Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ giao tiếp phổ biến nhất trên thế giới, được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế (trong đó có các tổ chức Cảnh sát Interpol; Aseanpol) sử dụng làm ngôn ngữ chính thức. Dạy và học tiếng Anh đã và đang trở thành một giải pháp hữu hiệu để làm giàu kiến thức, mở rộng cơ hội giao lưu quốc tế, tạo nên chất lượng của nguồn nhân lực. Chính vì vậy, tiếng Anh trở thành một trong những môn học then chốt mà hệ thống giáo dục đào tạo.
Trong hệ thống các trường Công an nhân dân nói chung, Trường Cao đẳng CSND I nói riêng, việc dạy học, trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng tiếng Anh cần thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở hai bên cùng có lợi như hiện nay. Bởi vậy, cán bộ chiến sỹ CSND, trong quá trình công tác của mình không chỉ sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu, học tập mà còn có thể sử dụng trực tiếp trong quá trình công tác, chiến đấu bảo vệ ANTT như: sử dụng trong giao tiếp với người nước ngoài; thực hiện các nội dung công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội có liên quan (quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý cư trú, đi lại, tham gia giao thông của người nước ngoài); sử dụng tiếng Anh trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến người nước ngoài (lấy lời khai, hỏi cung bị can đối tượng là người nước ngoài…). Một trong những tiêu chí quan trọng trong chuẩn đầu ra do Nhà trường ban hành đối với học viên sau khi tốt nghiệp ra trường là đạt trình độ B tiếng Anh.
Trong những năm vừa qua, hoạt động dạy môn tiếng Anh ở Trường Cao đẳng CSND I đã được quan tâm, từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng và đã đạt được những kết quả nhất định. Quá trình dạy học môn tiếng Anh đã được sự sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Lãnh đạo Bộ môn và sự giúp đỡ các đơn vị chức năng có liên quan. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, biên soạn giáo trình cũng như tổ chức dạy học môn Tiếng Anh đã được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Đội ngũ giảng viên tiếng Anh đã từng bước được củng cố, trưởng thành, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc giảng dạy môn Tiếng Anh đã được thực hiện theo đúng các quy chế, đảm bảo đúng nội dung, chương trình, tiến độ, phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện hiện nay của Nhà trường. Nhiều học sinh đã đạt kết quả khá, giỏi trong học tập môn tiếng Anh, có học viên đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh do Bộ Công an và Nhà trường tổ chức. Học viên sau khi ra trường có thể vận dụng các kiến thức, kỹ năng tiếng Anh đã được học vào công tác thực tế cũng như để tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại một số điểm chưa hợp lý như: Nội dung, chương trình giảng dạy môn tiếng Anh còn có bố cục chưa thực sự cân đối, đội ngũ giảng viên trong quá trình lên lớp vẫn chưa áp dụng có hiệu quả các phương pháp giảng dạy tiếng Anh giao tiếp, một số ít giảng viên vẫn dạy học theo lối mòn trước đây, nặng về cung cấp kiến thức (từ vựng, ngữ pháp) và giải thích, không chú trọng việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Một số học viên vẫn phổ biến tình trạng chỉ lắng nghe, ghi chép những điều giảng viên truyền đạt, chưa hăng hái tham gia thực hành, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp bằng Tiếng Anh.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh như sau:
Một là, tập trung triển khai xây dựng, biên soạn chương trình, kế hoạch dạy học tiếng Anh theo Chương trình đào tạo mới được ban hành theo Quyết định số 526/QĐ-T38-P6 ngày 10/10/2013 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I đối với từng chuyên ngành, đảm bảo đúng quy định, làm căn cứ biên soạn giáo trình, giáo án cũng như tổ chức dạy học môn tiếng Anh trong Nhà trường. Đối với các nội dung giảng dạy, cần nghiên cứu, loại bỏ những nội dung không không phù hợp với đặc điểm văn hóa, lối sống của người Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Hai là, nâng cao tính chủ động, tích cực của học viên trong học tập môn Tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung. Tiếng Anh là môn học có tính chất đặc thù, đòi hỏi người học phải có sự đam mê, cố gắng, nỗ lực và phải có phương pháp học tập khoa học, đặc biệt là ý thức tự học. Đội ngũ giảng viên Tiếng Anh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu để học viên thấy được vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống cũng như trong công tác sau này; qua đó giúp học viên có động cơ, thái độ học tập tích cực, đúng đắn và xây dựng cho mình mục tiêu, phương pháp học tập hợp lý. Cần thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm về học tiếng Anh, thành lập các câu lạc bộ, tổ chức giao lưu bằng tiếng Anh, thi học sinh giỏi môn ngoại ngữ...thông qua đó, xây dựng và bồi dưỡng niềm đam mê, kích thích nhu cầu học ngoại ngữ thực thụ ở học viên, để việc học tiếng Anh trở thành ý thức tự giác của đại đa số học sinh.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Tiếng Anh. Trên cơ sở các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của giảng viên, Nhà trường cần có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ Công an và lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên Tiếng Anh để đảm bảo tất cả các giảng viên đều đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời thường xuyên tổ chức bồi dưỡng về các kiến thức về chuyên môn (nghiệp vụ sư phạm và ngôn ngữ Anh) và các kiến thức, kỹ năng phụ trợ như tin học, sử dụng các phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy. Tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tham gia các lớp tập huấn về tiếng Anh, giảng dạy tiếng Anh cũng như tham gia các đợt giao lưu, thực tế tại các quốc gia sử dụng ngôn ngữ Anh hoặc các cơ sở đào tạo tiếng Anh khác do Bộ Công an tổ chức nhằm nâng cao trình độ, năng lực, cập nhật kiến thức về ngôn ngữ tiếng Anh cho giảng viên.
Bốn là, chủ động triển khai mô hình dạy học môn tiếng Anh hợp lý và các phương pháp dạy học giao tiếp đối với lớp đông học viên.Tiến hành kiểm tra chất lượng đầu vào môn tiếng Anh, từ đó tổ chức chức các lớp học tiếng Anh theo các trình độ và có quy mô nhỏ (từ 20 - 30 học viên) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các phương pháp giảng dạy giao tiếp có hiệu quả, học viên được rèn luyện thực hành nhiều hơn các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Anh. Trong điều kiện chưa thể triển khai việc chia lớp học tiếng Anh theo mô hình lớp nhỏ, đối với các lớp học đông, giảng viên có thể chủ động áp dụng các phương pháp dạy học chia học viên làm việc theo nhóm.
Năm là, đổi mới, cải tiến khâu kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động dạy học môn Tiếng Anh. Cần phải quán triệt quan điểm: Kiểm tra, đánh giá kết quả, chất lượng dạy học môn tiếng Anh chính là quá trình xem xét, đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ như một công cụ giao tiếp của học viên. Vì vậy, việc kiểm tra không chỉ giới hạn ở kiến thức mà quan trọng hơn là các kỹ năng ( nghe - nói - đọc - viết), đặc biệt là kỹ năng nghe và kỹ năng nói. Do đó, kết cấu đề thi cần đảm bảo: kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) và kỹ năng giao tiếp chứ không chỉ tập trung vào mỗi mảng kiến thức ngôn ngữ (đọc, viết) như hiện nay. Cần đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các phương pháp kiểm tra, đánh giá kỹ năng giao tiếp của học sinh có tác dụng mạnh mẽ tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy như thi vấn đáp, viết tiểu luận, thuyết trình hùng biện theo tổ, nhóm...
Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học, cải thiện môi trường dạy học môn Tiếng Anh. Xây dựng thêm hoặc bố trí những phòng học nhỏ, có không gian phù hợp với việc dạy học ngoại ngữ. Xây dựng thêm các phòng dạy học ngoại ngữ chuyên dụng ở cả 2 cơ sở. Mở rộng phòng mạng máy tính và có cơ chế khuyến khích học viên khai thác, sử dụng phòng Internet tại Trung tâm tư liệu, thư viện để tạo điều kiện cho học viên sử dụng các phương tiện kỹ thuật như máy vi tính, mạng Internet...phục vụ hoạt động tự học tiếng Anh một cách hiệu quả hơn./.
Hoàng Thị Hương Trà Phó Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ - Tin học