Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tôn vinh điển hình tiên tiến và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước

Mỗi thầy cô, học trò là một bông hoa đẹp

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, GDĐT luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, là quốc sách hàng đầu được Đảng và Nhà nước ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại tại Đại hội

Phó Chủ tịch nước ghi nhận: “Chúng ta có quyền tự hào nếu như năm 1945 hơn 95% dân số không biết chữ thì ngày nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển ấn tượng và tiên phong trong đổi mới giáo dục”.

Nhấn mạnh phong trào thi đua trong giáo dục có những nét nổi bật, Phó Chủ tịch nước cho rằng ngành Giáo dục có nhiều cố gắng đạt kết quả quan trọng sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Toàn ngành Giáo dục đã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực của các địa phương, các trường, viện trung tâm. Trong đó, trên nền phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được triển khai cách đây gần 60 năm, ngành Giáo dục đã phát động và triển khai phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy – học, gắn với cuộc vận động, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.

Qua đó khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên và đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, thành tích khen thưởng trong nước và quốc tế.

Đặc biệt với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã tăng cường dạy học qua internet, bảo đảm mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì các nhiệm vụ năm học mới.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hình chân dung Bác Hồ cho ngành Giáo dục

Công tác khen thưởng của ngành đã có nhiều đổi mới. Đối với học sinh, sinh viên giỏi quốc gia, quốc tế, đã khen thưởng trên 5.200 em, khen đột xuất cho hơn 50 tập thể, cá nhân. Bộ cũng đã trình danh hiệu cho 64 nhà giáo nhân dân, và 748 nhà giáo ưu tú và hiện nay đang trình tiếp hơn 1.000 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú của đợt 2020.

Kết quả các phong trào thi đua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cho thấy, ngành Giáo dục có quyết tâm và có nhiều đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực, là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, góp phần vào thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới của đất nước ta.

Phó Chủ tịch nước biểu dương những thành tựu quan trọng, sự nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục, của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý tâm huyết, trách nhiệm và các em học sinh, sinh viên nỗ lực vượt khó, học tập tốt trong cả nước.

Về định hướng, Phó Chủ tịch nước lưu ý ngành Giáo dục cần đẩy mạnh đổi mới đồng bộ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh những tiêu cực trong ngành giáo dục và đào tạo.

Ngành Giáo dục cần gắn công tác thi đua khen thưởng với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, với mong muốn từng ngôi trường, điểm trường là đơn vị luôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn; thường xuyên quan tâm, biểu dương, khen thưởng những cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích, nhất là thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất.

“Tôi mong ước, mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức của ngành là bông hoa đẹp, mỗi học sinh, sinh viên là những nụ hoa ngát hương trong vườn hoa thi đua yêu nước”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đổi mới phương pháp quản lý, lãnh đạo

Tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong 5 năm qua, các nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, có nhiều hoạt động cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hoạt động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Đại hội

Nhiều mô hình, sáng kiến trong dạy và học đã được các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các cơ sở giáo dục cụ thể hóa phù hợp với các cấp học, bậc học, ngành học với phương châm mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày tới trường đều nỗ lực đổi mới, cải tiến trong công việc và nhà giáo cùng nhau phát triển.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, bên cạnh hoàn thiện cơ chế chính sách, cần đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo để tạo môi trường thuận lợi và động lực khích lệ thầy cô đổi mới sáng tạo, cùng hướng tới môi trường giáo dục lành mạnh, hạnh phúc trong ngành và xã hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tới đây, trong phong trào thi đua của ngành ta, bên cạnh đổi mới sáng tạo dạy học, lãnh đạo vụ, cục, sở, phòng và nhà trường phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh ứng dụng CNTT”.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục trong ngành coi đây là đột phá trong phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tin tưởng cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường sẽ có những đổi mới, sáng tạo tốt, góp phần thực hiện thắng lợi các quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục

Thay mặt Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Giáo dục, ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng công bố quyết định khen thưởng cho tổng số 384 cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến, gồm: Khối các Sở GDĐT: 188 tập thể và cá nhân; Khối các trường thuộc Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 84 tập thể và cá nhân; Khối các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT: 102 tập thể và cá nhân.

Tại đại hội, 24 tập thể, cá nhân (19 tập thể và 5 cá nhân), đại diện cho các điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng.

Hoa có thể nở trên mảnh đất khô cằn

Báo cáo tham luận của giáo viên Sung Thị Tông, Trường Mầm non Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ nơi cách trung tâm huyện, xã hàng chục km, nơi cái nghèo, cái đói đeo bám, từ 1 trong 7 đứa trẻ may mắn được cắp sách tới trường, cô luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo.

