Hơn 30 năm cụ Thái Thị Sáng chèo đò đưa học sinh qua sông miễn phí. Giờ đây ở tuổi 87, cụ Sáng vẫn không muốn xa mái chèo. Nhưng vì sức khỏe nên cụ đành lên bờ. Con trai cụ thay mẹ chèo đò và không lấy tiền của học sinh, thầy cô giáo qua sông.
Từng chèo đò đưa cán bộ qua vùng địch
Trong một chuyến công tác về huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, chúng tôi tình cờ biết cụ Thái Thị Sáng (sinh năm 1928) - ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ qua một cử chỉ “hơi lạ” khi chúng tôi đến bến đò qua sông Thị Đội (trước nhà cụ Sáng). Lúc ấy chúng tôi định đưa xe máy xuống đò qua sông, cụ Sáng chậm rãi nói: “Các chú qua sông nếu không đi xa thì cứ gửi xe ở đây, tôi giữ xe không lấy tiền, chứ đưa xe qua sông 2 lượt cũng mất 4.000 đồng”.
Nghe cụ Sáng nói vậy, chúng tôi dẫn xe vào trong nhà gửi. Sau khi qua sông công tác xong, chúng tôi có dịp trò chuyện với cụ Sáng, mới biết chủ bến đò này là con trai thứ 4 của cụ. Tại bến đò này, cụ Sáng đã có hơn 30 năm chèo đò đưa hàng ngàn học sinh qua sông tìm con chữ.
Sau 30 năm chèo đò đưa hàng ngàn học sinh qua sông, giờ đây cụ Sáng không thể rời bến đò nên dựng cái chòi bán bánh kẹo gần đó.
Dù cụ Sáng ở tuổi gần 90, đôi mắt cụ còn sáng lắm và bước đi còn nhanh nhẹn, đặc biệt trí nhớ cụ rất minh mẫn, cụ Sáng kể: “Quê tôi ở Kiên Giang. Năm 17 tuổi, tôi đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng, nhận nhiệm vụ làm giao liên ở vùng Rạch Giá. Mỗi ngày, ngoài công việc đưa cơm, nước cho cán bộ, tôi còn tham gia làm liên lạc và chèo đò, chở bộ đội qua vùng địch. Đến năm 22 tuổi, tôi lấy chồng (thuộc đơn vị chủ lực miền Nam), rồi hai vợ chồng dắt nhau về đây sinh sống cho đến bây giờ. Khi đó vợ chồng tôi vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng”.
Cụ Sáng và chồng tiếp tục hoạt động Cách mạng, trong thời gian này, chồng cụ Sáng bị thương nặng trong một lần bị địch công kích nhưng được đơn vị cứu chữa nên giữ được tính mạng. Tuy nhiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chưa được bao lâu, ông cụ qua đời vì vết thương cũ tái phát.
Khi cụ Sáng quyết định lên bờ, bến đò giao lại cho người con trai thứ 4 nhưng với điều kiện không lấy tiền học sinh và thầy cô giáo khi qua sông
Nói đến đây, giọng cụ Sáng trầm xuống, cụ nói tiếp: “Khi ông nhà mất, một tay tôi bồng bế nuôi 9 đứa con với nghề bán nước tương, nước mắm trên chiếc ghe nhỏ khắp các kênh ở huyện Ô Môn (nay là huyện Cờ Đỏ và huyện Thới Lai). Cuộc sống khó khăn và khổ cực lắm, cũng may thời đó cá mắm đầy sông… chủ yếu lo gạo là nuôi được bầy con rồi”.
Đưa hàng ngàn học sinh qua sông tìm chữ
Dù cụ Sáng không nói ra hết cái khổ của “thân cò” một mình nuôi 9 con khôn lớn trong những năm 70, 80 nhưng ai cũng hiểu, với một người phụ nữ “tay không” nuôi một đàn con như cụ Sáng thì gia đình cụ cũng như bao gia đình nghèo ở Nam bộ thời đó phải trải qua những bữa cơm mà rau, bồn bồn, khoai lang… là món duy nhất trong ngày. Tuy nhiên, cụ Sáng cũng như nhiều người nghèo khác mang bản chất của người Việt Nam là cần cù, chịu thương chịu khó và biết tin vào tương lai để vượt qua khó khăn trước mắt.
