Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ngưỡng xét tuyển đầu vào đại học là 15 điểm

Chiều 28-7, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH của cả nước là 15 điểm CĐ là 12 điểm với hệ CĐ. Đây là mức điểm sàn được nhiều trường ĐH đánh giá là hợp lý.

Thí sinh được xét tuyển nhiều tổ hợp

Ngày 28-7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015, Bộ GD-ĐT đã thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ 2015 ở các tổ hợp môn thi như sau: 15 điểm cho tất cả các tổ hợp ĐH; 12 điểm cho các tổ hợp CĐ.

Việc xác định ngưỡng điểm này được căn cứ vào các số liệu điểm thi của 720.000 thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì. Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đối với các khối thi truyền thống như A, B, C và các tổ hợp môn thi có ít nhất từ 2 môn Tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) trở lên thì mức điểm trung bình thí sinh đạt được nằm trong khoảng 16-18 điểm.

Trong khi đó, các tổ hợp gồm môn Toán kết hợp với các môn Xã hội hoặc môn Ngoại ngữ thì điểm thi trung bình thấp hơn, chỉ ở mức 13-15 điểm. Như vậy, có thể thấy cơ hội của thí sinh đăng ký xét tuyển khối truyền thống sẽ nhiều hơn các thí sinh đăng ký xét tuyển theo tổ hợp mới.

Đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm nay các trường ĐH, CĐ sử dụng khoảng 15 tổ hợp phổ biến nhất. Ngoài ra có hơn 50 tổ hợp xét tuyển khác sử dụng ở một vài trường, ngành. Thí sinh có thể được xét tuyển nhiều tổ hợp nếu dự thi từ 4 môn trở lên. Bên cạnh đó, các thí sinh còn có thể đăng ký xét tuyển vào 198 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh, xét tuyển dựa vào kết quả học tập phổ thông. 

Các trường tốp giữa yên tâm nguồn tuyển

Có thể thấy so với năm 2014, mức “sàn” xét tuyển ĐH, CĐ cao hơn hẳn. Năm ngoái, mức “sàn” áp dụng ở khối A, A1, C, D là 13 điểm;  khối B là 14 điểm. Cũng trong năm 2014, ở hệ CĐ, “điểm sàn” xét tuyển xác định ở khối A, A1, C, D là 10 điểm và với khối B là 11 điểm. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không khiến các trường lo ngại.

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải, ông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: “Điểm “sàn” 15 mà Bộ GD-ĐT đã “chốt” là có cơ sở khi dựa trên các dữ liệu mà Bộ có như số thí sinh, tổng chỉ tiêu, các phổ điểm… Tôi tin mức điểm này là phù hợp”.

Ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn cho biết, năm trước trường lấy điểm chuẩn theo từng khoa với ngưỡng từ 14 đến 19. “Năm nay điểm “sàn” cao lên thì điểm chuẩn cũng sẽ cao lên tương ứng” - ông Nguyễn Đức Tĩnh khẳng định. Cùng chung quan điểm, ông Cao Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương, Phú Thọ cũng cho rằng ngưỡng đảm bảo đầu vào năm nay phù hợp, dù so với mọi năm cao hơn 2 điểm.

“Trên thực tế các em làm bài thi năm nay đạt mức điểm 5, 6, 7 tương đối nhiều. Vì vậy tôi không lo lắng về nguồn tuyển. Tôi tin rằng việc tuyển sinh của trường sẽ tốt đẹp” - ông Cao Văn cho biết.

Được biết, nhiều trường đã xác định sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng đầu vào của Bộ GD-ĐT. ĐH Mỏ - Địa chất cũng nhận hồ sơ của thí sinh đạt yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ. Khi các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau sẽ xét ưu tiên đối tượng theo khu vực và điểm các môn xét tuyển.

Đại học Hà Nội cũng cho biết, thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp THPT, có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đạt từ 15 điểm trở lên được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Năm 2015, số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ thi đủ 3 môn khối A là 320.000 thí sinh, trong đó có 110.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 243.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên; số thí sinh dự thi đủ 3 môn khối B là 187.000 thí sinh, trong đó có 45.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 121.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên; khối C có 111.000 thí sinh và số thí sinh thi đủ 3 môn khối D là 543.000 thí sinh. Các số liệu về điểm thi của thí sinh sẽ là căn cứ để thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ từ ngày 1-8.

Trích nguồn: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè