Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
“Chương trình SGK mới vẫn cần được đánh giá và điều chỉnh”

Trước câu hỏi phải mất bao lâu mới đánh giá được chương trình SGK lớp 1 “nặng” hay “nhẹ”? Việc đánh giá cần dựa trên các yếu tố nào? Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT cho biết: Trước hết cần phân biệt Chương trình và SGK. Chương trình tiếng Việt 1 xưa, nay và kể cả mai sau đều có mục tiêu chính là dạy học sinh biết đọc biết viết. Muốn biết đọc biết viết thì phải học đủ 29 chữ cái, 11 hoặc 14 chữ ghép, trên dưới 140 vần. SGK là sự cụ thể hóa chương trình.

Mỗi bộ SGK có thể có cách tiếp cận riêng. Đơn cử như việc phân bổ nội dung dạy học khác; Tính toán số đầu việc phải làm trong 1 tiết học, 1 bài học cũng khác. “Việc nói chương trình nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào cách dạy của giáo viên (có giáo viên vô tình đặt yêu cầu cao hơn chương trình.

Ví dụ dạy viết vượt 25% thời lượng của chương trình; yêu cầu học sinh lớp 1 biết nối nét chữ hoặc tổ chức nhiều hoạt động rườm rà). Do đó nói chuyện “nặng” hay “nhẹ”, chúng ta phải nói đến bài cụ thể, SGK cụ thể thì tác giả và các cơ quan quản lý mới có giải pháp để hướng dẫn giáo viên”-GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Cũng theo khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình GDPT mới không nặng hơn chương trình cũ. Tuy nhiên, chương trình vẫn cần được đánh giá và điều chỉnh. 

“Thời gian để đánh giá chương trình chắc chắn sẽ lâu hơn thời gian đánh giá SGK rất nhiều. Còn về SGK, giáo viên có thể đánh giá sơ bộ ngay từ khi nghiên cứu để chọn SGK. Đồng thời, có thể đánh giá ngay trong quá trình dạy học, nhất là đánh giá từng bài cụ thể. Giáo viên nên ghi lại đánh giá của mình và kịp thời phản ánh với nhà trường, hoặc các cơ quan quản lý giáo dục để điều chỉnh”-GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Sau 1 tháng dạy và học, chương trình SGK lớp 1 đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, khi đi thực tế tại một số địa phương về việc triển khai chương trình SGK lớp 1, cá nhân ông nhận thấy nhiều nơi dạy và học rất tốt. Tuy nhiên, nếu việc dạy và học tại một số trường, một số nơi vẫn còn có những khó khăn, chưa thuận lợi như báo chí phản ánh thì có thể có một số nguyên nhân như có bộ sách hoặc một số bài trong bộ sách chưa phù hợp (không phải chỉ là nặng mà không logic hoặc tổ chức nhiều hoạt động rườm rà); Cách dạy chưa phù hợp và do học sinh năm nay chưa được chuẩn bị tốt;  Phụ huynh học sinh lớp 1 quan tâm đến con mà chưa nắm được cách dạy con nên vô tình gây áp lực cho con; Sỹ số lớp học quá đông. “Tôi rất chia sẻ với thầy cô giáo dạy lớp 1 năm nay khi phải bước vào chương trình SGK mới trong một hoàn cảnh tương đối đặc biệt. Đó là học sinh năm nay ở bậc học mầm non nghỉ 4 tháng liền do đại dịch COVID-19 nên “trang bị” về nền nếp học tập, nhận mặt chữ… chưa đầy đủ. 

Sau khai giảng, học sinh vào học ngay, không có “tuần số 0” để chuẩn bị. Bên cạnh đó, chương trình mới, SGK mới nên thầy cô có thể vẫn chưa thành thục. Từ thực tế trên, tôi mong các thầy cô giáo tự đánh giá và điều chỉnh theo hướng xem mình có đòi hỏi học sinh cao hơn chương trình không? 

Xem mình có tổ chức quá nhiều hoạt động không thiết thực không? Xem mình đã dạy học linh hoạt và phân hóa chưa? Thực tế cho thấy, mỗi học sinh trong lớp có đặc điểm và khả năng riêng. Do đó, thầy cô giáo cần giao nhiệm vụ học tập phù hợp với năng lực của từng em”- GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề.

Để việc dạy học thuận lợi, hiệu quả hơn trong thời gian tới, GS Nguyễn Minh Thuyết lưu ý, giáo viên cần dạy đúng yêu cầu của chương trình. Đặc biệt, cần thực hiện quyền chủ động của mình như tăng số tiết cho những bài học còn khó đối với số đông học sinh; thực hiện dạy học phân hóa; giảm bớt những hoạt động không thiết thực. Trong trường hợp có những bài trong SGK chưa phù hợp, thì cơ quan quản lý giáo dục cần trao đổi với tác giả, các NXB để điều chỉnh.

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi