Chiều 9/9/2014, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý 3, đồng thời công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sau một thời gian lắng nghe ý kiến đóng góp từ xã hội.
Quang cảnh cuộc họp báo thường kỳ Bộ GD&ĐT chiều 9/9
Đa số các ý kiến lựa chọn phương án thi theo môn (phương án 1)
Sau khi Dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia được công bố ngày 29/7/2014, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi cho đến hết ngày 22/8/2014 trên các đối tượng: GĐ một số Sở GD&ĐT và Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Các trường ĐH, CĐ; Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT, Trung tâm GDTX trong cả nước.
Thống kê số liệu ý kiến đóng góp phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Đa số các ý kiến nhất trí nên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 và tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm.
Đa số các ý kiến nhất trí phương án thi theo môn (Phương án 1) vì phương án này đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông; kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo.
Phương án thi theo bài là mục tiêu cần hướng đến nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015 vì chưa đảm bảo sự tương thích giữa dạy, học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất đề nghị áp dụng quy trình coi thi, chấm thi của Kỳ thi quốc gia giống như Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2014; tổ chức thành các Cụm thi quốc gia, đặt tại các trường ĐH, CĐ và các trường THPT trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thị trấn; Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi; huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và cán bộ, giáo viên ở các Sở GD&ĐT tham gia coi thi và chấm thi,
Một số ý kiến đề nghị Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX không được học Ngoại ngữ và điều kiện dạy học Ngoại ngữ ở các vùng miền rất khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá.
Bên cạnh đó, nếu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây, dẫn đến không công bằng giữa các đối tượng thi.
Một số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp bằng bài kiểm tra chất lượng cuối lớp 12 do sở GD&ĐT chỉ đạo; Duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức "ba chung", vì cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, các trường có mặt bằng chung để xét tuyển.
Một số chuyên gia có ý kiến phân tích, phản biện về việc tổ chức kỳ thi; đồng thời dự báo những rủi ro, lường trước những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra khi tổ chức kỳ thi.
Năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia tổ chức trong 4 ngày: 9 - 12/6
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chính thức ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015.
Kì thi THPT quốc gia hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6.
Phương thức tổ chức kì thi THPT quốc gia cụ thể như sau:
Về môn thi: Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Về đề thi: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Về tổ chức thi: Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.
Xét công nhận tốt nghiệp THPT: Các sở GDĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015
Trước ngày 1/1 hằng năm, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (gọi chung là trường ĐH, CĐ) công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
Căn cứ kết quả thi, Bộ GDĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.
Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.
Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GDĐT chủ trì.
Các sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3; nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT vào giữa tháng 4 hằng năm.
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo Giáo dục và thời đại online