Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học -(Comenxki)

 

Nghề dạy học là nghề thầm lặng, khó thu hút người khác bằng bề ngoài hào nhoáng, hấp dẫn nhưng níu chân người ta bằng cái duyên của nghề, một mối duyên thầm lặng. Nhiều người lúc đầu không có cảm tình đặc biệt với nghề dạy học nhưng bước vào rồi thì mới thấm được cái duyên đó. Bén duyên rồi thì thấy say mê. Được nhìn thấy một học sinh trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội là niềm hạnh phúc vô bờ của người thầy.

Có thể nói, dạy học là một nghề trực tiếp đào tạo nên những thế hệ con người có ích cho xã hội. Bởi vậy, người thầy có một vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Đặc biệt, đối với những người thầy của trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, ngoài việc phải có những phẩm chất cơ bản của một người thầy còn phải giữ vững được phẩm chất của một người chiến sĩ mang trên mình bộ sắc phục Công an nhân dân.

Khổng Tử - một người thầy được coi là mẫu mực đã từng nói: “vi nhân nan”, “vi sư nan” nghĩa là làm người đã khó, làm thầy còn khó hơn!. Để có thể giáo dục được người khác, trước hết thầy phải là người có “tài”. Cái “tài” đó được thể hiện ở tài năng về trí tuệ, về sự hiểu biết và khả năng sư phạm.

Điều đầu tiên người thầy phải có tri thức. Tri thức của người giảng viên Trường Cao đẳng CSND I chính là hệ thống kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành về nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Trước tình hình ANTT và tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi người thầy ngoài việc nắm vững và nhuần nhuyễn nội dung hệ thống các kiến thức cơ bản của môn học của mình thì cần thường xuyên cập nhật tình hình thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm bổ sung vào nội dung bài giảng. Người thầy hằng ngày phải tự làm mới, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ của mình để đủ sức khai sáng thế hệ trẻ. Người thầy có trình độ cao khiến học trò nể phục. Người thầy như ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian.

Bên cạnh tri thức thì một yếu tố quan trọng đóng vai trò quyết định đó chính là khả năng sư phạm thể hiện ở việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, khả năng trình bày và khả năng xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy. Nếu mỗi giảng viên biết kết hợp giữa nội dung và phương pháp sẽ làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động, hấp dẫn và có hiệu quả cao, làm cho học viên hứng thú, say mê, tránh nhàm chán, đặc biệt là đối với những môn học đặc thù của lực lượng vũ trang. Từ đó, giúp người học chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng bài học một cách linh hoạt vào thực tiễn công tác và chiến đấu.

Người thầy cần phải có “đức”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Bởi vậy, “đức” là yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi người thầy. Cái “đức” của thầy thể hiện ở thái độ, tác phong chuẩn mực khi thực hiện giảng dạy và trong lối sống, trở thành tấm gương, vừa là thầy, vừa là người đồng chí, là tấm gương ưu tú và chuẩn mực cho các thế hệ học viên noi theo. Cái “đức” còn thể hiện ở sự giúp đỡ người học một cách chân thành, không vụ lợi, không phân biệt đối xử, giúp đỡ trong hỗ trợ kiến thức phải đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, việc “giúp” ở đây không có nghĩa là cho điểm cao, dễ dãi đối với người học trong học tập mà đó là sự tận tình chỉ bảo, sẵn sàng giải đáp mọi khúc mắc của sinh viên. Cái “đức” ấy còn được biểu hiện ở sự kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực vì một môi trường sư phạm lành mạnh, vì một nhà trường kỷ cương, nhà giáo mẫu mực, học viên tích cực.

Để làm được tất cả những điều trên suy cho cùng người thầy cần phải có “tâm” đối với nghề dạy học. Bởi người thầy phải có tâm huyết với nghề mới có hứng thú, say mê, chăm chút từng bài giảng, từng nội dung tiết giảng; mới thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho học. L.Tônxtôi đã nói “Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất – đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt”.

Và cái “tâm” phải được biểu hiện thành những hành động cụ thể trong việc hy sinh vì công việc, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp. Thầy phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức để làm tấm gương sáng cho người học noi theo, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trước tình hình mới. Nhất là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì tấm gương tự học, tự rèn luyện của người thầy nói chung và những “Người thầy mang sắc phục Công an nhân dân" nói riêng càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Với đặc thù của một ngôi trường hàng năm đào tạo nên hàng nghìn chiến sĩ Cảnh sát nhân dân cho khắp các mặt trận đấu tranh chống tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội của đất nước, các thầy cô giáo của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao tri thức, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và phát huy hết khả năng của mình trong quá trình dạy học, nghiên cứu.

Các thầy cô giáo ở Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I không đơn thuần chỉ là một người thầy, họ còn là những người lính, những sĩ quan của lực lượng Công an nhân dân. Bởi vậy, trong mọi hoàn cảnh các thầy giáo, cô giáo vẫn luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, lập trường tư tưởng để từ đó giáo dục cho học viên những phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. 

"Tùng tùng tùng…" tiếng trống trường mới hôm nào khai giảng vẫn như còn vang lên trong sớm mai báo hiệu một năm học mới thắng lợi lại về. Đã thấy trong năm học này bóng dáng của thời gian, mái Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã gần 51 năm phấn đấu xây dựng và phát triển. Lớp lớp học viên trưởng thành từ mái trường thân yêu này đã tung cánh bay đến những chân trời xa xôi, dựng xây và bảo vệ bình yên cho Tổ quốc! Lại chợt thấy trên tóc cô thầy có thêm vài sợi bạc, còn nụ cười thì vẫn rạng rỡ như thủa nào. Ngày qua ngày thầy vẫn lên lớp, vẫn thân quen với hành lang, bảng đen và phấn trắng... Lại thấy thấp thoáng tiếng trống khai trưng rộn ràng, lại khởi động một vòng quay mới trong một năm học tiếp theo, với bao điều đang chờ đón. Năm này lại nối tiếp năm kia, những mùa tựu trường, những năm học mới! Lại những chuyến đò cần mẫn thầy chở bao tri thức sang sông... Những người thầy thắp lửa cho tương lai!

Bài: Lăng Thị Thúy Nga (P7)