Tốt nghiệp sư phạm mầm non, cô Tông xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, vốn ở một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá, không điện - không đường - không trạm…

Đại diện các điển hình tiên tiến giao lưu tại Đại hội

“Để đến với điểm trường Mùa Xuân, tôi phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, 1 bên là núi, 1 bên là vực, nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào”, cô Tông cho biết.

Nhưng rồi, với nỗ lực và tình yêu trẻ, mùa xuân thực sự đã đến với điểm trường Mùa Xuân, những đứa trẻ dân tộc thiểu số được học trong ngôi trường xinh xắn, có đồ chơi, bàn ghế, được hỗ trợ chăm nuôi bán trú, học tiếng Việt và được yêu thương.

“Tôi chỉ có ước vọng bình dị là mang đến cho các con những tiếng cười trẻ thơ, con đường các con đến trường hằng ngày bằng phẳng - những điều mà trẻ em ở nơi khác dễ dàng có được”, cô Tông nói.

Để theo đuổi ước mơ được đứng trên bục giảng, thạc sĩ Trường Đại học Hà Nội, cô giáo Hà Ánh Phượng chọn Trường THPT Hương Cần - một ngôi trường miền núi của tỉnh Phú Thọ. Với trăn trở “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng những nền giáo dục tốt nhất” và tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ”, trong 5 năm qua, cô Phượng luôn tìm kiếm giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa học sinh nơi đây so với đà phát triển của thế giới.

Mô hình “lớp học xuyên biên giới” của cô đã kết nối lớp học có hơn 85% học sinh là con em các dân tộc thiểu số Việt Nam với lớp học của các nước trên giới qua các giờ học tiếng Anh.

Hai anh em sinh đôi Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế chia sẻ câu chuyện học tập của mình tại Đại hội

Nhờ đó, những em học sinh nhút nhát trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, chủ động sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức cũng như thành thạo hơn với các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm việc độc lập, giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phản biện…

Theo cô Hà Ánh Phương, giáo viên cần hiểu được rõ bản chất của dạy học phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh từ đó thay đổi các phương pháp dạy học tích cực và thay đổi vai trò truyền thống của người thầy, từ “người dạy” trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học.

“Sự thay đổi này là tất yếu và có lợi cho cả thầy và trò. Bởi học sinh sẽ tự chủ động việc học cá nhân còn thầy sẽ có thời gian dành cho nhiều dự định khác”, cô Phượng khẳng định.

Tham gia giao lưu tại Đại hội có PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên); TS Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội); cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, Trường THCS Nguyễn An Khương (TP. HCM); hai học sinh Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế.

Hai học sinh giỏi quốc gia, đồng thời là hai anh em sinh đôi Thanh Bình và Thanh An cho biết, quá trình học tập thay vì áp lực, vất vả được chuyển hoá thành động lực cùng học cùng nghiên cứu và thi đua cùng tiến bộ.

24 tập thể, cá nhân đại diện cho các điển hình tiên tiến của ngành giáo dục nhận Bằng khen Bộ trưởng

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, hai chàng trai miền Trung cho biết, mỗi người sẽ chọn một trường đại học trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở TP. HCM và TP. Hà Nội. Thanh An bày tỏ: “Chúng em mong muốn tách nhau ra, để tự nỗ lực, tự khám phá và tự tin bước tiếp trên con đường lựa chọn riêng”.“Tâm sự của hai em học sinh là niềm vui của ngành Giáo dục nước nhà, khi các em chủ động lựa chọn con đường riêng, trong đó ưu tiên lĩnh vực khoa học - công nghệ”, PGS.TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ.

Theo PGS Thu Hà, bất cứ ở đâu, đại học chỉ mới bắt đầu con đường của tư duy trí tuệ. Vì vậy, cô Thu Hà mong các em học sinh duy trì nghị lực, ý chí, phấn đấu trở thành hiền tài đóng góp cho phát triển của nước nhà.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong đổi mới quản lý và dạy học bậc phổ thông, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh và cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung đều khẳng định vai trò của giáo viên đối với thành công của giáo dục. Bên cạnh đó, sự đồng tình, đồng thuận của phụ huynh, lòng say mê, ham học và nhiệt tình của học sinh cũng giữ tầm quan trọng đáng kể.

Từ vai trò tiên quyết của đội ngũ giáo viên, theo TS Thu Anh, kiến thức của nhân loại tăng từng giây nên thầy cô giáo phải thay đổi cách dạy, cách kiểm tra đánh giá, để làm sao, học sinh biết cách tự học để các em có thể tự học suốt đời. Bên cạnh đó, khó khăn trong cuộc sống luôn hiện hữu, vì vậy, học sinh cần được rèn kỹ năng, kết hợp giáo dục giá trị để phát triển phẩm chất.

“Khi các em chăm chỉ, có trách nhiệm, tự trọng, chắc chắn các em sẽ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thành công, hạnh phúc”, cô Thu Anh tin tưởng.

Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử  Bộ GD và ĐT


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi