Bác Hồ và ngày 2-9 lịch sử

Đất nước ta đang hòa trong không khí náo nhiệt, tưng bừng tổ chức hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015).  Những ngày tháng lịch sử này luôn gợi nhớ trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam niềm tự hào non sông, tình đoàn kết  toàn dân và lòng yêu nước mãnh liệt.  Bên cạnh đó là những ký ức, là sự gợi nhắc của lịch sử, của các bậc cha ông đối với cháu con về những khoảnh khắc, những dấu son lịch sử mà thế hệ hôm nay và mai sau cần phải biết, cần phải nhớ, cần phải khắc ghi! Trong những khoảnh khắc lịch sử ấy có khoảnh khắc khi Bác Hồ viết nên bản Tuyên ngôn độc lập và đọc trên quảng trường Ba đình ngày 2-9-1945. Chúng ta hãy ngược dòng thời gian để tìm hiểu thời khắc lịch sử ấy qua những câu chuyện, những bút ký kể lại!

Sáng ngày 18-8-1945, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trên các đường phố Hà Nội. Sáng ngày 19-8, hàng chục vạn nhân dân nội ngoại thành xuống đường hướng về quảng trường nhà hát thành phố. Đúng 11 giờ, Uỷ ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa và ngay tối hôm đó cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi hoàn toàn, chính quyền về tay nhân dân. Sáng 22-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội, theo đường Đèo Khế Cù Vân. Trên đường đi khi dừng chân tại đình Phú Xá, chợt nhìn thấy hàng cờ căng trước cổng thôn, Người hỏi: “Sao các chú làm cờ của ta nhỏ hơn cờ các nước Đồng minh?”.  Một đồng chí thưa: “Dạ, giấy đỏ và vàng nhân dân mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ! Vì muốn cho đủ nên chúng cháu phải cắt nhỏ đi một chút ạ”, Người lắc đầu, bảo : “Không nên, các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã dành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước khác. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình”. Câu chuyện về lá cờ của Bác tuy đơn giản vậy nhưng là bài học quý về tinh thần tự tôn, tự cường của dân tộc, của đất nước với các bạn bè 5 châu và được nhắc nhở tới tận bây giờ.

Chiều ngày 25-8-1945, Người vào nội thành, qua lối 35 Hàng Cân để sang nhà số 48 Hàng Ngang. Bà Trịnh Văn Bô (tức bà Hoàng Thị Minh Hồ) chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang kể lại trong hồi ký “ Những năm tháng bên Bác Hồ kính yêu” như sau: “ Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu Con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của ông cụ mới tắt, nhưng 5 giờ sáng đã thấy ông cụ tập thể dục ngoài ban công. Hàng ngày, lúc 7 giờ, ông Vũ Đình Hoàn đón Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc với ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc việt…”. Sau này bà Trịnh Văn Bô mới biết rằng khi tiếng máy chữ vang lên trong đêm khuya ấy chính là lúc Bác Hồ đang soạn thảo bản hùng văn vô giá – Bản Tuyên ngôn lịch sử khai sinh ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Hẳn nhiều người không biết rằng đây là lần đầu tiên Bác đến Hà Nội. Chặng đường 300km từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới Hà Nội để chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại của đất nước, Bác đã đi mất hơn 35 năm, trải qua bao vùng đất, bao quốc gia, châu lục. Con đường Bác đi không giống bất cứ con đường của một người Việt Nam yêu nước nào đã đi trước Bác! Trong căn nhà số 48 phố Hàng Ngang,  Bác ngồi làm việc trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.

Ngày 30-8-1945, Bác cho mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Người nói trong đời tuy đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn độc lập. Và như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người.

Mồng 2-9-1945, Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ, những dòng người đủ mọi màu sắc, từ khắp các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình với các biểu ngữ bằng đủ thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga khắp các đường phố: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh” “Ủng hộ chính phủ lâm thời”,…Các nhà máy, các cửa hiệu buôn to, nhỏ đều nghỉ việc. Chợ búa không họp, mọi hoạt động buôn bán, sản xuất của thành phố tạm ngừng, đồng bào Thủ đô già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước. Hàng chục vạn nông dân từ ngoại thành kéo vào. Những chiến sỹ dân quân mang theo côn, kiếm, mã tấu. Có những người vác theo cả những quả chùy đồng, những thanh long đao rút ra từ những giá vũ khí bày để trang trí trong các điện thờ. Các chị em phụ nữ nông thôn với những bộ quần áo ngày hội, những cụ già vẻ mặt nghiêm trang, những cô gái Thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ, các em thiếu nhi khua rền trống ếch, giậm chân bước đều, hát vang những bài ca cách mạng. Những nhà sư, những ông cố đạo cũng rời nơi tu hành, xuống đường, xếp thành đội ngũ đến dự ngày hội lớn của dân tộc.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945

Bác Hồ - vị Chủ tịch của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra mắt đồng bào như một vị lãnh tụ lần đầu xuất hiện trước đông đảo quần chúng. Đó là một cụ già trán cao, mắt sáng, râu thưa. Cụ đội một chiếc mũ đã cũ, mặc áo kaki cao cổ, di dép cao su trắng. Dáng Cụ đi nhanh nhẹn, không phải dáng đi trang trọng của những người “sang”. Giọng nói của Cụ phảng phất giọng nói của một miền quê đất Nghệ An, lời Bác nói điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đến nửa chừng, Bác dừng lại và bỗng dưng hỏi:

- Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?

Tất cả mọi người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm:

-Co…o..ó…!

Từ giây phút đó, Bác cùng biển người như hòa làm một!

Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử

Vâng! sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Bác đã trở về và đã xuất hiện trước đồng bào ngày hôm đó như vậy! Thời khắc ấy đã qua đi 70 năm nhưng hình ảnh Bác cùng hàng triệu nhân dân trong nắng mùa thu trên quảng trường Ba Đình hôm ấy đã đi vào lịch sử như một vết son chói lọi. Và Bản Tuyên ngôn Độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế cùng chế độ thực dân áp bức, mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa!

Bài: Mai Hương - Trung tâm TTKH & TLGK
EMC Đã kết nối EMC