Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi chính thức kết thúc lúc 5h15 chiều 2-6 với tỷ lệ dự thi gần 96%.
Hết ca thi thứ tám trong toàn bộ đợt thi, 43.369 thí sinh đã có mặt tham gia kỳ thi, đạt gần 96%. Số thi sinh bị đình chỉ thi là 9 thí sinh, đều vi phạm quy định cấm mang điện thoại vào phòng thi. Cuối buổi thi, lãnh đạo ĐHQG Hà Nội đã tổng kết sơ bộ điểm thi tại 4 cụm thi: ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Hồng Đức Thanh Hóa, ĐH Vinh, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và ĐH Thái Nguyên với tổng số 10.337 bài thi, có 72,8% đạt số điểm trên 70. Có 2 thí sinh đạt điểm cao nhất là 125/140 điểm.
"Tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi đạt 96% cho thấy kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia đã thu hút sự quan tâm của thí sinh, xã hội, thể hiện sự quan tâm, hứng thú của thí sinh với kỳ thi này. Bên cạnh đó, qua việc tham gia dự thi, có thể thấy các thí sinh đã có một quá trình chuẩn bị khá tốt. Hầu hết đã làm thử bài thi mẫu của ĐHQG Hà Nội, tất cả đã tỏ ra thích ứng một cách nhanh chóng với hình thức thi mới này"- PGS Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Chưa tiết lộ kinh phí ĐHQG Hà Nội đầu tư cho kỳ thi này nhưng ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, với thành công đạt được và sự tiếp nhận của thí sinh thì rõ ràng, việc áp dụng công nghệ thi mới đã giúp giảm thiểu chi phí cho xã hội. “Thí sinh đã tham gia với tâm thế mới. Quan sát quá trình tham gia và thực tế coi thi, hầu như không phát sinh tiêu cực từ phía thí sinh. Không có hiện tượng mang theo “phao” rải trắng sân trường. Các trường hợp bị kỷ luật đều là mang điện thoại vào phòng thi” - ông Sơn nói. Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ đây mới là bước đi đầu tiên trong quá trình đổi mới phương thức tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội. Đây là bước đi khá quan trọng và căn bản và còn rất nhiều việc phải làm tiếp theo.
TS. Sài Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội cho biết, để việc đánh giá được toàn diện hơn, ĐHQG Hà Nội sẽ phải bổ sung, điều chỉnh trong vài năm tới, theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn ở tất cả các khâu, từ phần mềm đến các quy chế tuyển sinh, quy trình thao tác và bộ đề, cấu trúc đề, ma trận đề… Hiện nay, các nội dung bộ đề đề cập đến đều nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu ở lớp 12. Có thể, trong các năm sau, có tỷ lệ nhất định nội dung cuộc sống bên ngoài. Lộ trình điều chỉnh như thế nào sẽ được ĐHQG Hà Nội thông tin tới các phương tiện thông tin đại chúng.
Trích nguồn: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK