong anh và anh đã có một quyết định đầy bất ngờ.

Với sự gợi ý của một người chú, anh đã mở lớp dạy vẽ ngay tại nhà. Đó là thời điểm năm 2010. Cũng từ ngày đó, học sinh gọi anh với cái tên thân thương là "Thầy giáo làng".

Mới đầu chỉ có 2 học sinh theo học. Hằng ngày, anh cần mẫn truyền dạy những kiến thức cơ bản về kiến trúc và hội họa. Thầy giáo làng ấy sửa từng nét vẽ cho các em học sinh dù lúc đó vẫn đang gắng gượng chống chọi với bệnh tật và anh cho biết: “Ước mơ dạy học của tôi đã thành hiện thực, nhờ có các em học sinh mà tinh thần tôi đã tốt hơn. Tôi không còn đau đớn dằn vặt mình nữa”.

Tiếng lành đồn xa... nhiều em học sinh trong huyện biết tiếng tìm đến nhà thầy giáo "xe lăn" ngày một đông. Năm đầu anh dạy 13 học sinh và tất cả đều đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.

Từ những năm sau, lớp học tại nhà anh có hơn 30 em trong huyện Lương Tài và Gia Bình theo học. Tính đến nay, người thầy giáo làng ấy đã dạy hơn 100 em đỗ đại học. Trong đó có một số em là Á khoa khi thi vào đại học.

Em Nguyễn Thị Huyền ở xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, một học sinh đang học thầy Huấn tâm sự: “Nghe bạn bè trong trường nói về thầy từ lâu, nhưng lần đầu đến học nhìn thấy thầy ân cần dạy bảo trên chiếc xe lăn làm em rất xúc động. Hình ảnh của thầy đã tiếp thêm nghị lực cho em”.

Truyền lửa đam mê

Thầy Nguyễn Đức Trường cùng học sinh - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Đầu tháng 11, những đợt gió mùa đông bắc ùa về, trời mưa rả rích. Cái lạnh cùng cơn mưa dầm khiến người ta ngại ra khỏi giường lúc sáng sớm nhưng hình ảnh thầy Nguyễn Đức Trường cần mẫn đến trường từ tinh mơ đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học trò tại Trường THCS Đa Tốn.

Năm nay, thầy Trường đã sang tuổi 41. Thầy đã có hơn 20 năm cống hiến trong ngành giáo dục. Ngay từ khi mới chào đời, thầy đã chịu nhiều thiệt thòi. Đôi chân của thầy bị teo cơ do ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố.

“Ngày còn nhỏ tôi đi học khổ, có nhiều hôm đến lớp bố phải cõng trên lưng. Nhưng học lực của tôi luôn dẫn đầu lớp”, thầy Trường nhớ lại.

Năm 1993, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy về dạy Toán tại Trường THCS Đa Tốn. Những ngày đứng trên bục giảng với thầy không đơn giản. “Tôi tự nhắc nhở rằng mình có khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng một người thầy phải có nhân cách”, thầy Trường nói.

Chiến thắng sự tự ti của bản thân mình, thầy đã đem đến làn gió mới vào môn học, thổi niềm đam mê cho các thế hệ học sinh. Những con số, những phép tính khô khan của môn Toán đã được thầy truyền đạt một cách dễ hiểu, hóm hỉnh. Xen lẫn những giờ học thầy còn lồng ghép những câu chuyện về gương vượt khó vươn lên để bồi dưỡng tâm hồn học sinh.

Hơn 10 năm nay, thầy được nhà trường tín nhiệm giao phụ trách đội học sinh giỏi môn Toán. Đội học sinh của thầy năm nào cũng đạt nhiều giải cao trong các lần thi học sinh giỏi cấp thành phố. Chỉ riêng năm 2013, có 8 em dự thi thì 6 em đạt giải , trong đó có em đạt giải Nhì và giải Ba. Hiện nay, thầy còn đảm nhận đội tuyển học sinh giỏi huyện Gia Lâm.

Đối với các em học sinh và thầy cô Trường THCS Đa Tốn, thầy Trường còn là một tấm gương tự học, sáng tạo. Ngoài những giờ lên lớp, thầy lại cần mẫn đọc sách, nghiên cứu. Thầy đã có 12 sáng kiến trong dạy môn Toán cấp thành phố. Thầy cũng cùng với các tác giả khác viết hơn chục cuốn sách về môn Toán được Nhà xuất bản Giáo dục phát hành.

“Thầy sống giản dị và rất tận tâm với học sinh. Chúng em rất khâm phục nghị lực vươn lên của thầy. Tấm gương của thầy luôn thôi thúc chúng em không ngừng phấn đấu nhiều hơn nữa trong cuộc sống”, em Đỗ Tuấn Anh, học sinh Trường THCS Đa Tốn nói.

Thầy Nguyễn Đức Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS Đa Tốn tấm tắc: “Thầy Trường là một giáo viên giàu tâm huyết với học sinh, với nghề. Các thế hệ học sinh và đồng nghiệp trong trường rất yêu quý  thầy”.

Thầy Trường đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc với sự nghiệp giáo dục.

Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan,  Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè