Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí.
Theo đó, đối tượng không phải đóng học phí là học sinh tiểu học trường công lập; Học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước, được ngân sách nhà nước cấp bù học phí; người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối tượng được miễn học phí gồm: người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; con của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; con của liệt sỹ, con của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; sinh viên học sinh người dân tộc thiểu số ít người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn…
Đối tượng được giảm học phí: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề được giảm 70% học phí. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng...
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/7/2014.
Biên tập: Hồng Thắm - Trung tâm TTKH & TLGKTrích nguồn: Báo CAND online