Cụ Sáng kể: “Những năm đó, trên chiếc ghe cũ kỹ của tôi, hàng ngày tôi chèo khắp các ngã sông bán nước tương, nước mắm. Bao nhiêu tiền lời chẳng dám tiêu xài phung phí và mấy đứa con lớn đã biết đi làm thuê, đứa nhỏ hơn thì biết trông em cho tôi đi buôn bán. Nhờ đó mà cuộc sống của mẹ con chúng tôi bớt khó khăn hơn trước rất nhiều”.
Những lúc rảnh rỗi, cụ Sáng ra bến đò kể chuyện cho các em học sinh nghe.
Nói về cái duyên đến với nghề chèo đò, cụ Sáng kể lại: “Khoảng năm 1984, trong lúc tôi đi bán hàng về, chèo ghe qua dòng kênh Xáng Thị Đội, thấy mấy đứa nhỏ ngồi trên bờ với vẻ mặt buồn thiu. Lúc đó tôi hỏi “Giờ này đã trễ rồi, sao tụi con chưa vào lớp học?”. Tụi nhỏ trả lời “Tụi con không có xuồng để qua sông”. Nghe vậy, tôi ghé lại và đưa mấy cháu qua sông để vào lớp học”.
Cụ Sáng kể tiếp: “Mấy ngày sau, hình ảnh 5 - 6 đứa nhỏ thấp thỏm đứng ở bờ sông trong khi tiếng trống vào lớp đã vang lên từ lâu cứ lập đi lập lại trước mắt tôi. Và tôi còn nhớ, có đứa bật khóc vì sợ ba mẹ, thầy cô la rầy vì bỏ học. Thấy vậy, sau nhiều đêm trăn trở tôi không chịu cảnh mấy em nhỏ bỏ học vì không có phương tiện qua sông nên tôi quyết định dựng một cái chòi tạm ngay cạnh bến đò để vừa có thể bán hàng lo “nồi cơm” cho 9 đứa con và có thể chèo đò đưa học sinh qua sông”.
Chị Lê Thị Bảy - con gái thứ hai của cụ Sáng (từng tham gia chèo đò với cụ Sáng) cho biết, dòng kênh Xáng Thị Đội chỉ vài chục mét, nhưng khi lũ về, dòng kênh trở nên mênh mông và hung hãn với những trẻ nhỏ. Do vậy, khi chèo đò, chị và cụ Sáng lúc nào cũng đề cao cảnh giác, trên ghe bao giờ cũng có vài cái can nhựa, phòng ngờ khi có biến cố xảy ra… Nhờ tính cẩn trọng và “vững tay chèo” trong những năm tháng làm giao liên nên trong hơn 30 chèo đò đưa học sinh qua sông, bến đò của cụ Sáng không xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào.
Theo chị Bảy, dù chiếc ghe đưa học sinh qua sông khi đó không lớn như bây giờ nhưng mỗi ngày tại bến đò này không dưới 800 em học sinh/2 lượt, được chị và cụ Sáng chở qua sông đi học, trong số đó, có cả giáo viên, tất cả đều được miễn phí. Và tính đến thời điểm hiện tại, cụ Sáng đã sử dụng 7 -8 chiếc ghe trong hơn 30 năm đưa học sinh qua sông tìm con chữ.
Cụ Sáng chèo đò đến năm 2009 - 2010, cụ Sáng “lên bờ” vì sức khỏe và vì yêu cầu của ngành giao thông đường thủy là bến đò phải an toàn, phương tiện lớn, có phao, chứng chỉ hành nghề… Do vậy, cụ Sáng giao bến đò lại cho đứa con trai thứ 4 là anh Lê Văn Duyên tiếp tục “sự nghiệp” chèo đò của cụ nhưng với điều kiện: học sinh, thầy cô giáo là không được lấy tiền.
Hiện nay dù cụ Sáng đã gần 90 tuổi, xa mái chèo đã lâu nhưng cụ vẫn “nhớ nghề”, cụ Sáng nói: “Không được chèo đò đưa các cháu học sinh qua sông tôi buồn và nhớ lắm! Nhưng chẳng biết làm cách nào để tiếp tục gắn bó với bến đò với các cháu nhỏ nên tôi dựng cái chòi, bán bánh kẹo nhưng cốt để có dịp trò chuyện với các cháu, kể chuyện đánh giặc cho các cháu nghe, kể chuyện học hành của các thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước vất vả thế nào… để các cháu nhỏ bây giờ noi theo mà phấn đấu học hành, trở thành những công dân tốt cho xã hội”.
Trích nguồn: Báo Dân trí Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK